Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

≪2≫

Phiên bản Dịch · 2777 chữ

Tới trưa Nhiếp Cửu La mới lau rửa xong ba pho tượng. Vết tích của thời đại và năm tháng in hằn trên pho tượng: Mất đầu mất chân, đôi chỗ cháy sạm, đôi chỗ nứt toác lộ cả lớp rơm rạ bên trong.

Nhưng vẫn đẹp.

Khoa học kỹ thuật bây giờ phát triển, tin tức cộng hưởng, chỉ cần có chốn triển lãm bản thân, dù là chốn hẻo lánh, hoang vu nhân tài cũng sẽ không bị mai một. Nhưng xưa kia lại khác, nhân tài ngày đó có thể cả đời chỉ quanh quẩn trong khe núi, tác phẩm có tuyệt vời dường nào cũng bị bỏ sau nhà, bị người trong xóm coi thường vì món đồ vô giá trị.

Nhiếp Cửu La cảm thấy người làm ra bức tượng này là một người thợ tài giỏi.

Thợ giỏi gặp nhau khó tránh chuyện đồng cảm lẫn nhau. Cô chụp rất nhiều bức ảnh, còn tỉ mỉ quan sát những đường cong trên pho tượng, cho tới lúc bụng sôi sục và quá mót mới đi ra khỏi ngôi miếu hoang tàn.

Tôn Chu không còn bên ngoài miếu, chẳng rõ đã đi đâu. Những thân ngô khô héo như tấm bình phong tự nhiên nhưng sau một thoáng do dự, cô vẫn bỏ cái ý định giải quyết ngay ngoài trời.

Cô rảo bước về phía Đông. Khi ra khỏi ruộng ngô, cô có chú ý tới chiếc xe địa hình dừng ở ngoài đường.

Chiếc xe này mới và lớn hơn xe của Tôn Chu. Chỗ đèn pha có lắp tấm chắn chống va chạm, thân xe trắng muốt, đơn giản, mạnh mẽ, đường cong dứt khoát, không có thêm đồ trang trí gì.

Hình như vùng nông thôn nghèo này ít người qua lại, Nhiếp Cửu La tò mò ngó qua cửa kính.

Trong xe không có người. Trông thấy trước xe treo một chuỗi tiền Ngũ Đế cầu bình an, Nhiếp Cửu La đã biết mình nhầm. Ngay lúc cô định tránh đi, lại nhác thấy một con vịt ngồi ở ghế lái phụ.

 (Tiền Ngũ Đế nghĩa là năm đồng tiền xu thuộc năm triều đại của năm vị Hoàng Đế nhà Thanh. Đó là: Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long và Gia Khánh. Hình bên dưới là một dạng của tiền Ngũ Đế.)

Đó là một con vịt bông màu vàng ngồi ngay ngắn với hai chân đặt gọn gàng ở phía trước, gương mặt ngây thơ, mắt nhìn lên trước. Đặc biệt nhất là nó còn được thắt dây an toàn nữa.

Má ơi, vịt.

Nhiếp Cửu La bật cười rồi lập tức ôm bụng: Cô mót lắm rồi, sợ cười to quá sẽ không nhịn nổi mất.

Trên đường tới nhà vệ sinh công cộng, thỉnh thoảng cô lại bật cười.

Nói thật, cách trang trí trong ngoài xe đều rất nghiêm túc, chỉ riêng con vịt bông tuân thủ đúng quy tắc khi tham gia giao thông là khác biệt. Theo cô đoán, chủ chiếc xe ấy không phải người đã làm bố thì sẽ là người vẫn còn trẻ con.

Đến lúc quay lại ngôi miếu hoang, mở cửa xe lấy đồ ăn vẫn chẳng thấy Tôn Chu đâu, Nhiếp Cửu La đoán anh ta cũng đi giải quyết nỗi buồn.

Giữa trưa, bốn bề yên tĩnh chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng chim líu lo. Vừa hay trên trời có hào quang, Nhiếp Cửu La híp mắt nhìn, còn giơ tay để vào giữa vầng hào quang đó.

 (Hào quang là tên cho một loại hiện tượng quang học được tạo ra bởi ánh sáng mặt trời tương tác với các tỉnh thể băng lơ lửng trong bầu khí quyển. Hào quang có thể có nhiều hình thức, từ các vòng tròn màu trắng đến các cung và điểm trên bầu trời.)

Ngày có hào quang đêm mưa dầm, đêm nay có thể trời sẽ mưa.

Ăn xong bữa trưa đơn giản, Tôn Chu vẫn chưa về.

