Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Tiểu thuyết gốc · 3866 chữ

Điều đặc biệt nhất, làm nên điểm kỳ lạ, sử thi của Trúc Thiên đó chính là gốc gác tổ tiên của cô ấy. Ngô Trúc Thiên chính là con cháu đời sau của Đại Tư Mã Ngô Văn Sở của Triều Tây Sơn. Xin được nhấn mạnh là Đại Tư Mã Ngô Văn Sở khác với Danh Tướng Ngô Văn Sở xuất thân từ Gia Định, phục vụ cho Vua Gia Long Nguyễn Ánh. Cho đến tận thời điểm hiện tại, còn rất nhiều người vẫn chưa tỏ tường về vấn đề có hai người trùng tên Ngô Văn Sở ở cùng một thời đại, chỉ khác nhau là họ phục vụ cho những Vương Triều là kẻ thù của nhau. Chính vì điểm chung nay, đã làm cho các nhà Sử Gia của nước nhà, phải đau đầu, nghiên cứu lịch sử và cuối cùng đưa ra kết luận rằng có đến hai Danh Tướng Ngô Văn Sở. Một của Nhà Tây Sơn và bị chết oan trong một cuộc đấu tranh nội bộ giữa các phe phái, ngay sau khi vua Quang Trung đột tử. Hai là Tướng Ngô Văn Sở phục vụ cho Vua Gia Long Triều Nguyễn và mất vào năm 1822. Để làm rõ luận điểm này, chúng ta cùng đi ngược dòng lịch sử một chút thôi.

Danh Tướng Ngô Văn Sở người làng Bình Thạnh, huyện Tuy Viễn, Phủ Quy Nhơn. Trong gia phả của dòng họ Ngô Văn, ông được ghi chép với tên Ngô Văn Tàng, còn khi ký giấy tờ bang giao, ông lại lấy tên là Ngô Hồng Chấn. Cha ông là Ngô Văn Diễn, giữ chức Khinh Xạ Vệ Uý của Triều Vua Lê-Chúa Trịnh, trấn giữ đất Quảng Nam, còn mẹ ông là Nguyễn Thị Mỹ nhưng trong các sử liệu không truy ra được nguyên quán của bà. Ông chính là con cháu của Tào Quận Công Ngô Phúc Vạn, Ông nội của ông là Ngô Mãnh, từng làm quan đến chức Đô Thống thời Chúa Nguyễn, chấn đóng nơi địa đầu của Trường Dục và Linh Giang. Do tính cách của Ngô Mãnh cương trực, chính nghĩa, không thèm luồn cúi trước kẻ gian thần. Nên bị Trương Phúc Loan tìm cách hãm hãi, vu oan cho tội thông đồng với Chúa Trịnh, cho nên Ngô Mãnh bị tước thu binh quyền, tịch thu gia sản và phải bị lưu đày. Nhưng may mắn thay, Thiên Đạo không bao giờ để những người Trung Nghĩa phải chịu uỷ khuất, ông trốn thoát ra khỏi cảnh ngục tù cùng cháu nội lưu lạc đến vùng đất Tây Sơn, không dám về thăm quê hương, chốn cũ, để rồi từ đó, truyền kỳ về một Danh Tướng lẫy lừng nhà Tây Sơn được ra đời...

