Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 25

Phiên bản Dịch · 4112 chữ

Toán kỵ sĩ, trong đó có một người đàn bà, vượt qua hàng rào sắt của điện Vecxây từ sáng sớm.

Angiêlic vượt lên trước cùng với Xavari, ông này tranh thủ dạy cho nàng một vài câu chào hỏi và cảm ơn bằng tiếng Ba Tư.

Họ đi theo con đường cái vòng quanh Pari, tiến sang phía tây, tới một ngã ba đường. Từ xa đã thấy một đám người xúm quanh một bục cao, cả bốn phía đều có lính cầm giáo đứng canh.

- Hình như có cuộc hành hình.

Angiêlic cau mặt. nàng đã nhìn rõ một chiếc bánh xe to tướng được dựng đứng lên, cái bóng đen sì của một linh mục tuyên úy và cái bóng mặc áo đỏ của tên đao phủ và đám phụ việc.

Nàng quyết định đi tạt ngang cánh đồng để chứng kiến cảnh tượng dã man hành hạ con người dưới những cặp mắt chăm chú của đám đông. Nàng kiên quyết lái cương ngựa đi ra khỏi đường cái, qua một vũng bùn có tuyết đang tan, và theo sau nàng là Xavari và mấy người đầy tớ. Nhưng mới đi được một quãng, họ đã bị một đám lính kỵ binh mặc áo xám vây quanh. Một sĩ quan trẻ hô to:

- Dừng lại! Không ai được qua lại trước khi có lệnh giải tán.

Viên sĩ quan lại gần chào nàng, Angiêlic nhận ra Mirômông, sĩ quan cảnh sát vùng Vecxây.

- Xin ông làm ơn cho tôi đi qua. Tôi cần phải đến thăm ngài Đại sứ của Hoàng đế Ba Tư.

- Nếu vậy, tôi xin hướng dẫn bà đến gặp ngài Đại sứ.

Và ông ta tiến về chỗ hành hình. Angiêlic đành phải đi theo ông ta. Người sĩ quan dẫn nàng vào tận hàng đầu, cạnh cái bục cao trên đó kẻ tội phạm bị hành hình đang thốt lên những tiếng kêu khàn khàn. Nàng cúi xuống để khỏi phải nhìn. Có tiếng nói lễ phép của ông Mirômông cất lên:

- Thưa ngài, đây là phu nhân Plexi-Belie, bà muốn được gặp ngài.

Ngước mắt lên, nàng kinh ngạc thấy mình đứng trước mặt ông Đại sứ Ba Tư cưỡi trên lưng con ngựa nâu. Ngài Xôliman Bactiari có đôi mắt đen rất to, lông mày và lông mi thanh nhã, khuôn mặt hơi xanh, có chòm râu quai nón đen nhánh. Ông ta đội khăn lụa trắng. Cạnh ông ta, cũng cưỡi trên lưng ngựa là một cậu thiếu niên tùy tùng mặc quần áo lụa sặc sỡ tay bưng một chiếc bình điếu bằng kim khí quý, có ống điếu dài. Đoàn hộ vệ gồm ba bốn người cưỡi ngựa.

Nghe viên sĩ quan giới thiệu, viên Đại sứ không hề quay đầu lắt chăm chú nhìn lên bục cao, ông ta quan sát tỉ mỉ diễn biến cuộc hành hình, thỉnh thoảng với tay vịn ống điếu rít một hơi.

Người sĩ quan nhắc lại câu giới thiệu của mình một cách rụt rè. Lúc đó, một nhân vật mà Angiêlic chưa chú ý tới can thiệp. Đó là một thầy tu mặc áo chùng thâm, đeo ở ngực cây thánh giá dòng Tên. Ông ta thúc ngựa tiến lại gần Đại sứ Bactiari và nói mấy câu bằng tiếng Ba Tư. Ông này quay lại nhìn Angiêlic với con mắt thờ ơ. Nhưng rồi đôi mắt ông ta sáng lên và có vẻ dịu dàng hơn. Rất nhanh nhẹn, ông tụt từ trên lưng ngựa xuống. Nàng chưa kịp có phản ứng gì thì đã thấy viên Đại sứ vừa vuốt ve cổ con ngựa Xêret của nàng, vừa nói với nó những lời dịu dàng nhất. Sau đó, ông ta nói mấy câu với giọng hách dịch.

