Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Tôi trở thành trà xanh như thế nào (p2)

Tiểu thuyết gốc · 2376 chữ

Buổi sáng tôi học trên lớp, chiều tôi đi ôn thi đội tuyển. Dù cùng nhà nhưng tôi và con ả kia không bao giờ đi chung với nhau. Bà ta đưa ả đi bằng xe hơi sang trọng mà đó vốn là chiếc xe mua bằng tiền của mẹ tôi để lại. Từ ngày bà ta về, tôi không còn được bố đưa đi chơi trên chiếc xe đó. Vốn là chiếc xe bố thường lái đến đơn vị nhưng giờ nghe bà ta đã để lại nhà. Vì dù sao trước đây ông bà nội tôi cũng không biết đi xe. Tôi đạp chiếc xe mini màu xanh lá đến trường. Nhà nội ở cách nhà tôi hơn 20 cây số, chỉ cuối tuần ông bà mới lên thăm tôi. Ông bà đã già nên không thể vất vả chăm bẵm tôi nữa. Thế nên tôi không muốn mang rắc rối này đến cho hai người già. Tôi đủ thông minh để làm mọi thứ. Đây là sức mạnh mà mẹ mang đến cho tôi.

Trường tôi là ngôi trường điểm của thành phố. Trong trường không thiếu con của nhà có gia thế cũng chẳng thiếu những người giỏi. Ngoài ra những kẻ lắm tiền nhiều của cũng trong trường tôi. Từ đó hình thành nhiều thế lực khác nhau. Người lớn luôn coi thường các vấn đề của trẻ con và lứa tuổi dậy thì. Thực ra đây mới là lứa tuổi cần quan tâm nhiều nhất. Các thế lực trong trường tôi cầm đầu bởi những kẻ đầu to. Vừa có học bá, vừa có bọn đầu gấu ăn chơi lại có cả những tay nhà giàu. Người có tiền thì làm gì chả được. Những đứa muốn sống an ổn như tôi thì phải né tránh kẻ xấu và khiến mình không quá nổi bật thì mới dễ dàng. Người quá cứng thì dễ gãy mà quá mềm thì dễ bị bắt nạt. Phải thật dẻo dai, co duỗi đàn hồi ở đâu cũng dễ sống. Tầm thường thì ít bị chú ý, ít bị chú ý thì sống dễ dàng. Đây chính là quan điểm của tôi khi bản thân không có tiền cũng chẳng có quyền.

Tôi bị chơi xỏ, xe đạp bị tháo hơi nên đi được một đoạn phải quay về bơm xe nên đến trường muộn. Tôi ôm tập tài liệu chạy hộc tốc để vào lớp. Có lẽ do chạy quá nhanh nên đoạn rẽ ở hành lang tông ngay vào ai đó. Cú đâm bất ngờ với tốc độ bàn thờ của tôi thì dù chỉ là chạy bộ cũng khiến cả hai bắn về hai phía ngược lại. Mặt tôi tối sầm phải mất nửa phút đồng hồ mới khôi phục trạng thái bình thường. Một thanh niên áo trắng chạy vọt đi còn kẻ đang ngồi dưới đất kia hằm hằm nhìn tôi. Ừm thì tôi có lỗi nhưng có cần phải nhìn như hung thần ác sát thế không. Tôi cố tỏ ra hối lỗi chân thành:

-Tớ xin lỗi, chạy nhanh quá nên đâm vào cậu, cậu có sao không? Sắp vào lớp rồi, tớ ở lớp chuyên văn, cậu học lớp nào ra chơi tiết đầu tớ xuống xin lỗi cậu.

Tôi nghĩ nói dối thế cho xong chứ thực ra tôi bị chuyển xuống lớp B1 từ lâu do can thiệp của bà mẹ ghẻ. Lớp chuyên văn là lớp cũ của tôi mà thôi. Tôi chẳng muốn rước thêm một rắc rối nào vào lúc này nữa. Nghĩ thoáng qua có người vừa chạy, kèm theo ánh mắt ác sát của cậu này e rằng chẳng phải học sinh ngoan ngoãn gì. Quả đầu khác người thế kia e cũng là học sinh cá biệt.