Khi Tây Sơn bắt đầu tụ nghĩa, các nhân tài từ khắp mọi miền của Đại Việt đều muốn đầu quân để chen vai, sát cánh vì lý tưởng chung, không vì Phù Nguyễn, Diệt Gian Thần Trương Phúc Loan, thì cũng là những người bị chèn ép, đàn áp dưới sự cai trị tàn bạo của Chúa Trịnh nơi dải Bắc Hà. Cứ như vậy mà mới bắt đầu hình thành lên Tây Sơn Thất Hổ Tướng và Tây Sơn Ngũ Phụng Thư vang danh thiện hạ, uy chấn toàn cõi. Năm 1773 Ngô Văn Sở được cử làm Chinh Nam Đại Tướng Quân thống lĩnh binh soái cùng với Nhị Hổ Tướng Lê Văn Lộc và Nguyễn Văn Hưng phối hợp tiến đánh Tam Phủ bao gồm Phủ Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận. Đến năm 1778, Nguyễn Nhạc chính thức xưng Vương lấy Hiệu là Thái Đức Hoàng Đế. Đồng thời phong cho Ngô Văn Sở thành Đại Tư Mã. Cho đến lúc Nguyễn Huệ đem quân ra đánh Thuận Hoá đang thuộc quyền cai trị của Chúa Trịnh, ông mang theo Đại Tư Mã Ngô Văn Sở và Danh Tướng Phan Văn Lân, lúc này Ngô Văn Sở được phong lên Tham Tán Quân Vụ. Từ thời điểm đấy đến năm 1787, ông đã tham gia biết bao nhiêu trận đánh lớn nhỏ dưới trướng của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Đỉnh cao của ông là cùng Tiết chế Vũ Văn Nhậm ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, đánh chiếm Thăng Long. Khi Vũ Văn Nhậm sinh lòng phản trắc bị Nguyễn Huệ giết. Lại một lần nữa, Ngô Văn Sở được cử làm Đại Tư Mã, giao trọng trách trông coi 11 trấn Bắc Hà. Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trần Thuận Ngôn, Học sĩ Ngô Thì Nhậm đều theo Đại Tư Mã Ngô Văn Sở giữ Thăng Long.

Để đến mức mà trước khi về lại Phú Xuân, trong buổi trao quyền cho Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Bắc Bình Vương đã có những lời tri ân, chân thành với những thuộc hạ vô cùng tín nghĩa và tài giỏi của mình như sau : " Sở và Lân là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quân vụ và quốc chính của 11 Trấn Bắc Hà uỷ thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa nhau ". Qua đó mới thấy được tầm quan trọng và sự tin tưởng của Nguyễn Huệ dành cho Đại Tư Mã Ngô Văn Sở lớn tới chừng nào. Điều làm cho tất cả các thế hệ đi sau phải luôn luôn ghi nhớ và trân trọng Danh Tướng Ngô Văn Sở, đó chính là chiến công vang dội và lẫy lừng nhất của ông trong cuộc chiến chống lại bè lũ Mãn Thanh xâm lược Đại Việt ta vào tháng 11, Năm Mậu Thân, 1788. Trước sức tấn công của 20 vạn quân Mãn Thanh do Tôn Sỹ Nghị cầm đầu, theo sự chỉ đạo từ Càn Long Hoàng Đế. Vâng, chính là Soái Ca mà các mẹ, các chị, các em và các nàng thầm thương trộm nhớ, thao thức muốn được một lần ký gửi trứng, nhờ theo dõi " Diên Hy Công Lược " đây ạh. Bè lũ Mãn Thanh tràn sang xâm lược Đại Việt, dưới chiêu bài giúp Lê Chiêu Thống. Ông nghe theo kế sách của Ngô Thì Nhậm rút quân về trấn giữ ở núi Tam Điệp, cấp cáo về Phú Xuân. Lúc ấy, Bắc Bình Vương làm lễ đăng quang lấy niên hiệu Quang Trung năm thứ I, giao cho ông và Phan Văn Lân đi tiên phong đạo quân chủ lực dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quang Trung tiến đánh quân Thanh, thắng trận Hạ Hồi, Ngọc Hồi, tiến vào Thăng Long. Sau đó Ngô Văn Sở tiếp tục được giao trấn thủ Bắc Hà. Sau chiến thắng vang dội đó, năm Canh Tuất 1790, ông được sắc phong lên Thuỷ Sư Đô Đốc cho đến năm 1792, Vua Quang Trung đột ngột qua đời, cho đến ngày hôm nay vẫn được coi là một trong những Ẩn Số Huyền Bí nhất trong lịch sử Đại Việt ta về lý do qua đời của Quang Trung Hoàng Đế. Lúc ấy Vua Cảnh Thịnh tuổi còn nhỏ, mới đăng ngôi, liền tấn phong cho Ngô Văn Sở lên chức Đại Đổng Lý, tước Chấn Quận Công, nắm toàn bộ quân đội và dân sự ở Bắc Thành.

