Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chúng Sinh Mệnh Số

Tiểu thuyết gốc · 3091 chữ

Lập Thiên vừa cảm khái vừa đưa tay lau mồ hôi trán, nhất thời cảm thấy tương lai mù mịt, vận mệnh trêu ngươi, dường như hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn.

Mà ở phía trên đài, sau khi giảng xong bài giảng về Nhân Tướng Học, đại trưởng lão lại giảng tiếp một chủ đề khác cũng có liên quan mật thiết đến tướng thuật, gọi là Nhân Mệnh Chi Thuật.

- Các trò nói xem, "Nhân Sinh Chi Vận Mệnh" có thật sự tồn tại hay không?

Câu hỏi vừa đưa ra thì đã có một vị học đồ mạnh dạn đứng lên đáp có, thế nhưng người này vừa ngồi xuống thì mấy tên ngồi bên cạnh lập tức lên tiếng phản bác, chỉ là thanh âm không lớn, dường như bọn họ cũng không chắc chắn với câu trả lời của mình.

Đại trưởng lão sống hơn trăm tuổi, hiển nhiên rất rõ ràng tâm tư của những đệ tử trẻ tuổi ngồi bên dưới, cho nên trước sau không hề lên tiếng đính chính mà chỉ im lặng lắng nghe xem trong số rất nhiều người có mặt ở đây có bao nhiêu người tin, bao nhiêu người không tin.

Trước đây lúc ông còn trẻ, ông cũng không tin vào cái gọi là vận mệnh. Không tin không phải vì ông biết chắc chắn thế gian không có vận mệnh, mà bởi vì ông không muốn bản thân bị trói buộc bởi cái gọi là vận mệnh mơ mơ hồ hồ nào đó.

Tuy nhiên, sau khi tu hành một thời gian đủ lâu, kinh qua không biết bao nhiêu thăm trầm sóng gió cuộc đời, cho đến khi tuổi đã xế chiều mà đạo hạnh dậm chân tại chỗ, lúc đó ông mới hiểu ra cái gọi là vận mệnh thực chất là cái gì.

Hôm nay, ông có thể đứng ở đây giảng giải cho đám học đồ nghe về hai chữ vận mệnh cũng là xuất phát từ chiêm nghiệm của cả cuộc đời ông đã trải qua, đã đúc rút được. Muốn giúp cho lớp trẻ hiểu rõ được bản chất của vận mệnh và cách thức né tránh các sai lầm tương tự như ông thời trẻ, đây là một phần tâm huyết mà người gần đất xa trời như ông có thể làm cho đám hậu bối của mình.

Đại trưởng lão bần thần nhớ lại đoạn quá khứ nghiệt ngã của mình, đầy cảm khái nói:

- Ta biết đa số các trò đều cho rằng thế gian không hề có vận mệnh gì cả, tất cả đều gói gọn ở hai chữ nhân quả mà thôi. Điều này không sai, bởi vì hồi trẻ ta cũng nghĩ như các trò, luôn tin rằng tương lai là do hành động của mỗi người ngày hôm nay quyết định chứ không phải do thiên ý sắp đặt. Thế nhưng, đến khi già đi ta mới phát hiện ta, suy nghĩ đó của ta thực sự quá nông cạn rồi.

Nghe đại trưởng lão đưa ra luận đề, không chỉ những người tin tưởng con người có vận mệnh phải ồ lên kinh ngạc mà cả những người không tin có vận mệnh cũng cảm thấy hết sức tò mò, không biết đại trưởng lão có ý tứ gì. Không để cho mọi người phải chờ đợi lâu, đại trưởng lão huơ huơ hất trần một cái, tiếp lời:

- Riêng bản thân ta cho rằng nhân sinh chi vận mệnh là có tồn tại. Có là bởi vì con người ta ai cũng có quan niệm riệng, mong muốn riêng, khát vọng riêng, chí hướng riêng, từ đó hình thành chấp niệm riêng, mà những chấp niệm này là thứ vô cùng khó thay đổi, và thường sẽ đi theo con người ta cho đến khi chết đi, thậm chí đi vào luân hồi, trở thành cái mà các cao nhân gọi là đạo tâm.

- Sở dĩ vận mệnh tồn tại, đó chính là vì chấp niệm của con người gần như là thứ bất biến, mà thứ bất biến này lại là thứ chi phối hầu hết tâm tư suy nghĩ, trạng thái cảm xúc và lề lối hành động của một người trong suốt quãng thời gian sống của họ. Tuy chấp niệm không phải thứ cấu thành nhân quả, nhưng lại là yếu tố tiền nhân quả, là bộ phận quan trọng cấu thành chữ nhân.