Người linh mục dịch cho nàng nghe:

- Thưa bà, ngài Đại sứ xin được phép xem xét miệng con ngựa của bà. Ngài bảo rằng, muốn đánh giá chất lượng một con ngựa nòi, việc xem xét hàm răng và vòm miệng của nó cũng cần như phải xem những gót chân.

Hơi bực mình, nàng trả lời cộc lốc rằng con ngựa này dữ lắm và không ưa người lạ lại gần. Người thầy tu dịch câu đó. Viên Đại sứ Ba Tư mỉm cười, ông ta đến ngay trước mặt con vật và nói nhẹ nhàng mấy câu. Rồi ông ta đặt hai bàn tay lên mũi con ngựa. Con vật rùng mình, nhưng để nguyên cho người lạ banh mồm ra và xem xét hàm răng mà không chống cự lại chút nào. Khi bàn tay lạ mang đầy nhẫn bóng loáng vuốt ve nó thì nó đưa lưỡi liếm trả. Rồi viên Đại sứ đặt chéo hai bàn tay lên chuôi dao găm bằng vàng của mình và cúi chào mấy lần tỏ vẻ rất cung kính.

- Ngài đại sứ nói rằng kể từ khi ngài đổ bộ lên bến Macxây, đây là lần đầu tiên ông được thấy một con ngựa ra ngựa như thế này. Ngài hỏi rằng không hiểu Đức vua nước Pháp có được nhiều con ngựa đẹp như thếày không?

- Có những chuồng ngựa đầy những con như thế này! - Nàng nói bừa. Ông Đại sứ cau mày và nói nhanh với vẻ giận dữ.

- Ngài Đại sứ lấy làm lạ rằng, nếu vậy tại sao người ta lại không chọn vài con gửi đến tặng Ngài cho xứng đáng với ngôi thứ của Ngài? Càng bực tức, Đại sứ nói càng nhanh, khiến người phiên dịch phải vất vả dịch đuổi.

- Và Ngài đại sứ nói rằng, ông ta chưa từng gặp được một phụ nữ nào xứng đáng với chức vị của ông... Mà người ta chưa hề gửi tặng ông một phụ nữ nào cả. Mặc dù ông ta đã lưu lại ở nước Pháp hơn một tháng rồi! Ông ta lại hỏi: hôm nay bà đến đây, liệu có phải là tín hiệu báo rằng Đức vua nước Pháp đã quyết định sẽ đối xử với ông ta theo đúng nghi thức danh dự mà ông có quyền được hưởng không? Angiêlic kinh ngạc đờ ra. Trên khuôn mặt bình thản của thầy tu thoáng nở nụ cười mỉm nhẹ nhàng.

- Thưa bà, tôi hiểu rõ những lời nói của tôi làm bà thấy chướng tai. Nhưng từ mười năm nay tôi đã được giao nhiệm vụ làm thông ngôn tiếng Pháp tại triều đình Hoàng đế Ba Tư, nên tôi có bổn phận dịch chính xác nhất mọi diễn văn của Hoàng đế. Rồi ông linh mục nói thêm, hóm hỉnh.

- Nhưng, xin bà hãy trả lời câu hỏi ngài Đại sứ.

- Vì tôi cảm thấy mình lúng túng quá. Tôi đến đây không phải với tư cách Đại sứ của Đức vua nước Pháp, thậm chí, tôi phải giấu Đức vua kia đấy, vì hình như Hoàng thượng không quan tâm đặc biệt gì đến đoàn sứ thần Ba Tư này. Khuôn mặt ông thầy tu bỗng đờ ra và hai con mắt ông ta bỗng trở nên lạnh lùng.