Lên đến đỉnh cao của Danh Vọng là thế, cứ nghĩ rằng ông sẽ có một kết cục viên mãn, vì những đóng góp to lớn của ông cho Triều Tây Sơn, cho Đại Việt ta. Ấy vậy mà, dòng đời nghiệt ngã, ông lại bị chính những người mà ông tin tưởng, chính những người mà ông đã từng chen vai sát cánh, đánh ra Bắc Hà, tiêu diệt Mãn Thanh, đẩy lùi Xiêm la, truy sát Tộc Nguyễn ấy, họ sẵn sàng quay lại giết thảm cả gia tộc nhà ông, trong một vụ án oan sai, mà nhiều người vẫn chưa hề biết đến. Thật ai oán thay cho một Danh Tướng hết lòng tận tuỵ vì Triều Đại Tây Sơn lại bị vu oan, giá hoạ cho tội Mưu Phản một cách mù quáng và rất trắng trợn.

Ngay sau khi Quang Trung đột tử, Quang Toản còn nhỏ, được đưa lên ngôi Vương. Quyền hành nhanh chóng bị rơi vào tay người cậu của vua là Thái Sư Bùi Đắc Tuyên. Vâng, cái hoạt cảnh này, sao lại quen thuộc đến như thế, như cái cách mà Nhà Trần soán ngôi Nhà Lý, Nhà Lê tru diệt Hậu Duệ Nhà Trần...

Tên lộng quyền, gian manh Bùi Đắc Tuyên muốn lật đổ vua Cảnh Thịnh, thanh trừng các công thần Tây Sơn để đưa con mình là Bùi Đắc Trụ lên làm Trụ Vương. Năm 1795, dù đã cố can gián nhưng Ngô Văn Sở vẫn không ngăn được vua Quang Toản và Thái sư Bùi Đắc Tuyên hành hình tướng Lê Văn Hưng, một trong Tây Sơn Thất Hổ Tướng...

Trong một cuộc đấu tranh nội bộ nơi vương quyền, Đại đô đốc Võ Văn Dũng nghe theo lời Trần Văn Kỷ, phối hợp với Đô đốc Hoà đã sai quân bắt cha con Bùi Đắc Tuyên hạ ngục, chờ ngày xử tử kẻ gian thần. Cho rằng Ngô Văn Sở là người cùng phe cánh với Bùi Đắc Tuyên nên Võ Văn Dũng đã làm giả chiếu vua để triệu ông về Phú Xuân...

Vừa về đến nơi, chưa kịp hiểu sự tình thì ông đã bị khép vào tội mưu phản và bị hãm hại. Vua Quang Toản biết Ngô Văn Sở bị oan nhưng cũng bất lực. Đây là một cái chết oan khiên, thê thảm đối với một trong những công thần hàng đầu của Vương triều Tây Sơn. Cũng từ đây triều đình Tây Sơn ngày càng lục đục, dưới trên nghi kỵ, kết phái, chia bè sát hại lẫn nhau, một số người bỏ trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh. Triều đình Tây Sơn suy vi, cuối cùng năm 1802 bị lực lượng Nguyễn Ánh đánh dẹp, lập ra triều đại nhà Nguyễn.

Nguyên do kể trên chỉ là một trong những lý do được các nhà Sử Học nhìn nhận và đánh giá. Để giải thích lý do tại sao Triều Tây Sơn lại sụp đổ nhanh chóng như vậy khi chỉ tồn tại vỏn vẹn có 24 năm.

Triều Tây Sơn oai hùng, vang danh sử sách khi đã dẹp Trịnh, diệt Nguyễn, đuổi năm vạn Quân Xiêm La, đập tan nát hai mươi vạn Quân Thanh. Thật sự là công lao quá to lớn, đời đời ghi nhớ về Tây Sơn Tam Kiệt. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó và ngày nay chúng ta nhìn nhận lịch sử cần yếu tố khách quan, không phải để " bới lông, tìm vết ", mà để cho chúng ta có thể thấu hiểu hơn về mọi khía cạnh trong dòng chảy lịch sử...

Hôm nay, xin được mạn phép kể về những Mặt Tối của Triều Tây Sơn để cho tất cả các thế hệ sau này sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về những sự kiến cũng như biến cố lịch sử đã từng diễn ra...