- Nói thí dụ, một người có bản tính tham ăn thì sẽ có biểu hiện gì? Biểu hiện cơ bản nhất là người đó thường ăn nhiều. Ăn nhiều thì sẽ no, no thì sẽ cảm thấy chán ăn, đây là nhân quả. Vấn đề nằm ở chỗ, người tham ăn dù chán ăn nhưng vẫn muốn ăn, cho nên để nuốt trôi, bọn họ sẽ đòi hỏi ăn ngon, ăn độc và lạ miệng. Và rồi quả là gì? Để phục vụ chấp niệm ăn uống của họ, những quán ăn ngon nhất, những món ăn độc đáo nhất sẽ bị bọn họ lục lọi thưởng thức cho bằng hết. Đây là phần nhân quả thứ nhất.

- Vậy phần nhân quả thứ hai là gì? Đó là ăn nhiều thì sẽ béo, béo thì dễ sinh bệnh, có bệnh thì phải chữa trị, đại phu lại phải hành nghề. Có người sợ béo sẽ xấu, cho nên muốn ăn nhiều mà không béo, vậy thuốc giảm cân hiển nhiên sẽ được trọng dụng. Ngoài ra, béo thì y phục sẽ mặc không vừa, không mặc được thì phải may y phục mới. May y phục mới thì cần tiệm may, tiệm vải cung cấp, thợ may vá cũng có việc làm.

- Vẫn chưa hết, những nhu cầu trên đây đều cần tiền để duy trì. Giả như người đó là con nhà hào phú thì không sao, nhưng nếu là con của một hộ bần nông nào đó thì thế nào? Liệu có phải những nghề nghiệp mang tiêu đề việc nhẹ lương cao sẽ được ưu tiên tìm kiếm hay những ngón nghề như trộm cướp ăn chặn sẽ hoành hành bá đạo hay chăng? Thêm vào đó, thời điểm cuối đời của loại người này có phải khó tránh khỏi căn bệnh tiểu đường hay tim mạch hành hạ hay không? Đây có thể xem là phần nhân quả thứ ba.

- Cẩn thận suy nghĩ sẽ thấy, thực chất vận mệnh của một người luôn gắn liền với bản chất của người đó. Bởi vì bản chất một người được cấu thành từ tầng tầng lớp lớp tư duy tư tưởng, mà tư duy tư tưởng lại là nền tảng cơ sở quyết định hành động, hành động thì chính là nhân tố trực tiếp tạo nên chữ nhân trong nhân quả, mà vận mệnh thì lại chính là chữ quả trong nhân quả. Cho nên bản chất và vận mệnh nhìn thì không có họ hàng gì nhưng mà quan hệ vô cùng khăng khít.

- Có thể nói rằng, không chỉ người có bản tính tham ăn, dù là người có bản tính hoang dâm vô độ, tham tài háo sắc, trọng danh trọng lợi, yêu thích quyền lực thì đều có thể dùng cách phân tích như trên để kiến giải phần nhân quả của họ. Bởi vì bản chất của chúng sinh đều như nhau, đều sống vì mình, đều trọng cái tôi, cho nên ai rồi cũng sẽ dốc toàn bộ tâm lực để phục vụ cho lợi ích của bản thân trước tiên, không thể nghi ngờ.

- Từ thí dụ trên ta có thể thấy rằng, tuy hành động chính là yếu tố quyết định kết quả, thế nhưng bản chất mới là thứ quyết định đến vận mệnh. Thông thường mọi người đều cho rằng chính họ mới là người kiểm soát vận mệnh của họ, nhưng thực tế thì không phải vậy. Bởi vì vận mệnh đều do bản chất quyết định, mà thứ thiết lập ra bản chất một người là tập hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau bao gồm văn hoá, giáo dục, kinh tế, xã hội, thời thế, công việc, gia đình, bạn bè và một phần thuộc về bẩm sinh nữa.

- Điều này đồng nghĩa với việc, bản chất của một người không phải do bản thân họ quyết định. Khi mà bản chất của họ không phải do họ quyết định, thì vận mệnh hiển nhiên sẽ không phải do họ định đoạt. Và nếu như vận mệnh không do bản thân mỗi người định đoạt, vậy thì tức là do thiên ý sắp đặt rồi. Theo các trò, phần vận mệnh khó lý giải đó liệu có được tính là nhân mệnh tại thiên hay không?

Bỗng ở bên dưới có một người hỏi lớn, nói:

- Thưa đại trưởng lão, nói như vậy có cách nào để một người làm chủ vận mệnh của mình hay không?