- Thật là thảm họa! - Ông ta lẩm bẩm

Rõ ràng, ông ta ngần ngừ không muốn dịch câu trả lời đó, cũng may, những lời kêu rên ngày càng thảm thiết của người bị hành hình đã đánh lạc hướng chú ý của ngài Bactiari. Người đao phủ đã gần hoàn thành công việc của mình. Người tử tù xấu số sắp bị bêu ngắc ngoải hàng giờ trong luồng gió bấc lạnh giá. Viên Đại sứ Ba Tư thốt lên một tiếng rủa bực mình và lại lao vào một bài diễn văn giận dữ mới:

- Ngài Đại sứ phàn nàn là đã không được theo dõi đoạn cuối của cuộc tra tấn, viên thầy tu quay sang dịch cho viên sĩ quan Mirômông, ông này nói:

- Tôi rất tiếc nhưng vì lúc đó Ngài Đại sứ đang mải trò chuyện với Phu nhân.

Người thầy tu đứng im. Bị thúc giục, ông ngần ngại nói:

- Ngài Đại sứ yêu cầu bắt đầu lại cuộc hành hình.

- Điều đó không thể được, thưa cha. - Viên sĩ quan cảnh sát nói - Không có tên phạm nhân nào khác nữa.

Viên Đại sứ chỉ đám người Ba Tư xếp hàng sau lưng mình. Người tu sĩ nói:

- Ngài nói rằng ông hãy chọn một người theo hầu kia mà hành hình.

- Chúng tôi không có quyền hy sinh một người nô lệ của Ngài Đại sứ dù Ngài đồng ý. Luật pháp nước chúng tôi không cho phép.

Ông thầy tu quay sang nói với viên sĩ quan:

- Tôi phản đối những cách đối xử vụng về, thiếu thiện chí và kém lịch sự của đối với ngài Đại sứ Bactiari kể từ lúc ông tới Pháp. Ông đến với tư cách một người bạn, nhưng có nguy cơ lớn là ông sẽ giận dữ trở về và biến thành một kẻ thù, thậm chí có thể khiến cho Hoàng đế Ba Tư trở thành kẻ thù không đội trời chung của nước Pháp và của cả Nhà thờ Thiên chúa giáo. Điều thứ hai này mới nghiêm trọng làm sao. Vì khi đó, thì giới tôn giáo chúng tôi, nay đang có khoảng hai chục tu viện ở bên nước đó, sẽ uổng công vô ích khi muốn mở rộng ảnh hưởng bổn đạo.

- Thưa Cha, đó là những vấn đề thật nghiêm trọng, tôi công nhận. - Viên sĩ quan Mirômông nói - Nhưng vì cớ gì ông ta cứ nằng nặc đòi hỏi về chuyện xem hành hình này?

- Ngài Đại sứ chưa hề thấy kiểu hành hình này bao giờ. Sáng nay đi dạo chơi, ngài tình cờ đến nơi này, và đã quyết định ngay là mình có nhiệm vụ về báo cáo lại với Đức Hoàng đế Ba Tư một cách chính xác phương pháp tra tấn mới này. Vì vậy, ngài phiền lòng vì đã bỏ mất một số chi tiết cuối cùng của cuộc hành hình.

- Còn tôi, thì thấy ngài Đại sứ quá dại dột. - Angiêlic nói và mỉm cười.

Viên Đại sứ Ba Tư, lúc đó đã lên ngựa với vẻ mặt bất bình, bỗng dưng đưa mắt ngạc nhiên nhìn nàng.

- Tôi phải thú thật rằng tôi khâm phục lòng dũng cảm của ngài Đại sứ - Nàng nói tiếp.

Một lúc im lặng. Cuối cùng người tu sĩ nói:

- Ông Đại sứ ngạc nhiên về lời bà nói. Xin phu nhân nói rõ thêm cho.