Trở về quá khứ một chút thì, Tây Sơn Tam Kiệt thực ra có cả thảy tám anh chị em ruột, nhưng chỉ có Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ bước lên vũ đài chính trị nên tên tuổi của các vị đấy được lưu truyền cho đến tận hôm nay. Nhưng thực chất thì Ông Cố Nội của họ mang Họ Hồ, tên tự là Hồ Phi Long. Di cư vào phía Nam, khi nhà Hồ dưới sự cai trị của Hồ Quý Ly bị nhà Minh đánh cho tan nát, vì sợ bị truy sát, nên họ Hồ vào Nam đều đổi sang Họ Nguyễn hết. Tây Sơn Tam Kiệt đều được cha dắt lên núi, thụ giáo cả văn lẫn võ dưới sự chỉ dạy của thầy Trương Văn Hiến. Nhưng sau này Nguyễn Nhạc về lại nhà để giữ chức Biện Nhạc, lo thu thuế của dân chúng vùng Tây Sơn bao gồm cả Tây Sơn Thượng, Trung và Hạ. Còn Nguyễn Lữ thì gia nhập Minh Giáo, tục gọi là Đạo Ma Ní, chuyên dùng các Pháp Môn Bùa Chú để chữa bệnh, trị tà như Đạo Phù Thuỷ. Chỉ còn lại mỗi Nguyễn Huệ vẫn theo Thầy Hiến học cả văn lẫn võ, rồi chính người Thầy kiệt xuất ấy đã nhận thấy được khả năng đặc biệt của ông mà ban cho câu sấm rằng " Tây Sơn Khởi, Bắc Thu Công ". Ý chỉ nhà Tây Sơn khởi nghĩa, ắt sẽ mang lại nhiều chiến tích hùng tráng, sử xanh lưu truyền muôn đời sau...

Nhưng những điều trên, mọi người đều đã tỏ tường qua các trang sử của Đại Việt ta rồi, nên sẽ không bàn nhiều về những điều ấy nữa. Điểm mà cần phải nhìn nhận, chính là lý do vì sao nhà Tây Sơn lại để mất lòng dân một cách triệt để như vậy, dẫn đến hoạ diệt vong nhanh chóng.

Từ năm 1558 khi vị Chúa Nguyễn đầu tiên lập ra Vương Vị, khai phá và mở mang bờ cõi ở phía Đàng Trong, đối đầu với Vua Lê Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, cả thảy đã trải qua hết Chín Đời Chúa Nguyễn từ Tiên Vương, Sãi Vương, Thượng Vương, Hiền Vương, Nghĩa Vương, Minh Vương, Ninh Vương, Vũ Vương và cuối cùng là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, lẽ ra ngôi Cửu Ngũ Chí Tôn được Vũ Vương truyền lại cho Nguyễn Phúc Luân ( chính là cha thân sinh của Nguyễn Phúc Ánh, Vua Gia Định sau này ). Nhưng vì đam mê quyền lực, ham danh vọng, phú quý mà gian thần Trương Phúc Loan đã giết chết Nguyễn Phúc Luân và đưa Nguyễn Phúc Thuần khi ấy mới 12 tuổi lên ngôi để dễ bề điều khiển. Chính vì lợi ích cá nhân thấp hèn ấy của một kẻ gian thần, mà mới có một chuỗi những sự kiện lịch sử liên quan về sau này.

Nhưng lịch sử đã là quá khứ và không ai có thể thay đổi quá khứ cả. Năm 1778, Tây Sơn Tam Kiệt khởi nghĩa với Danh Nghĩa rất Chính Thống là " Phù Chúa Nguyễn, Diệt Loạn Thần Trương Phúc Loan ". Khi ấy nhân dân Đàng Trong vẫn đời đời nhớ ơn của tám vị Chúa Nguyễn anh minh, nhân từ, tài đức thời trước đó. Nên lòng dân hướng về Tây Sơn rất nhiều. Chính điều đó giải thích tại sao Tây Sơn lúc dấy binh lại được lòng dân đến độ như vậy.

Nhưng khi đã giao Trương Phúc Loan cho nhà Trịnh rồi, Triều Tây Sơn lại quay sang tru sát tận gốc nhà Nguyễn, giết luôn cả Nguyễn Phúc Dương, người mà ban đầu Tây Sơn lấy danh nghĩa phù trợ để khởi nghĩa, quật hết mồ mả cả chín đời Chúa Nguyễn lên... Từ đó mới phát sinh ra kỳ tích về sự may mắn của Nguyễn Ánh, khi lên tới 18 lần bị Tây Sơn truy sát, tưởng chết chắc, nhưng lại cực kỳ may mắn thoát chết trong gang tấc, không vì lý do này cũng tự nhiên xuất hiện lý do nọ. Người dân bắt đầu nhận ra Chân Mệnh Thiên Tử đây rồi. Vâng, thoát chết đến 18 lần mà không thể lên làm Vua được nữa thì đúng là Nguyễn Ánh nên đập đầu vào gối chết đi cho rồi...