Nhiếp Cửu La bắt đầu thấy bất thường. Trị an ở đây không tốt, thường ngày vì sự an toàn của cô, Tôn Chu đều đợi ở ngay cạnh, có đi vệ sinh cũng đi nhanh về nhanh. Huống chi suốt nãy giờ, anh ta có rơi vào nhà xí cũng phải bò dậy tắm rửa xong rồi.

Điện thoại của anh ta bị ném trên ghế lái, hiển nhiên không thể gọi cho anh ta được. Nhiếp Cửu La giơ hai tay lên miệng, gọi thử:

- Tôn Chu?

m thanh truyền đi xa mà chẳng nhận được câu trả lời nào. Cô thử đi xa hơn:

- Tôn Chu?

Nhiếp Cửu La đi vào ruộng ngô.

Mấy cây ngô này thật là vướng víu, cứ túm tụm lại, không chỉ chắn tầm mắt mà còn dễ mắc quần áo. Cũng có khá nhiều cây bị người trong thôn chặt về làm củi chỉ còn lại phần gốc bên dưới, trong khi đó cô lại đi giày đế cứng, mỗi khi dẫm phải đều có tiếng "răng rắc" giòn tan.

Đi một hồi, cô dừng lại, ngồi xuống nhìn mặt đất.

Nơi đó có mấy vết màu nâu đỏ như máu ngấm vào. Nhiếp Cửu La sờ thử thấy đã khô.

Cô cười nhạo mình nghĩ lung tung: Nếu là máu Tôn Chu sẽ chẳng khô nhanh được như vậy. Với lại đây là nông thôn, người dân hay giết gà, giết ngỗng ngoài đất hoang, khả năng cao đây chỉ là máu gà, máu ngỗng.

Cô ngẩng đầu nhìn xung quanh, lại phát hiện một vấn đề: Mấy cây ngô gần đó đổ rạp về một phía như từng có vật nặng bị kéo lê qua đó.

Nhiếp Cửu La đứng dậy, đang định qua xem bỗng nghe được tiếng bước chân dồn dập phía sau.

Cô quay người lại, phát hiện có người đang lảo đảo chạy tới. Người đó bị hàng ngô mọc san sát che lấp khiến cô không nhìn rõ mặt mũi. Tiếng bước chân vừa nặng vừa vội kèm với tiếng gãy gọn của thân ngô nhanh chóng ập tới.

Nghe tiếng động, đoán trước được người đó sẽ đi về phía mình, Nhiếp Cửu La lùi lại hai bước. Gần như cùng lúc ấy, một người đàn ông đầu tóc rối bù, mặt dính đầy máu lao ra khỏi bụi ngô.

Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, Nhiếp Cửu La vẫn không khỏi giật mình kêu lên.

Bỗng anh ta dừng lại.

Không ngờ đó lại là Tôn Chu!

Mặt anh ta dính đầy máu, vết thương trên cổ lộ cả thịt ra ngoài, ánh mắt trống rỗng. Dù đã đứng lại, người anh ta vẫn không hết run khiến cho hàm răng anh ta va vào nhau thành những tiếng lách cách.

Nhiếp Cửu La cảm thấy không đúng lắm:

- Tôn Chu, anh làm sao thế?

Câu hỏi này đã kéo Tôn Chu về hiện thực. Mắt anh ta bớt bần thần, bờ môi mấp máy một hồi rồi bỗng thốt ra một câu:

- Chạy mau!

Còn chưa dứt lời, anh ta đã lao đi như một mũi tên.

Nhiếp Cửu La sửng sốt rồi cũng co cẳng chạy theo.

Tất nhiên cô không biết Tôn Chu chạy trốn cái gì nhưng thói quen bảo cô đuổi theo: Đi trên đường, mỗi khi mọi người ngẩng đầu nhìn trời, cô cũng nhìn theo; Khi mọi người hốt hoảng chạy trốn, cô cũng sẽ không đi ngược lại đám đông.

Hỏi nhiều làm gì, cứ chạy theo là được.

Sắp ra tới xe, trong lúc vội vã cô còn ngoảnh lại phía sau để thỏa trí tò mò.

Không có xác sống, quái vật, tội phạm giết người hàng loạt trong tưởng tượng mà ngược lại trong ruộng ngô gần như tĩnh lặng. Nhưng chẳng rõ có hoa mắt hay không mà trong một khoảnh khắc nào đấy, cô cảm thấy mình trông thấy một bóng người.

Tiếng xe nổ máy. Nhiếp Cửu La vừa mới mở cửa xe, bước được một chân lên, chiếc xe đã phóng vọt đi.

Mẹ kiếp!

