Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

≪1≫

Phiên bản Dịch · 2771 chữ

Giữa tháng chín, Giang Nam còn trong mùa sao Tâm xế Đoài mà vùng "núi Tần – sông Hoài" đã sang hẳn trời thu se lạnh.

 [Sao Tâm (thuộc chòm sao Bọ Cạp ngày nay) hay còn được gọi với cái tên Tâm Tú, Tâm Nguyệt Hồ, sao Thương là một trong 28 chòm sao theo thiên văn học cổ Trung Hoa. Trong bài thơ "Thất Nguyệt" của Bân Phong Kinh Thi có câu "sao Tâm tháng Bảy xế Đoài", mang ý nghĩa khi sao Tâm mọc ở đằng Tây (sao Tâm xế Đoài) có nghĩa đã vào tháng Bảy âm lịch. (Lời dịch thơ của bác Nguyễn Văn Thọ)]

Hơn mười giờ tối, làng Hưng Bá Tử, huyện Thạch Hà, thành phố An Khai gần như đã tối om, chỉ còn một góc trời phía Tây sang sáng. Bóng núi xung quanh thấp thoáng, gió thổi rì rào qua mảng cây làm nổi bật lên ánh đèn nghiêng ngả nọ.

Người dân sống tại làng Hưng Bá Tử quen sống ở đằng Đông, đằng Tây là một mảnh đất hoang. Trước khi đất nước giải phóng, thôn có xây miếu, lập đàn và mời cả thầy phù thủy về cầu bình an, xua ma đuổi quỷ. Sau phong trào phá miếu, nơi đây thành mảnh đất hoang. Từ đó tới nay, không biết vì sao đất này lại mọc đầy ngô, tiếc là giống ngô xấu chỉ có thể bẻ về cho heo ăn.

Mùa này ngô đã bẻ được kha khá, trong bãi chỉ còn những thân ngô gầy gò, khô vàng cao ngang đầu người. Mỗi khi gió thổi qua, tiếng lá rào rạc khiến người ta rợn người.

Mấy điểm sáng xung quanh xuất phát từ ngôi miếu đổ nát giữa ruộng ngô và chiếc xe địa hình ngoài miếu.

Cửa kính bên ghế lái mở một nửa, Tôn Chu đang nói chuyện với bạn gái Kiều Á qua điện thoại, gác cánh tay trái kẹp điếu thuốc lá lên cửa kính. Do mải chuyện trò, anh ta đành để mặc điếu thuốc nhả khói, chỉ thỉnh thoảng mới gõ rơi tàn thuốc.

- Vùng nông thôn bốn phía không có người... Anh nói với em, anh sợ thật đấy.

Nhìn ra xung quanh, chợt thấy tay trái để ngoài xe rất nguy hiểm, Tôn Chu ném điếu thuốc đi, rút tay về.

Kiều Á từng nghe chút chuyện về nơi này:

- Anh đang ở vùng núi đúng không? Em nghe ông em nói trước khi giải phóng, khu đó là chỗ của bọn cướp, chúng giết bao nhiêu người lận. Ở đó nghe bảo từng có ma nữa.

Tôn Chu sởn gai ốc, nhìn sang bên trái theo bản năng: Bên trái là bãi ngô tối om, thân ngô lắc lư trong gió tạo nên một khung cảnh ghê rợn, lạnh lẽo. Bên phải là ngôi miếu, ánh đèn trong miếu yếu ớt như đom đóm.

- Anh đâu làm gì được. Cô Nhiếp muốn xem tượng đất. Người ta là người làm nghệ thuật mà... Cũng tại anh đi nhầm đường nên đến muộn, cô Nhiếp lại mải xem, anh cũng không dám giục...

Anh ta làm lái xe thuê, cô Nhiếp kia là người thuê. Có đi hay không và khi nào đi đều do người thuê quyết định.

Kiều Á lẩm bẩm:

- Xem tượng đất sao không tới Long Môn, Đôn Hoàng, mà lại chạy xuống nông thôn...

Tôn Chu nói:

- Người làm nghệ thuật mà. Những nơi nổi tiếng đó người ta đi xem từ hồi mười mấy tuổi rồi. Giờ họ đều thích tìm những chốn nông thôn, xem tác phẩm của địa phương để tìm kiếm linh cảm.

Kiều Á nghẹn lời đôi lát, sau lại hỏi:

- Nghe nói tượng cô ấy nặn có thể bán được mấy chục nghìn?

Thật ra Tôn Chu không biết nhưng vẫn giả vờ mình thông thạo:

- Nghệ thuật đâu rẻ thế? Ít cũng phải mấy trăm nghìn chứ.

Kiều Á tặc lưỡi:

- Cô Nhiếp này gan thật đấy.