- Này nhé, chẳng lẽ ngài Đại sứ không nghĩ rằng đức Đại đế sẽ có thể lạm dụng kiểu hành hình mới lạ này sao? Thí dụ như: có thể quyết định rằng, vì nó mới lạ nên phương pháp này sẽ dành để tra tấn những vị quý tộc cao cấp trong nước mình?... Và biết đâu Hoàng đế lại chẳng muốn đem thí nghiệm phương pháp mới này với một vị công thần bậc nhất của Người, như ngài Đại sứ đây chẳng hạn? Nhất là khi sứ mệnh trao cho Ngài đây lại thất bại phụ lòng mong mỏi của đức Đại đế?...

Vị linh mục càng dịch những lời lẽ của Angiêlic thì nét mặt của ông hoàng Ba Tư càng tươi tỉnh dần, cuối cùng ông ta bật cười, khiến tất cả mọi người đều nhẹ nhõm.

- Phudun khanum! - Ông ta kêu lên.

Rồi chắp hai bàn tay vào ngực, ông Đại sứ nghiêng đầu ba lần về phía người phụ nữ trẻ tuổi.

- Ngài Đại sứ nói rằng lời khuyên của bà thật khôn khéo như lời đấng tiên tri. Rằng Ngài sẽ từ bỏ ý định tường thuật kiểu hành hình trên bánh xe này khi trở về nước... Và bây giờ Ngài yêu cầu bà cùng đi về tư dinh để Ngài được mời bà dự một bữa ăn nhẹ.

Hoàng thân Bactiari dẫn đầu cả đoàn người và đưa họ đi theo mình. Thoắt một cái, ông ta đã trở thành hiện thân của sự duyên dáng và lịch sự. Dọc đường, qua lời phiên dịch của ông thầy tu, Angiêlic được nghe những câu chào hỏi, và ca tụng lịch sự tuyệt vời của Ngài Đại sứ. Nghe tiếng ồn ào, mấy người đầy tớ Ba Tư từ trong nhà chạy ra, ai cũng đeo gươm hoặc dao găm. Sau họ, có hai nhà quý tộc Pháp xuất hiện. Một người đeo tóc giả nói với Angiêlic:

- Thưa bà, tôi là Xanh-Amông, lo việc hướng dẫn các phái đoàn ngoại giao. Tôi được Đức vua giao cho nhiệm vụ đi tháp tùng ngài Đại sứ vào Triều đình. Mong phu nhân thông cảm. Tôi sắp phát điên phát rồ lên với đám người lạ có những phong t kỳ quặc này. Tôi không sao thuyết phục được họ để họ thấy cần thiết phải khẩn trương lên, để chuẩn bị cho việc sớm ra mắt Triều đình. Mà cả cha Risa đây, ông ấy cũng là người Pháp đây, lại là nhà tu hành, vậy mà chẳng giúp gì cho tôi chút nào! Nhìn ông ta cười hóm hỉnh kìa...

- Hả? Thế ông có giúp đỡ gì tôi không đấy? - Vị linh mục bác bỏ ngay - Nghề của ông là ngoại giao, vậy xin hãy tỏ ra biết một chút ngoại giao chứ. Còn tôi, chỉ là anh phiên dịch quèn, hoặc cố vấn là cùng, tôi đi theo ông Đại sứ này với tính cách riêng tư, các ông phải lấy làm mừng có tôi hầu hạ trong nghề phiên dịch chứ.

Cuộc đấu khẩu còn dang dở thì Angiêlic đã bị ông hoàng Bactiari cầm cổ tay kéo vào trong nhà. Hai người đi qua một phòng đợi lát đá hoa vẽ sặc sỡ, rồi vào một phòng khách, mỗi bên có một cậu thiếu niên đi hầu theo sau, một người bưng bình điếu hút thuốc mà ông hoàng Ba Tư không bao giờ rời, còn cậu người hầu của Angiêlic là anh chàng Flipô đang trố mắt thán phục ngắm nhìn các thứ chăn đệm sặc sỡ.

Ông hoàng ngồi xuống, xếp chân bằng tròn, và ra hiệu mời Angiêlic làm theo.