Hắn ta vẫn nhìn tôi chằm chằm. Tôi cụp mắt xuống tránh ánh mắt lạnh tanh đó và nhặt lại tập tài liệu mà không biết rằng bức ảnh chụp chung với mẹ bị rơi ra ở đó. “Lớp toán!” Hắn ta để lại một câu cụt lủn rồi đi khuất sau hành lang. Tôi xoa xoa chiếc mông nhìn qua đôi chân thằng tắp khuất dần rồi lại vội vàng vào lớp. May thay vừa kịp yên vị thì tiếng trống vang lên. Buổi học trôi qua nhanh chóng, tôi cắm đầu vào đọc tài liệu nên quên bẵng đi chuyện xin lỗi hồi nãy. Cuối tiết, tôi bước chân ra cửa đã là người cuối cùng, tôi không muốn về cùng thời điểm với ả ta. Cũng chẳng muốn nhìn bà ta đi chiếc xe mà mẹ tôi để lại.

Trong lòng buồn bã, tôi bước đến nhà xe ở gần cổng trường. Đang cúi gằm đi lần này tôi lại đâm đầu vào một ai đó. Mà chưa hết, tôi còn giẫm chân vào cậu ta nữa. Đôi giày thể thao bản giới hạn trắng muốt bị tôi in cho màu đất rõ nét như tivi HD màn hình tinh thể lỏng.

Tôi lùi lại cúi đầu thấp hơn nữa một mực nói:

-Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, đã không cẩn thận làm bẩn giày của bạn.

-Xin lỗi là xong sao? Đôi giày này 15 triệu.

-Vậy tôi còn biết làm sao?

Nghe đến 15 triệu tự nhiên có một dòng điện chạy từ chân lên đến đầu tôi nổ tới đoàng. Đối với một đứa học lớp 9 bình thường như tôi làm gì có khái niệm giày 15 triệu. Tôi che mặt lại ngẩng lên nhìn qua khe bàn tay. Thì ra là tên ban nãy. Không lẽ tại tôi không xin lỗi nên hắn ta đợi tôi sẵn ở đây? Quá là nhỏ mọn. Nghĩ thì lâu chứ nhìn thì nhanh, nhận ra hắn nên tôi ôm mặt chạy vọt đi. Nếu để bà ta biết tôi phải đền 15 triệu thì lại có cớ mà đánh đập rồi mách bố tôi. Thế là túng quá làm liều tôi vận dụng khả năng chạy nhanh thần tốc của mình để biến khỏi nơi này. Nhưng chưa kịp bước đến bước thứ hai thì cảm giác bị ai đó tóm lấy cổ áo phía sau giữ lại.

-Đền!

-Tôi biết đền bạn kiểu gì đây? Tôi không có tiền

Tôi chỉ biết lí nhí trong cổ họng, lúc này mà làm căng thì lấy đâu ra tiền mà đền chứ. Dù sao người có lỗi cũng chính là tôi. Làm người thì phải có trách nhiệm, đây là điều mà mẹ tôi đã dạy từ nhỏ.

-Để tôi đền cho, có đôi giày 15 triệu mà cũng không có tiền.

Một tiếng nói nhẹ bẫng vang lên phá tan bầu không khí lúng túng của tôi. Kiều Vân bước đến từ lúc nào. Không ngờ lại giải vây giúp tôi. Tôi định cảm ơn thì nghe ra sự khinh bỉ trong đó. Chẳng lẽ ả còn muốn diễn vai phản diện chê bai tôi trước mặt bạn học sao. Tôi im lặng.

-Không phải chuyện của mày.

Hửm, tôi lại nghe thấy cậu ta vang lên mấy từ. Đôi mắt cậu ta nhìn Kiều Vân như bắn ra tia lửa. Nhưng Kiều Vân dường như không nhận ra điều đó cố bước lên.