Tôn Chu có chung cảm nhận:

- Đúng vậy. Trời tối như bưng, lại đang ở núi Tần Ba nữa chứ. Anh nói em nghe, anh còn thấy sợ, nhỡ ở đâu nhảy ra mấy kẻ tội phạm giết bọn anh...

Kiều Á tức giận:

- Em không nói cái này. Ý em là một cô gái trẻ như cô ấy mà đêm hôm lại dám đi cùng một người đàn ông tới chỗ vắng vẻ. Cô ấy không sợ anh nổi máu dê làm gì cô ấy à?

- Anh nhận tiền làm việc, có đạo đức nghề nghiệp nhé. Với cả đi cùng cô ấy mấy hôm, cũng tính là người hơi quen.

Kiều Á cười khẩy:

- Người quen á? Người ta nói nạn nhân của những vụ hiếp dâm đa phần là do người quen làm. Phụ nữ phải đề phòng cánh đàn ông, không cần biết có quen hay không. Dù sao đổi là em, em không dám nửa đêm xuống nông thôn với một người tài xế lạ đâu. Đồng nghiệp hay bạn cùng lớp cũng không được.

Tôn Chu cợt nhả:

- Thế anh thì sao?

Kiều Á nũng nịu:

- Anh thì được.

Tôn Chu ngứa ngáy trong lòng, đang định cợt nhả thêm đôi câu, chợt thấy một bóng đen lướt qua gương bên trái.

Anh ta giật mình, rớt cả điện thoại:

- Ai đấy?

Đáp lại anh ta là tiếng gió rì rào thổi qua ruộng ngô.

Mở cửa xe nhìn xung quanh một lượt, Tôn Chu cảm thấy trong ruộng ngô kia dường như có gì đó, rồi lại như không có gì.

Nhặt điện thoại lên, cuộc gọi còn chưa tắt, đầu dây bên kia Kiều Á đang sốt ruột:

- Sao thế? Ai vậy?

Sống lưng Tôn Chu lạnh buốt:

- Không nói nữa, anh đi... giục cô Nhiếp về đã.

Cúp điện thoại, anh ta chạy qua miếu. Tuy anh ta cao mét tám, trông cũng vạm vỡ nhưng đó chỉ là vẻ ngoài thôi. Nhỡ có xảy ra chuyện gì, anh ta không gánh được.

Huống chi còn có cả cô Nhiếp chân yếu tay mềm nữa.

Ngôi miếu này không lớn, đi qua sân là tới điện chính. Ngày xưa từng bị đập phá, sau này có cục bảo vệ di tích lịch sử văn hóa về sửa sang nhưng sửa được một nửa, chẳng rõ là thiếu tài chính hay vì không có nhiều giá trị nên họ không sửa nữa.

Trên bệ thờ của điện chính là những bức tượng đất chen chúc nhau. Cô Nhiếp có tên đầy đủ là Nhiếp Cửu La kia mặc áo sơ mi trắng, quần đen, đang đứng trên đỉnh một chiếc thang xếp có thể co duỗi làm từ hợp kim nhôm, quan sát chân mày một bức tượng. Tay trái cô cầm đèn pin, chiếc vòng tay nhiều vòng mảnh nhỏ trên cổ tay phát ra tia sáng bạc.

Trong ngôi miếu tối tăm, cột sáng của chiếc đèn pin đầy những hạt bụi bay phất phơ.

Tôn Chu còn nhớ lúc sẩm tối, những bức tượng này còn vương đầy bụi mà nay bức tượng Nhiếp Cửu La đang xem có gương mặt rõ ràng, màu sắc đầy đủ, hiển nhiên đã được lau rửa.

Anh ta gọi:

- Cô Nhiếp.

Nhiếp Cửu La quay đầu lại.

Đó là một cô gái chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, vóc người thon thả, mái tóc đen dài, làn da trắng lạnh. Tóc cô rất đen, đen đến mức bóng lên mà da cũng rất trắng, trắng như men sứ, chất da tốt đến độ bôi thêm thứ phấn gì cũng dư thừa nên cô dùng son đỏ. Người da trắng lạnh thường có sắc môi nhạt, nếu không tô son đỏ sẽ trông mệt mỏi.

Cô quay đầu lại, cũng vừa hay để lộ ra gương mặt bức tượng kia. Bức tượng ấy tuy cũ nhưng rất đẹp, không phải nét đẹp đoan trang mà nghiêng về phía yêu kiều. Hàng tóc mái đến chân mày, đôi mắt đen láy, làn da trắng tuyết, đôi môi đỏ mọng của Nhiếp Cửu La vừa hay kề sát bên gương mặt tượng đất.

