Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Học Cung

Phiên bản Dịch · 1681 chữ

Lý Ngang không hoang mang vì vấn đề này quá lâu, hắn ho nhẹ rồi quay đầu hỏi Quan Lệ Xu:

"Thẩm, trong nhà có vải không? Không cần tơ lụa, vải bố hoặc vải bông bình thường là được. Cả cái kéo nữa."

"Có, có hết."

Quan Lệ Xu gật đầu, quay người đi vào phòng trong, chỉ chốc lát sau đã cầm ra một tấm vải bố và một cây kéo.

Lý Ngang bảo Quan Lệ Xu đặt vải bố và cây kéo trên bàn đá ở đình viện, hắn cầm kéo lên, cắt một mảnh vải hình tam giác.

Trước ánh mắt tò mò của một nhà ba người, Lý Ngang cầm một đầu mảnh vải bố vòng ra sau gáy đứa trẻ rồi buông xuống trước ngực.

Một đầu khác thì vòng xuống dưới cánh tay của đứa trẻ, gập đôi miếng vải hình tam giác để quấn cánh tay trật khớp vừa hồi phục, cuối cùng buộc hai đầu của miếng vải lại với nhau.

Khăn tam giác cố định xương tay đã hoàn thành.

Lý Ngang lui lại nửa bước, quan sát hiệu quả, hài lòng gật đầu nói:

"Cần mang khăn tam giác này trong vòng một tuần, trong thời gian này không được kéo mạnh cánh tay của Cận nhi, có thể tắm rửa ngủ nghỉ bình thường, nhưng khi hoạt động nhớ đeo khăn tam giác lên."

Hắn dặn Bồ Lưu Hiên và Quan Lệ Xu một đống lưu ý của bác sĩ, thuận tiện dặn dò về sau chỉ có thể uống nước đã đun sôi, không được uống nước lã, v.v…

Chờ Lý Ngang nói xong, Quan Lệ Xu bèn ôm đứa bé đã mơ màng ngủ trở về viện, để sư đồ hai người ngồi lại trong sân.

- Ực ực.

Lý Ngang nói đến khô cả lưỡi, nhấp một hớp nước trà đã lạnh.

Không thể không nói hương vị của Cừ Giang Bạc Phiến quả thật không tồi, dịu ngọt nồng hậu, khó trách giá đắt như vậy, hai hộp nhỏ chắc cũng phải bốn năm trăm đồng.

Xem ra phải nghĩ cách đáp trả ân tình của Tống di mới được…

"Nhật Thăng này."

Bồ Lưu Hiên khẽ gọi, cắt ngang dòng suy nghĩ của Lý Ngang.

"Tiên sinh cứ nói."

Lý Ngang đặt chén trà xuống, ngồi nghiêm chỉnh.

Bồ Lưu Hiên tùy ý hỏi:

"Kỹ thuật chữa trị gãy xương của con là học ở đâu?"

Tới rồi.

Lý Ngang thầm nhủ trong lòng, thời đại này kỹ thuật chữa xương khớp của thầy thuốc tương đối có hạn, hắn không thể nói đây là kỹ nghệ gia truyền.

Hắn hắng giọng, nói ra câu trả lời đã chuẩn bị sẵn: "Là đệ tử tự học ạ."

"Tự học?"

"Đúng vậy."

Lý Ngang bình tĩnh nói: "Trong thời gian này đệ tử luôn ở nhà để tang. Có lần uống canh gà, đệ tử ăn sạch thịt gà chỉ còn lại xương. Lúc đầu đệ tử định vất đống xương này đi, nhưng bất ngờ phát hiện, rất nhiều xương gà có rãnh và khớp lồi ở đầu và cuối đoạn xương, liên kết với nhau tạo thành một tổng thể.

Mà những đầu khớp xương thì nối liền với da thịt, sụn, cơ bắp. Chỉ cần tìm được quy luật, là có thể ghép đống xương gà thành một bộ xương gà hoàn chỉnh. Thế là đệ tử tự hỏi, liệu có thể khôi phục kết cấu xương khớp của các sinh vật khác bằng phương thức này không.

Đệ tử mua các món ăn làm từ cá, ếch xanh, ba ba, rắn ở tửu lâu, trải qua phân giải cùng chia tách, phát hiện một chuyện rất kỳ diệu. Ví dụ như, xương lưỡi của con ếch là xương sụn, cũng không kết nối với các xương khác; lưng và bụng của rùa có hai lớp trong và ngoài; hộp sọ của rắn không có độc thường có hình quả trứng, còn hộp sọ của rắn độc thường có hình tam giác..."

Lý Ngang dừng lại, rồi mới chậm rãi nói tiếp:

"Sau khi lần lượt phân tích xương động vật, đệ tử cho rằng có thể sử dụng kinh nghiệm về xương động vật để áp dụng lên con người. Vì mỗi loại xương đều có hình dạng, quy luật, như khi gặp một số bệnh nhân bị chấn thương về xương, chỉ cần đặt xương về vị trí ban đầu, bó lại là có thể chữa trị, giảm bớt đau đớn.

Phương pháp trị liệu cho Câu Nhi ban nãy chính là do đệ tử ngộ ra thông qua tính toán hình dạng xương khuỷu tay của mình. Hơn nữa đệ tử còn phát hiện, chỉ cần dùng tay đấm nhẹ vào xương bánh chè ở đầu gối là có thể khiến người khác không khống chế được đá chân ra. Mặc dù không biết nguyên nhân đằng sau, nhưng chắc chắn không thể không liên quan đến xương."