-Để tôi đền cho cậu, đây là con của bố dượng tôi nên tôi phải có trách nhiệm bồi thường cho cậu. Cậu nhìn Diễm Quỳnh đi, nghèo nàn như vậy làm sao mà đền được đôi giày này.

Cậu ta nghe vậy nhíu chặt mày tỏ vẻ chán ghét cảnh tượng này rồi bỏ đi. Tôi thở ra một hơi rồi đi vào nhà xe. Thôi coi như qua một kiếp. Tôi cứ nghĩ chuyện đến đây là xong.

-Mày xong rồi con ranh, đắc tội với ai không đắc tội.

Kiều Vân thả ra một câu chẳng đầu chẳng đuôi, cười nhếch mép với tôi rồi đi mất. Ả ta leo lên xe vút đi, còn tôi thì lững thững dắt chiếc xe đạp cà tàng về nhà. May thay trên đường gặp được bác sửa xe tốt bụng đã vá xe cho tôi lại còn không lấy tiền nữa. Tôi vui vẻ nghĩ thầm nhất định khi có tiền sẽ đến trả cho bác. Vì vá xe hơi lâu nên tôi đã trễ mất bữa trưa. Về đến nhà mâm bát lộn xộn, thức ăn cũng bị trộn tung tóe không còn giống cho người ăn. Tôi bới gọn từng phần rồi ăn ngon lành. Dù có trộn như cho lợn ăn thì tôi vẫn thấy chẳng sao cả. Dù ấm ức, mũi nghèn nghẹn nhưng tôi đã quyết tâm thì nhẫn nhịn thêm một chút cũng chẳng sao hết.

Hôm sau đến trường là phiên trực nhật của Kiều Vân. Nhưng đời người ấy à vốn là cá lớn nuốt cá bé. Không muốn bị nuốt chỉ có tìm cách cố gắng nỗ lực mà thôi. Tôi đến lớp thật sớm để trực nhật cho lớp cũ. Mọi người trong lớp cũng phần nào thấu hiểu nên thấy tôi đến quét dọn thay cô em hờ này thì cũng không bất ngờ mà vui vẻ nói chuyện với tôi. Vừa đến cổng trường, sân trường lúc này còn vắng hoe khiến tôi nhìn rõ ràng từng cánh phượng khe khẽ rơi xuống theo cơn gió sớm. Mùa hè khiến người ta dễ chịu, vừa ấm áp vừa buồn vương. Cứ đến hè đối với bao lớp lớp thế hệ học sinh đều là những ngày tháng đáng nhớ. Có vui mừng cho kỳ nghỉ, có hoài niệm của chia li. Nhưng về cơ bản, khi này tôi còn chưa cảm nhận được nỗi buồn mà mùa hè mang lại. Giờ này đã sắp sang thu, mới đầu năm lớp 9 mà đã trải qua bao áp lực khiến tôi trưởng thành hơn.

Tôi nhanh chân xuống xe để dong bộ vào trường thì bị một cánh tay hữu lực, rắn chắc chặn ngang mặt. Một cái chân dài thẳng tắp đi chiếc giày còn in dấu đất hôm qua thò ra trước mặt tôi. Hắn ta hiên ngang đứng chặn tôi ngay ở cổng trường.

-Đền!

Má, không phải hôm qua đã xong rồi sao hôm nay còn tới nữa vậy? Tôi đứng hình chưa biết nói sao, hắn ta thì cứ nhìn chằm chằm vào tôi.

-Tôi phải làm sao cậu mới tha cho tôi, tôi thực sự không có tiền.

-Đã không có tiền thì làm sai vặt một tháng cho tôi, lấy tiền công đền tội.

-Được!