Đại trưởng lão liếc mắt nhìn người này, bất ngờ tỏ ra vô cùng thích thú, khẽ đưa tay vuốt chòm râu bạc, cười hoà ái nói:

- Tất nhiên là có chứ. Tu hành chính là con đường giúp người ta siêu phàm thoát tục, phá bỏ sự trói buộc của thiên địa pháp tắc, trở thành tồn tại tối thượng trong tinh hà vạn giới. Việc cải biến bản chất, làm chủ vận mệnh chẳng qua là một phần nhỏ trong đó mà thôi, thực không có gì đáng kể. Chỉ bất quá tạm thời ta sẽ không chỉ rõ làm sao để một người có thể kiểm soát vận mệnh của mình. Bởi vì phần này được đặc biệt ghi chép lại, dành riêng cho người chuẩn bị đúc kết nguyên thần, tức mở ra Diệt Thần cảnh giới.

- Phải biết rằng nguyên thần có hai loại, Vô Tướng Nguyên Thần và Vạn Chấp Nguyên Thần. Muốn đúc ra được Vô Tướng Nguyên Thần, hiển nhiên cần phải thanh lọc đạo tâm, vững vàng đạo cảnh, cũng phải trải qua giai đoạn làm rõ bản chất, nắm bắt vận mệnh, từ đó tìm ra con đường của riêng mình. Ta tin sớm muộn gì các trò cũng đạt đến cấp độ đó, khi đó các trò tìm hiểu cũng không muộn, bây giờ hãy tập trung vào việc tu hành nâng cao tu vi cái đã.

- Lại nói, sở dĩ người tu hành có thể dựa vào nhân tướng đoán số mệnh, thực chất là thông qua nhân tướng để nắm bắt tư tưởng của một người, sau đó lại xuất phát từ tư duy tư tưởng của người đó mà phán đoán được đặc điểm lối sống của họ. Hiểu được lối sống sẽ biết được hành vi sống, biết được hành vi sống thì sẽ biết sự lựa chọn của họ trên đường đời như thế nào, từ đó nhìn ra nhân quả trong mỗi một sự lựa chọn của họ, cuối cùng là phán đoán ra cái quả bọn họ phải nhận, tức là cái gọi vận mệnh.

- Thoạt nhìn qua, vận mệnh trông thật mơ hồ và có phần hoang đường. Thế nhưng một khi nhìn kỹ, nó rất chân thật và vô cùng chí lý. Cách lý giải này đúng với tất cả các trường hợp, đối với người chấp niệm càng sâu, bản chất càng khó thay đổi thì càng đúng đắn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng có khi vận mệnh của một người thay đổi, khiến cho thuật này xảy ra sai lầm, đó là khi nhận thức của một người thay đổi, bản chất bị cải biến.

- Cổ nhân nói "Giang Sơn Dễ Đổi, Bản Tính Khó Dời", thế nhưng khó không đồng nghĩa với không thể chuyển dời. Trong cuộc đời một con người, ai cũng sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn trở ngại, một số người có trí tuệ và ngộ tính cao sẽ từ trong đó nhận được bài học lớn lao, từ đó chấp nhận cải biến nhận thức, tư duy, quan điểm cố hữu của mình để trở nên phù hợp với đại đạo, với thiên địa, với vạn vật, chúng ta gọi đó là người tu hành.

- Khi một người quyết định thay đổi bản chất, thì đó được xem là một hành động mang tính bước ngoặt, có thể thay đổi toàn bộ nhân quả ở phần còn lại của cuộc đời họ, chính vì thế vận mệnh cũng sẽ thay đổi theo. Như vậy, vận mệnh của một người sẽ cần phải tính toán lại, mà nền tảng tính toán phải dựa trên hệ thống tư tưởng mới thì mới mong thu được kết quả chính xác. Ngược lại, nếu một người cứ khư khư giữ lấy phần chấp niệm cố hữu, khăng khăng không thay đổi bản chất thì cái gọi là vận mệnh hay số phận đã được định xuống ngay từ thời điểm đó rồi.

- Bất quá, chấp niệm của một người thì không có đúng sai, thế nhưng hành vi thì có đúng có sai. Hành vi đúng hay sai phần lớn là do chấp niệm dẫn dắt, cũng giống như lòng tham thường khiến cho người ta mờ mắt vậy. Đa số chúng sinh đều cố chấp, cho nên bọn họ không phải vì biết sai sẽ sửa sai, mà dù biết sai nhưng vẫn cứ chọn làm sai, đây là nền tảng cấu thành tội ác, mà giới tu hành lại phân chia thành hai phái gọi là chính đạo và tà đạo.

- Người ta thường ví ranh giới giữa chính và tà rất mỏng manh cũng là vì thế, đôi khi nó chỉ nằm ở một ý niệm mà thôi. Một ý niệm đúng đắn, đi theo nó sẽ khiến con người ta từ súc sinh ma quỷ trở thành thánh phật. Nhưng một ý niệm sai lầm cũng có thể đẩy thánh phật sa vào cõi ma đạo không thể quay đầu, vạn kiếp điêu linh.