Nhiếp Cửu La quá bất ngờ, gần như ngã ngửa về sau. Đất trời đảo lộn, cả người ngã lăn trên đất, lòng bàn tay đau rát vì cố bám vào mặt đất. Khi bò dậy, cô vẫn cảm nhận được không khí xung quanh nóng bỏng - đó là luồng khói chiếc xe kia phun ra trước khi lao vụt đi.

Tên khốn Tôn Chu này!

Cô nghiến răng nhưng chưa vội mắng Tôn Chu vì biết trong ruộng ngô còn có thứ gì đó nguy hiểm. Giờ Tôn Chu chạy rồi, rất có thể cô sẽ trở thành người thế chỗ.

Nhiếp Cửu La nhặt một tảng đá lên, nhìn chằm chằm ruộng ngô và đứng dậy.

Xung quanh yên lặng vô cùng, mỗi một phút giây đều bị kéo dài ra vô hạn. May mắn ruộng ngô trước mặt vẫn yên bình, chỉ có đôi lúc quấn quýt lấy gió mà thôi.

Xem ra thứ đó... đi rồi?

Nhưng dù thứ đó đã đi, cô cũng không dám ở lại đây lâu. Nhiếp Cửu La cẩn thận bước về phía thôn Đông. Thôn Đông là khu nhà ở, đến đó rồi sẽ yên tâm hơn.

Cô chạy thật nhanh, còn luôn ngó nghiêng bốn phía. Bỗng, cô dừng lại.

Cửa phía sau của chiếc xe địa hình trắng kia mở rộng, một người đàn ông ném mạnh chiếc túi vải to đùng vào sau xe rồi đóng sầm cửa lại.

Nhiếp Cửu La không hề có tâm trạng vui sướng khi "gặp được người" và "tìm được người giúp đỡ", bởi người có thể xuất hiện ở nơi này, một nửa là người qua đường thật sự, một nửa là người có liên quan. Nhỡ đây chính là người định giết Tôn Chu, khiến anh ta sợ đái ra quần thì sao?

Nếu đúng là vậy, biểu hiện của cô sẽ rất quan trọng: Không được hoảng hốt, sợ hãi, nghi ngờ nhưng cũng không thể dửng dưng như không thấy gì.

Cô khống chế khoảng cách hai bên cho hợp lý rồi bình tĩnh bước tới, ánh mắt thản nhiên, tùy ý kiểu người qua đường.

Thật trùng hợp, anh ta cũng nhìn cô với ánh mắt thản nhiên của người qua đường.

Đây là một người trẻ tuổi có vóc dáng cao lớn, mạnh mẽ, gương mặt ưa nhìn và khuôn hàm góc cạnh. Chắc chắn anh ta không hay cười, vì người thích cười, gương mặt sẽ dịu dàng hơn.

Nhiếp Cửu La dời ánh mắt khỏi người anh ta, lại "thản nhiên" liếc qua biển số xe.

Người đàn ông có vịt bông ngồi trên ghế lái phụ chưa chắc đã là người có tính trẻ con, cũng chưa hẳn là người đã làm bố, mà còn có thể là một kẻ biến thái thích giết người.

Bởi vậy việc nhớ kỹ biển số xe anh ta là điều rất cần thiết.

Qua cửa hàng tạp hóa ở cửa thôn Đông, người đi lại trên đường nhiều hơn, Nhiếp Cửu La mới thở phào.

Tốt lắm, cô đã an toàn, có thể tính sổ với Tôn Chu rồi. Những lo lắng khi thấy anh ta bị thương đã tan biến hết khi cô suýt bị nghiền nát dưới bánh xe.

Đi tới một gốc hòe già, cố gắng cách xa mấy bà cụ đánh bài Hanafuda dưới tàng cây, cô gọi điện phản ánh với công ty du lịch.

 (Hanafuda là một loại bài lá truyền thống của Nhật Bản.)

Lần này tới Thiểm Nam, Nhiếp Cửu La có việc cần làm, phải ở lại chừng nửa tháng. Nhưng do công việc không quá gấp gáp, cô không muốn lãng phí thời gian ở khách sạn nên đã liên hệ với công ty du lịch, đặt một lộ trình tới những ngôi miếu gần đó để xem tượng đất. Miếu nào càng cũ càng tốt, cô không sợ miếu hoang.

Do không phải lộ trình bình thường, mà một số địa điểm cần tới lại khá hoang vu, công ty du lịch đã đưa ra con số gấp hai giá thị trường. Nhiếp Cửu La cũng gật đầu luôn, chỉ có thêm hai yêu cầu: Một, phải an toàn. Hai, đi đủ mọi chỗ.

An toàn cái gì! Nhìn bàn tay trầy xước, cô đã chuẩn bị tinh thần làm cho ra lẽ rồi.