Tiếp theo, với phong cách chia vùng ra để quản như vậy, sự gắn bó, đoàn kết trong một dân tộc, một đất nước liệu có bền vững chăng ?? Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra đánh dẹp nhà Trịnh ở Bắc Hà, Nhạc lên ngôi ở Thành Quy Nhơn, cai quản vùng Thuận Hoá, Thuận Quảng, Quy Nhơn. Để dải miền Nam cho Lữ, nhưng Lữ nào có hùng tâm, tráng trí như các anh của mình đâu. Cậu chỉ chuyên tâm học võ, cầu đạo, chứ là một người cai trị cả một vùng phía Nam rộng lớn thì quá sức. Chính vì đó mà Nguyễn Lữ bị Nguyễn Ánh cùng bè lũ đánh tới lui hoài, khổ hết sức ah.

Đã vậy, trong khi Lữ đang bị Ánh hà hiếp ở Phía Nam, thì Huệ và Nhạc lại hờn nhau, rồi mới dẫn tới trận đồ sát hết sức ngu xuẩn của hai anh em vào năm 1787. Huệ vây chặt thành Quy Nhơn, chiếm lấy núi Long Cốt, đem đại bác lên núi mà nã vào thành Quy Nhơn cho nó mát, tý nữa bắn cho Nhạc tan xác. May mà Nhạc lên trường thành gào khóc " Bì Oa Chử Nhục, Đệ Tâm Hà Nhẫn " dịch đại khái là " Nồi Da Xáo Thịt, Lòng Em Nỡ Sao ". Sau đó Nhạc mời Mẫu Thân nay đã già cả ở trong thành ra oà khóc, xin Nguyễn Huệ tha cho anh mình, Lữ từ Gia Định cũng về Quy Nhơn nói đỡ cho Nhạc. Sau đó, năm 1789 Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc nhường Vương Vị lại cho Quang Trung Hoàng Đế Nguyễn Huệ. Nhưng bằng mặt, chắc gì đã bằng lòng. Anh em không hoà thuận, tướng tá thì tuy giỏi nhưng lại chia bè, kết phái. Thử hỏi như vậy Vương Triều nào mà tồn tại được cơ chứ.

Còn hai nguyên nhân cực kỳ làm Tây Sơn mất lòng dân xảy ra từ lúc Tam Kiệt bắt đầu cuộc khởi nghĩa kéo dài cho đến tận lúc Tây Sơn Diệt Vong.

Đầu tiên là Ba Cuộc Thảm Sát đẫm máu làm người dân Miền Nam vô cùng khiếp sợ. Năm 1776, Tây Sơn đánh Chúa Nguyễn, vào Cù Lao Phố ( gần Biên Hoà ngày nay ) đầu tiên. Khi Triều Minh bị Mãn Thanh lật đổ, dân Tàu tỵ nạn sang Đàng Trong Đại Việt ta cực kỳ đông. Có một nhóm người Hoa để về khai khẩn Cù Lao Phố và dần dần phát triển nơi đây thành một trung tâm thương nghiệp mang tầm cỡ quốc tế, có thể so sánh với Đà Nẵng ngày nay. Khi Tây Sơn đánh tới, dân chúng bị tàn sát thê thảm, đốt phá khắp nơi, cái gì có thể đem được về Quy Nhơn là lính dỡ cho bằng hết. Lúc ấy xác chết người dân vô tội lấp kín hết dòng sông quanh Cù Lao, một màu đỏ loang lổ khắp mọi nơi, đến nhiều tháng sau những người may mắn sống sót, cũng ko dám dùng nước sông đó nữa, vì bị nhiễm mùi Tử Khí nồng nặc. Cả một vùng Thương Cảng sầm uất, đáng sống nhất miền Nam thời bấy giờ, biến thành một bãi tha ma, hoang tàn.

Sau đó những người sống sót đã lánh nạn về Bến Nghé và hình thành lên Chợ Lớn vẫn còn lưu giữ đến tận hôm nay.