- Phải chăng người Pháp các ngài có phong tục tranh cãi nhau trước mặt người lạ và về bất cứ chuyện gì? - Ông ta hỏi bằng một thứ tiếng Pháp chậm chạp nhưng hoàn hảo.

- Tôi vui mừng nhận thấy ngài Đại sứ nói tiếng nước tôi rất sõi.

- Từ hai tháng nay, tôi đã được nghe người Pháp nói chuyện với nhau... Do đó tôi đã có thời gian để học hỏi. Tôi mới nói thạo chủ yếu là những câu nói bất nhã, những câu... chửi rủa... Đúng thế, và tôi tiếc quá. Bởi vì tôi muốn nói với bà điều khác kia.

Angiêlic bật cười. Ông hoàng Ba Tư

- Tiếng bà cười như tiếng nước suối reo giữa sa mạc vậy.

Hai người bỗng im bặt, vì lúc này ông thầy tu và ngài Xanh-Amông đã vào tới phòng khách.

Ngài đại sứ vẫn thản nhiên và chuyển sang nói bằng tiếng Ba Tư. Ông ta ra lệnh dọn một bữa ăn nhẹ. Từ khi biết rằng ông ta hiểu tiếng Pháp, Angiêlic cảm thấy lúng túng. Còn ông hoàng thì điềm tĩnh ra hiệu cho nàng chú ý nhìn những chiếc cốc pha lê có khắc trổ và những vò sứ màu xanh da trời tuyệt diệu.

- Đây là những đồ mỹ nghệ cổ từ thời hoàng đế Lariuyt - Cha Risa giải thích - Bí mật về cách làm ra những thứ men quý này đã thất truyền rồi. Cả đến những hàng vàng bạc ở Ba Tư ngày nay cũng không sao đẹp bằng thời xưa được.

- Nếu như ngài Đại sứ ưa thích những thứ quý giá thì có biết bao nhiêu thứ đẹp. Ngài có thể đến thưởng thức ở điện Vecxây! - Angiêlic nói - Đức vua của chúng tôi ưa thích những mặt hàng lộng lẫy cao sang và cho sưu tầm những thứ hiếm quý tuyệt vời.

Ông Đại sứ tỏ ra có ấn tượng sâu sắc về điều nàng nói. Ông ta vội đặt ra một loạt câu hỏi, còn nàng thì ra sức giải đáp và say sưa mô tả cung điện mênh mông, rực rỡ vàng son và những tấm kính trong suốt, cùng những tác phẩm nghệ thuật, những đồ vàng bạc hiếm có trên thế giới. Ông Hoàng Ba Tư kinh ngạc lắng nghe. Ông nhờ cha Risa chuyển lời trách ông Xanh-Amông đã không kể qua một chút gì về tất cả những cái đó cho ông nghe.

- Nhưng cái đó có gì là quan trọng? Sự vĩ đại của Vua nước Pháp đâu có thể đánh giá ở sự xa hoa, ở chỗ có nhiều vàng bạc ngọc ngà? - Ông Xanh-Amông bác bỏ.

- Là nhà ngoại giao, ông lại quên bẵng một điều là đang đàm phán với những người phương Đông, - Tu sĩ dòng Tên nói thẳng thừng. - Dù sao, tôi nhận thấy rằng Phu nhân đây, chỉ bằng vài lời nói đẹp, đã đẩy nhanh được công việc của nhà nước Pháp mà ông chịu trách nhiệm, còn nhiều hơn là một mình ông làm được trong mười ngày.

- Tuyệt vời! Tuyệt vời! Nếu như ngài, con người của Nhà thờ, mà lại tán dương cách làm việc kiểu đàn bà như vậy thì một quan chức đường hoàng như tôi còn biết ăn nói với Ngài làm sao được. Tôi xin rút lui.