Nếu chuyện gì cũng im lặng, người ta lại tưởng cô dễ bắt nạt.

Đầu dây bên kia bắt máy, Nhiếp Cửu La nhẹ nhàng thuật lại đầu đuôi, bởi cô không phải kiểu người thích to tiếng: Những người như vậy trông thì tưởng ghê gớm, thực chất rất nhanh nguôi, không có lợi cho trận chiến lâu dài.

Mới nói xong, bên kia đã nơm nớp lo sợ, lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần câu "Xin lỗi chị".

Nhiếp Cửu La:

- Tôi không cho rằng việc này chỉ cần câu "Xin lỗi" là giải quyết được. Gặp chuyện, tài xế tôi thuê lại vứt tôi ở đó thì có ổn không?

Công ty du lịch:

- Dạ, rất không ổn ạ.

Nhiếp Cửu La:

- Nếu không nhờ tôi phản ứng kịp có phải đã bị cuốn vào gầm xe rồi không? Tôi có thể hiểu Tôn Chu gặp chuyện bất ngờ nhưng đây là hai vấn đề khác nhau. Tôi bỏ tiền, tôi cần một sự phục vụ ngang với số tiền đó. Một người tài xế tự xưng đã có mười năm kinh nghiệm, mà có thể bỏ mặc sự an toàn của khách như thế ư?

Hiển nhiên công ty du lịch cũng biết "giọng càng bình tĩnh, vấn đề càng lớn" nên họ chẳng dám hó hé gì:

- Dạ, dạ, chị Nhiếp, đây đúng là sơ sót của bên em.

Nhiếp Cửu La đang chuẩn bị từ ngữ trau chuốt cho lần đánh thứ ba, đưa không khí lên cao trào thì bỗng nghe thấy một câu.

- Chắc là đi tìm trai đấy, ôi, không có tí liêm sỉ nào...

Tìm trai gì cơ? Nhiếp Cửu La vừa phân tâm, mọi từ ngữ đã chuẩn bị đều bay sạch.

- Còn nói dối là đi đánh bài, đánh cả đêm không về...

- Chồng nó đi tìm rồi, ôi, phen này chồng nó đánh chết nó mất...

- Chị Nhiếp, chị xem thế này có được không? Bọn em sẽ lập tức cho tài xế khác tới đón chị, còn phía Tôn Chu, bọn em sẽ nhanh chóng liên hệ anh ấy, tìm hiểu tình huống...

Hình như bây giờ cũng chỉ có thể làm vậy. Thêm vào đó, giờ phút này Nhiếp Cửu La đã sinh lòng hiếu kỳ với câu chuyện tự bay vào tai rồi. Khách quan mà nói, cô không phải người nhiều chuyện, nhưng chuyện tự bay tới cô cũng không từ chối.

Cô trả lời qua quýt mấy câu rồi cúp điện thoại, bước lại gần mấy bà cụ đang đánh bài.

Mải chuyện trò lại thêm lòng căm phẫn sục sôi, họ chẳng hề nhận ra sự xuất hiện đột ngột của Nhiếp Cửu La mà còn tích cực mời cô thảo luận cùng, hỏi quan điểm của cô:

- Cháu nói đúng không, cô bé?

Chẳng mấy, Nhiếp Cửu La đã hiểu rõ chân tướng câu chuyện tình yêu chốn thôn quê này.

Hóa ra tối qua làng Hưng Bá Tử có một người phụ nữ bảo chồng là đi đánh bài rồi mất dạng cả đêm.

Chồng cô ta tưởng vợ mình nghiện bài bạc, ngủ lại bên đó nên không để ý. Mãi đến sáng nay cũng không thấy vợ về, gọi điện thoại thì tắt máy, anh ta mới tìm tới cửa thì biết tin tối qua vợ mình không tới đánh bài.

Vậy là rắc rối, không thấy người lại không liên lạc được, chồng cô ta la hét đòi báo cảnh sát. Bạn bài của cô ta sợ lớn chuyện, đành khai thật: Đánh bài chỉ là cái cớ thôi. Người phụ nữ kia có anh người yêu ở thôn bên, tối qua kiếm cớ để đi hẹn hò.

Chồng cô ta sôi máu, gọi hai người anh em tới, lái xe máy phi thẳng sang thôn bên bắt gian.

Đến nay "tình hình bắt gian" còn chưa được truyền lại nhưng mấy bà cụ này đã quả quyết trận chiến sẽ máu me be bét, nói nôm na là "sẽ đánh chết người".

Bạn đang đọc Cú Rời Đất Xanh của Vĩ Ngư
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi MeoWiWi
Phiên bản Dịch
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 1

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.