- Sở dĩ hôm nay ta nói với các trò những điều này, là bởi vì ta biết trong số các trò chưa ai đắc đạo. Chưa đắc đạo có nghĩa là chấp niệm chưa đủ sâu, chưa định hình đạo tâm, rất cần người làm vững vàng, thông suốt trí tuệ, nhận thức chính đạo để giúp các trò đi đúng đường. Bởi vì một khi đã kết đạo rồi, thì gần như không thể thay đổi được nữa. Lúc đó đúng hay sai, hậu quả thế nào mỗi người đều chỉ có thể tự mình gánh chịu.

- Bản thân ta mù mờ một đời, thực sự cũng không rõ ràng đạo tâm của mình là gì, thành tựu tu hành cũng có giới hạn. Tuy nhiên ta hiểu một điều rằng, người tu hành như chúng ta, tuyệt đối không thể có lối sống và cách nghĩ giống như người trong thế tục được. Bởi vì nếu như thế thì không xứng đáng là người tu hành. Một tu hành giả chân chính thì phải biết mình đúng ở đâu, sai ở đâu. Đúng thì phải ra sức bảo vệ, duy trì, phát huy, sai thì không ngại sửa chữa, cải thiện, thay đổi bản chất gốc rễ vấn đề.

- "Nhân Tại Giang Hồ, Thân Bất Do Kỷ". Ta biết trong cuộc sống, không phải ai cũng có thể sống theo ý mình. Nhưng phàm đã là người tu hành, thời thế chỉ là nhất thời, đạo tâm mới là vĩnh cửu. Thuận thế thì ta dốc lực, nghịch thế ta chọn dưỡng tâm, dù ở hoàn cảnh nào, chỉ cần không thẹn với lòng, dù chết cũng không có gì đáng tiếc cả, nhiều khi đó lại là tạo hóa lớn dành cho mỗi người.

- Đức Phật cũng nói: "Đức Năng Thắng Số". Chỉ cần con người giữ được tấm lòng lương thiện, bản tâm luôn hướng về chính đạo, không lo gì số mệnh không tốt đẹp lên. Ý nghĩa của việc tu hành cũng chỉ gói gọn ở trong từng ấy câu chữ mà thôi, đó là giữ được bổn tâm trong sạch, hành vi đoan chính, rèn giũa đạo đức và trí tuệ của thánh nhân. Đợi đến ngày đạo tâm kiên định, đạo lộ rõ ràng, còn lo gì không đạp lên đại đạo thênh thang rộng lớn mà đi.

- Ta nói những lời này không chỉ để dạy dỗ các trò mà cũng chính là đang nhắc nhở bản thân mình. Ta cũng như các trò, đều là học trò trên con đường tu hành dài dằng dặc không có điểm cuối. "Đường Dài Mới Biết Ngựa Hay", trên con đường mịt mù sương khói này, người chiến thắng chính là người không bỏ cuộc cho đến hơi thở cuối cùng, các trò đã hiểu rồi chứ?!

Đại trưởng lão vẫn bộ dáng cũ, liên tục nói ra những kiến thức mà bản thân đã học hỏi và chiêm nghiệm trong suốt cả trăm năm qua, giọng điệu lúc trầm lúc bổng, lúc gấp gáp lúc khoan thai, thi thoảng nhấn mạnh vào chỗ trọng tâm trọng điểm, khiến cho đám đệ tử bên dưới ngồi nghe như mê như say, chầm chậm lạc vào trong biển trời đốn ngộ.

Ngồi nghe nửa ngày, chỉ một đoạn như vậy là đủ để khiến cho con người ta phải suy ngẫm đến già. Đối với Lập Thiên mà nói, những điều này hết sức khó hiểu, bởi lẽ kẻ mới nhập đạo tu hành như hắn, bản chất hay vận mệnh con người là thứ gì đó mù mờ và xa vời lắm. Phàm là cái gì càng mù mờ, càng huyễn hoặc lại càng khó nắm bắt và thấu hiểu được.

Chung quy học vẫn chỉ là học, lý thuyết chỉ là lý thuyết, muốn ngộ ra được đạo lý ẩn sâu bên trong vẫn cần có trải nghiệm của bản thân mỗi người. Chỉ khi nào tâm tư đủ chín muồi, tự khắc không cần học cũng có thể ngộ ra được đại đạo. Tự cổ chí kim, làm gì có ai dạy ra được thánh phật đâu cơ chứ. Nghĩ thế, Lập Thiên cố ghi nhớ những thứ mà hắn cho rằng là hay ho và có lý, để khi có thời gian sẽ tiến hành nghiền ngẫm cảm ngộ xem có đạt được ích lợi gì hay không.

Bạn đang đọc Tinh Hà Vạn Giới Vĩnh Thế Đạo Thánh Chí Tôn sáng tác bởi Dao_Tien
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Dao_Tien
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 23

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.