Hai gương mặt: một bên người sống, một bên vật chết; một bên có da có thịt, một bên làm từ đất sét. Tôn Chu hoảng hốt, cảm thấy gương mặt Nhiếp Cửu La còn rờn rợn hơn cả bức tượng.

Nhớ tới chuyện nổi máu dê Kiều Á nói, anh ta nghĩ thầm: Dù có cơ hội thật, mình cũng chẳng dám làm thế.

- Cô Nhiếp, đã hơn mười giờ rồi, chúng ta về trước thôi, mai lại tới. Khu này không được an toàn lắm, đường đi cũng xấu...

Nhiếp Cửu La hiểu ý:

- Được, tôi chụp mấy bức ảnh rồi về.

Chụp ảnh xong, Tôn Chu thu dọn thang và mấy thứ lặt vặt mang ra xe, bỏ vào cốp sau. Khi đóng cốp, anh ta chợt ngoảnh lại đằng sau.

Hình như có âm thanh gì, nghẹn ngào nức nở như tiếng phụ nữ... khóc.

Tôn Chu run người vì sức tưởng tượng của mình, vội vàng chui vào trong xe.

Nhiếp Cửu La ngồi hàng ghế phía sau, đang xem lại những tấm ảnh vừa rồi.

Tôn Chu hắng giọng:

- Cô Nhiếp này, cô có nghe thấy... âm thanh kỳ lạ gì không?

Nhiếp Cửu La ngạc nhiên:

- m thanh kỳ lạ nào?

Biết ngay mà. Tôn Chu cũng đoán trước được cô không nghe thấy: Những người làm nghệ thuật thường hay chú tâm, một khi chìm đắm vào thứ gì là không biết trời trăng gì nữa.

Anh ta đổi chủ đề:

- Không phải, cô không phải người nơi này nên không rõ. trước kia vùng này có tên là rừng Nam Ba, ổ của bọn cướp chuyên giết người, âm khí nặng...

Nhiếp Cửu La tiếp lời:

- Tôi biết chuyện này. Rừng Nam Ba trước kia là rừng rậm nguyên thủy, do ngay từ thời Đông Hán đã bắt đầu cấm dân khai thác núi khiến rừng Nam Ba có cái danh "khắp núi toàn là biển, nơi đâu cũng có rừng". Đến thời Thanh có một lượng dân lưu lạc lớn đổ về đây, vụ loạn lạc của Bạch Liên giáo cũng nổi lên từ nơi này. Sau thành ổ cướp, mãi đến khi dựng nước mới quét sạch.

Tôn Chu nghe mà sửng sốt:

- Những chuyện này cô cũng biết hả?

Nhiếp Cửu La lại cúi đầu xem ảnh:

- Hồi học Đại học, thấy lịch sử nước nhà thú vị nên học thêm văn bằng hai.

Văn bằng hai à, nghề chính đã giỏi vậy rồi còn học thêm nghề phụ. Chẳng trách người ta có thể kiếm được nhiều tiền, thuê người lái xe còn mình chỉ có thể lái xe cho người ta.

Tôn Chu vừa cảm thán vừa nổ máy.

Đường xá nơi này không bằng phẳng, Tôn Chu quý trọng chiếc xe nên lái rất chậm. Khi đang chuẩn bị quẹo, bên ngoài bãi ngô bỗng xuất hiện một người phụ nữ.

Lúc đó, đèn xe chiếu thẳng vào bên ấy làm Tôn Chu trông thấy rõ ràng: Người phụ nữ đó có gương mặt trắng bệch, máu me dính đầy mặt, hai con ngươi lồi lên, khóe mắt trợn trừng như sắp rách cả đuôi mắt. Nhìn tư thế như muốn lao tới cầu cứu nhưng ngay sau đó đã có một cánh tay khỏe mạnh với nước da nâu bóp chặt cổ cô ta rồi kéo phắt vào trong ruộng.

Cảnh tượng đó lướt qua rất nhanh nhưng lại khiến người ta sốc mạnh, thế nên dù người phụ nữ ấy đã mất dấu sau thân cây, trên võng mạc của Tôn Chu vẫn còn nguyên hai con mắt trợn trừng.

Máu trong người xông thẳng lên não, anh ta hét lên và giẫm phanh.

Chiếc xe bị phanh gấp làm Nhiếp Cửu La không kịp đề phòng, suýt thì va vào lưng ghế phía trước.

Cô ngồi ngay ngắn lại, ngẩng đầu hỏi Tôn Chu:

- Sao thế?

Sao thế?

Tôn Chu há miệng. Trước, sau, trái, phải đều là những thân ngô lắc lư trong gió. Trong tiếng rì rào đó, chợt có tiếng vỡ vụn của một cành khô.

Là ảo giác ư?

Tôn Chu cảm thấy đó không phải ảo giác. Ngay giờ phút này, ngay bên ngoài xe thôi, có thể đang có một việc đáng sợ xảy ra.