Tôi đồng ý chẳng chút đắn đo, sai vặt cho một tên học sinh thì có đáng là gì so với 15 triệu chứ. Tôi nhìn hắn đắc ý bỏ đi, tự nhiên người khó chịu như có bao ánh mắt hướng đến bên này. Tôi nhìn quanh thì thấy vài người đằng sau nhìn tôi với ánh mắt thương hại rồi ghen tỵ đủ cả.

Từ lúc biết do điểm số cao mà bị đòn, tôi bắt đầu thu liễm lại bản thân. Các điểm thành tích luôn luôn xếp hạng chót vừa đủ trên người bị loại. Vốn dĩ đội tuyển có 15 người, sau đợt khảo sát số 1, tôi là người thứ 14, sau đợt khảo sát cuối cùng để thành lập đội chính thức tôi là người số 10. Một con số đẹp và tròn trịa đến đáng yêu.

Các môn học trên trường cũng vậy, tôi luôn xếp chót của lớp. Thành tích xuống dốc, trốn học bỏ đi chơi chính là những gì mà hai mẹ con bà ta muốn. Tôi ít bị đánh đi, có vẻ bố tôi cũng đã an tâm hơn trước những lời nói an ủi và ngon ngọt của bà ta. Hơn nữa việc tôi “đánh nhau” đã không còn nên bố cũng vui vẻ hơn. “Con gái của bố, chỉ cần con an bình, vui vẻ là được.” Tiếng bố cứ mỗi ngày vang lên trong tâm trí trước khi tôi ngủ đã xoa dịu và là động lực giúp tôi vượt qua mọi chuyện.

-Cún, ra đây nghe điện thoại của bố con này.

Giọng bà ta như thể loại mật dính dớp tởm lợm. Mới nghe thì tưởng là ngọt nhưng ngẫm kỹ lại tanh tưởi ôi thiu cùng cực. “Cún” đâu phải là cái tên dành cho bà ta gọi. Nhưng thôi, không chấp nhặt làm gì. Tôi còn có nhiệm vụ chính quan trọng hơn.

-Dạ, con ra đây, bố đừng gác máy.

Tôi tiếp lấy điện thoại trong sự kinh ngạc sững sờ của hai mẹ con bà ta. Tôi sẽ phối hợp diễn tròn vai mẹ ghẻ con chồng hòa thuận. Một là để cho bố tôi an tâm, hai là để bà ta bớt cảnh giác. Một đứa bất tài vô dụng suốt ngày không cúp học thì lại ngủ trong lớp làm sao có thể khiến bà ta bận lòng. Bà ta còn đang trong cơn chiến thắng với thành tích của hai mẹ con bà ta còn lòng dạ nào mà quan tâm đến đứa phế vật như tôi.

-Bố, con đây, bố có khỏe không? Bao giờ bố nghỉ phép?

-Bố khỏe, còn Cún yêu của bố thì sao? Bố chưa biết bao giờ được nghỉ phép. Có thời gian bố sẽ về với con ngay.

-Bố phải tự chăm sóc bản thân cho thật tốt nhé. Con ở nhà sẽ ngoan ngoãn nghe lời bố. Bố yên tâm công tác và bắt kẻ xấu nhé.

Tôi cầm điện thoại chạy vào phòng đóng sập cửa lại.

-Bố, con có một bí mật muốn nói với bố. Bố hứa phải giữ bí mật con mới kể cho bố nghe.

Nói chuyện xong với bố tôi leo lên giường giả vờ ngủ. Nửa đêm tôi lại tìm ảnh mẹ để ngắm. Nhưng mà tìm mãi cũng chẳng thấy. Lúc này bỗng nhớ ra có lẽ đã đánh rơi lúc va vào hắn ta. Không biết có còn ở đó không. Lòng tôi như lửa đốt.

Kể từ hôm đó, cuộc đời tôi như rẽ sang hướng mới, ngẫm lại không biết nên vui hay buồn.

Bạn đang đọc Nhật Ký Trà Xanh Của Hồ Ly Tinh sáng tác bởi danguyetthanhkhau
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi danguyetthanhkhau
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.