Tiếp đến là huỷ diệt Mỹ Tho. Chỗ này từng được coi là một trong hai trung tâm thương mại của Miền Nam thời bấy giờ cùng với Cù Lao Phố. Quân Tây Sơn tới đốt phá cho bằng hết. Dân Mỹ Tho phải tản đi lánh nạn khắp nơi, mãi sau này mới trở về nhưng chẳng bằng được một nửa thời điểm phồn thịnh lúc Chúa Nguyễn khai khẩn.

Cuối cùng là Tàn Sát Chợ Lớn, khi Nguyễn Lữ đánh vào Gia Định cướp lúa gạo, chở 200 thuyền lớn về Quy Nhơn. Sau đó, quân Nguyễn Ánh phục kích Nguyễn Nhạc. May mắn Nhạc thoát được trận phục kích đó. Liền nhớ mặt thấy có một số người Hoa giúp đỡ cho Ánh trong trận phục kích đó. " Giận Cá Chém Thớt ", Nhạc đem quân vào tàn sát vùng chợ lớn, trong các sử liệu chính biên ghi chép lại, thì ước tính lên tới 10.000 người bị thảm sát. Từ Bến Nghé tới Chợ Lớn, tử thi được vứt xuống sông Sài Gòn, gây tắc nghẽn khiến nước sông không chảy được nữa, lại nhuốm một màu đỏ tươi, tanh nồng, khiến cư dân không ai dám ăn cá tôm ở dưới sông nữa bởi vì màu ấy là màu của Máu...

Từ chuyện để mất đi tính Chính Thống khi ban đầu dựng cờ khởi nghĩa để Phù Nguyễn, cứu khó tế bần, nhưng rồi sau này lại tru sát, tận diệt dõng dõi Chúa Nguyễn, đến tàn sát người dân vô tội vạ, khiến con dân trăm họ vô cùng khổ sở. Rồi lại đến cảnh Huynh Đệ Tương Tàn, chia bè, kết đảng. Cuối cùng, nguyên nhân thứ ba dẫn đến Triều Tây Sơn sụp đổ nhanh chóng, chính là chế độ bắt lính, cưỡng bức quân dịch có phần quá tàn bạo kể cả so với các Triều Đại trước của Đại Việt. Vì cơ bản đi đến đâu, Tây Sơn cũng dùng Hoả Công để đốt cho nó nhanh, cho nó mãnh liệt và phừng phừng khí thế. Nhưng khi đốt xong hết rồi lại có nhu cầu, xây đắp tường thành để phòng thủ, xây dựng Phủ Đệ cho Vương, Quan. Nên đã bắt tất tần tật dân chúng từ ấu nhi cho đến phụ lão, nam nhi hay nhi nữ thường tình, rồi ngay cả các vị Sư Thầy đã xuống tóc đi Tu cũng không tránh khỏi phải đi lao dịch, xây dựng công trình, chỉ tha cho những bà mẹ còn đang cho con bú. Thế thì thử hỏi có dân nào mà không oán than cho đặng nỗi căm hờn được cơ chứ...

Như trên đã đề cập, những điều được liệt kê ra ở đây, chỉ muốn những thế hệ đi sau, nhìn nhận một cách toàn diện và trọn vẹn hơn về một Triều Đại oanh liệt trong lịch sử Đại Việt ta. Ở đấy có những chiến công vẻ vang, đời đời ghi nhớ. Nhưng cũng tồn tại vài khía cạnh không được hay cho lắm trong quan niệm thời bây giờ. Cũng như Âm Dương cân bằng vậy, vạn vật đều có hai mặt của nó. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào những điều tốt đẹp, mà bỏ quên đi những điều không được đúng đã xảy ra trong lịch sử được. Cho nên những thế hệ đi sau hãy nhìn nhận dòng chảy lịch sử một cách khách quan và toạn diện nhất. Qua đó, có thể rút ra được những quan điểm về Nhân Sinh, quan niệm về Duyên Nợ Nhân Quả Nghiệp mà các bậc Tổ Tiên của chúng ta đã truyền thừa lại suốt 4000 năm Văn Hiến, điều ấy mới thật đáng quý lắm thay !!!

Bạn đang đọc Tàn Tro Bay Mất sáng tác bởi nioblade67
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi nioblade67
Thời gian
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.