Làm sao bây giờ? Lòng bàn tay Tôn Chu ướt mồ hôi: Xuống giúp hay coi như không thấy?

Thấy Tôn Chu không trả lời, Nhiếp Cửu La lấy làm lạ:

- Xe bị sao à?

- Không, không phải.

Tôn Chu cố bình tĩnh lại, nổ máy:

- Vừa rồi có thứ gì lướt qua đầu xe làm tôi giật mình.

Nhiếp Cửu La chẳng nghi ngờ gì:

- Có thể là thỏ hay chuột gì đó. Những nơi hoang vắng lại gần núi thế này có nhiều động vật lắm.

Xe chạy lên đường huyện, trong đầu Tôn Chu rối bời.

Người phụ nữ đó sẽ thế nào? Sẽ chết ư? Nếu người đó chết là tại mình ư?

Rồi anh ta lập tức thanh minh cho mình: Mình làm vậy là đúng. Thấy nguy hiểm phải biết tránh đi. Không phải ai cũng có năng lực giúp đỡ người khác. Nhỡ kẻ kéo người phụ nữ kia đi là tội phạm giết người thì sao? Nếu mình xuống xe cứu rồi không cẩn thận cũng chết ở đó thì cô Nhiếp cũng sẽ liên lụy theo...

Cho nên làm vậy là đúng.

Anh ta trở về khách sạn như người trên mây.

Huyện Thạch Hà là một huyện nhỏ, khách sạn bốn sao có tên Kim Quang này đã được xem là lớn nhất huyện. Trước khi trở về phòng, Nhiếp Cửu La hẹn với Tôn Chu rằng chín giờ sáng mai lại tới làng Hưng Bá Tử.

Còn đi, còn phải đi nữa.

Tôn Chu thiếp đi trong tâm trạng nặng nề. Cả đêm trăn trở trong những giấc mộng vụn vặt. Chúng hòa trộn từ những truyền thuyết lạ lùng mà anh ta từng nghe, thật đến mức đáng sợ.

Đêm khuya yên tĩnh, Nhiếp Cửu La đang lau bức tượng yêu nữ trong ngôi miếu đổ nát. Cô là người sống, bức tượng nọ cảm nhận được sức sống của cô, dần sống lại mà cô chẳng hay biết.

Xe anh ta chẳng thể di chuyển được. Anh ta xuống xe kiểm tra, thấy săm lốp đầy những thân ngô khô héo. Anh ta ra sức kéo chúng ra nhưng những thân ngô ấy như vật sống, chúng mọc dài ra, quấn quanh người anh ta, chọc vào tai, mắt, mũi, miệng anh ta.

Người phụ nữ nọ bị kéo vào ruộng ngô, anh ta vờ như không trông thấy. Khi xe sắp tới huyện, bỗng, tiếng "rắc rắc rắc" vang khắp đất trời, trên con đường nhựa mọc đầy thân cây khô. Trong bóng cây thấp thoáng gương mặt khi thì đau đớn, khi thì cười ghê rợn của người phụ nữ.

Chín giờ sáng, Tôn Chu mang hai quầng mắt thâm chở Nhiếp Cửu La tới làng Hưng Bá Tử lần nữa.

Lần này đi đúng đường, mới hơn mười giờ đã tới cửa ngôi miếu đổ nát.

Nhiếp Cửu La vào miếu như thường lệ, Tôn Chu ở bên ngoài đợi cô. Lướt hết weibo, douyin, phơi nắng, anh ta còn leo lên nóc xe nhìn ra phương xa: Cả trưa chỉ có một chiếc xe máy đi ngang qua, tiếng xe xình xịch. Trên xe có ba người đàn ông, lái xe quá số lượng người quy định khiến bọn họ phải ngồi sát vào nhau, trông như ngọn núi thịt di động.

Giữa trưa, ánh mặt trời gay gắt, Tôn Chu ăn bánh mì thay cơm. Nhai một lúc, ánh mắt anh ta chợt dừng lại ở đám thân ngô khô héo mọc san sát kia.

Người phụ nữ đó bị kéo vào ruộng ngô, là bị giết hại ngay đó hay còn bị kéo đi đâu?

Cũng có thể là mình nghĩ quá nhiều, quá nghiêm trọng: Rất có thể cô ta chỉ bị chồng đánh mà thôi.

Tôn Chu dời mắt đi tiếp tục ăn bánh mì, sau đó không kìm được lại nhìn qua.

Trong đầu có một giọng nói xúi giục: Qua đó xem thử, xem thử là biết ngay thôi.

Bạn đang đọc Cú Rời Đất Xanh của Vĩ Ngư
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi MeoWiWi
Phiên bản Dịch
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 1
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.