Lý Ngang bắt chéo chân, biểu diễn phản xạ co đầu gối cho Bồ Lưu Hiên xem, thật ra phản xạ co đầu gối có liên quan đến phản xạ thần kinh, nhưng nói vậy hơi doạ người, cũng không cần để ý nhiều chi tiết đến vậy.

Bồ Lưu Hiên trong vô thức cũng định bắt chéo chân, nhưng lập tức phản ứng kịp, để giữ gìn tôn nghiêm sư đồ liền khẽ ho che giấu sự lúng túng, điềm tĩnh gật gật đầu:

"Không tồi, không tồi..."

Ông gật đầu, im lặng một hồi, đột nhiên khuôn mặt hơi căng thẳng, nghiêm túc nhìn Lý Ngang:

"Nhật Thăng, con có nghĩ đến chuyện.. đến học ở Học Cung không?"

Học Cung?!

Mí mắt của Lý Ngang giật giật, hai từ này có ma lực đặc biệt với bất kỳ người Ngu quốc nào.

Trong thiên hạ, khắp nơi đều có Học Cung, Lệ Chính Học Cung ở Lạc Dương, Tùng Châu Học Cung ở Long Khê, Bạch Lộc Học Cung ở chân núi phía nam Lư Sơn, nhưng chỉ có một nơi đặt tên mà không cần bất kỳ tiền tố nào.

Đó là Học Cung ở Trường An.

Nguồn gôc lịch sử của Học Cung bắt nguồn vào thời đại Tùy Văn Đế, năm đó Tùy Văn Đế xuôi nam diệt nhà Trần, kết thúc gần 300 năm loạn thế phân chia, đối ngoại thì trấn áp man di bốn phương, đối nội mới thành lập tam tỉnh lục bộ, phổ biến khoa cử, làm suy yếu thế gia vọng tộc, cũng ở phía tây thành Trường An, kiến tạo một học viện khổng lồ để thu nhận anh tài khắp thiên hạ.

Học Cung không chỉ giảng dạy các tác phẩm kinh điển Nho học cùng thi từ ca phú, một tôn chỉ quan trọng hơn của Học Cung đó là nghiên cứu đến cùng để biết nguồn gốc của sự vật.

Biết được tri thức là nhờ tiếp xúc với sự vật, vật được tiếp xúc rồi thì tri thức mới đến.

Dưới sự dẫn dắt của tôn chỉ này, Học Cung lấy việc nghiên cứu nguyên lý của trời đất làm cương lĩnh, lấy lợi ích của con người làm tiêu chuẩn, nghiên cứu thiên tượng, khảo sát địa lý, thu thập sinh vật, biên soạn đồ chí địa lý, nghiên cứu số học, cải tiến công nghệ rèn đúc đồ sắt, công nghệ dệt, công nghệ nhuộm, công nghệ ép dầu, công nghệ nấu đường, công nghệ xây cầu, công nghệ làm giấy...

Chính nhờ có sự tồn tại của Học Cung mà Tiền Tùy mới có thể kéo dài trăm năm đạt đến nhân khẩu hai trăm triệu, trước khi vị hoàng đế cuối cùng bị ám sát, dẫn đến cảnh mười tám kẻ xưng vương, sáu mươi tư nơi ngập chìm khói lửa.

Sau khi Tiền Tùy diệt vong, Ngu quốc thừa kế phần lớn di sản của Tiền Tùy, cũng không bỏ Học Cung, ngược lại còn mở rộng quy mô của nó, để Học Cung trở thành trụ cột quan trọng nhất để thống trị Ngu quốc.

Những con sông ở thành Y Châu chưa từng bị tắc nghẽn, những con thuyền hàng cỡ lớn chạy trên sông, đến những cục đường của bình dân bá tánh, than đá cho mỗi gia đình, những cuốn sách trong tay thư sinh (Tiền Tùy và thời kỳ đầu của Ngu quốc đều sử dụng sách dạng quyển trục), tiền xu tinh xảo, khó làm giả...

Những gì người Ngu quốc ăn, mặc, dùng, đều có liên hệ chặt chẽ với Học Cung.

Toà học viện này là thánh điện của tri thức và lý trí, là suối nguồn của phát minh và sáng tạo.

"Con... đã từng nghĩ tới ạ."

Lý Ngang nói:

"Nhưng hình như nơi đó tuyển chọn rất nghiêm khắc... trên báo cũng có nói, hàng năm Học Cung chỉ tuyển mấy trăm người. Đệ tử Ngu quốc nếu muốn thi vào Học Cung thì phải cạnh tranh với những người đồng lứa đến từ mười đạo hơn sáu trăm châu phủ.

Trong cuộc thi tỉnh hàng năm, chỉ có mười người đứng đầu mới có tư cách tấn cấp.

Mà dù đã tấn cấp, còn phải đi Trường An, cạnh tranh với vương công quý tộc nhận được nền giáo dục tốt nhất từ nhỏ ở thành Trường An để giành lấy một suất trong danh ngạch nhập học đó.

Vả lại bất cứ đệ tử nào quá 18 tuổi thì sẽ tự động đánh mất tư cách thi vào Học Cung.”

"Từ mấy năm trước, nhân khẩu của Ngu quốc đã vượt quá 600 ngàn hộ, 400 triệu người, mà hàng năm Học Cung chỉ tuyển mấy trăm thiếu niên thiếu nữ đúng độ tuổi quy định.

Độ khó của loại cạnh tranh này thậm chí còn khốc liệt hơn kỳ thi tốt nghiệp trung học ngàn người chọn một trong ký ức dị thế của Lý Ngang....!

Bạn đang đọc Vấn Kiếm (Bản dịch) của Hắc Đăng Hạ Hỏa
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Myumyu612
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 203

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.