Sau lời tuyên bố chua chát, ông Xanh-Amông đứng lên vào cáo lui. Nhà tu hành cũng theo gót ông ta đi ra luôn. Hoàng thân Bactiari quay lại phía Angiêlic với nụ cười duyên dáng:

- Cha Risa đã hiểu rằng tôi không cần phiên dịch để trò chuyện với một phu nhân.

Ông ta đưa ống điếu lên môi hút từng hơi ngắn, con mắt rực sáng vẫn không rời vị khách.

- Thầy chiêm tinh của tôi đã bảo tôi hôm nay thứ tư là ngày lành. Và đúng phu nhân đã tới... Xin nói riêng với bà ở đây tôi thấy ngỡ ngàng: phong tục nước này kỳ quặc và khó theo. Nhưng hôm nay, Đức vua phái bà đến gặp tôi, như vậy là cuối cùng Người đã muốn cho tôi được điều tốt lành. Bà là người đầu tiên ở nước này mà câu chuyện làm tôi vui thích. Những người Pháp sao mà khô khan chán ngấy!

- Khô khan chán ngấy! - Angiêlic cực lực bác bỏ - Ngài nhầm! Người Pháp có tiếng là rất vui vẻ, ưa cười đùa.

- Buồn-chán-ngấy! - Ông Hoàng Ba Tư nhấn mạnh từng tiếng - Đám người Pháp mà tôi gặp từ trước đến nay, họ tiết ra chất chán ngấy y như thứ đá hiếm ở sa mạc tiết ra chất nước quý hiếm mumi vậy... Câu ví von của ngài Đại sứ làm Angiêlic sực nhớ đến ông già Xavari, chính vì ông này thúc giục mà nàng đến đây.

- Chất mumi? Có thật chăng, thưa Đại nhân? Đức Hoàng đế Ba Tư đã vui lòng cho đem tặng Đức vua chúng tôi một ít chất mumi quý hiếm đó sao? Khuôn mặt viên Đại sứ sa sầm lại, và ông ta lườm Angiêlic với vẻ ngờ vực.

- Làm sao bà biết... trong số tặng phẩm ta mang đến đây có chất đó?

- Người ta đồn thế, thưa Đại nhân. Tiếng tăm lừng lẫy của chất quý hiếm đó đã vượt qua biển rộng, núi cao.

Tuy lạnh lùng, ông hoàng Bactiari không tránh khỏi để lộ những tình cảm phức tạp.

- Tôi cho rằng... Vua nước Pháp chẳng hề coi trọng gì chất mumi, có khi còn nhạo báng vì không biết giá trị chất đó...

- Trái lại, Đức vua hiểu rõ thiện ý cao cả của Hoàng đế Ba Tư khi gửi quà tặng quý giá đó. Đức vua biết rằng chất này cực kỳ hiếm và không một nước nào khác ngoài Ba Tư có được.

- Không một nước nào khác! - Ông hoàng Ba Tư khẳng định và mắt sáng lên một ánh lửa thần bí - Thánh Ala đã ban phước lành cho dân tộc Ba Tư khi Người trao cho chúng tôi thứ thuốc nước quý giá thần bí này. Nguồn nguyên liệu tạo ra chất này ngày càng hiếm, nên chất mumi chỉ dành riêng cho các thân vương trong hoàng tộc mà thôi.

- Hình dáng chất ấy như thế nào?

Nụ cười mỉm lại hiện ra trên môi- Bà thật tò mò và nóng nảy... Nhưng tôi... lại thích được nhìn đôi mắt bà sáng lên long lanh.

Ông ta vỗ hai bàn tay vào nhau và ra lệnh cho người hầu vừa chạy đến. Hòm gỗ được đặt trên một chiếc bàn con kê cạnh đi văng và Đại sứ Bactiari kính cẩn mở nắp hòm. Trong hòm có đựng một cái bình sứ màu xanh lơ, có cổ rộng và cao. Ông Đại sứ sẽ rút cái nút bình bằng ngọc bích ra, và Angiêlic cúi xuống nhìn. Nàng trông thấy một chất lỏng màu xanh thẫm và óng ánh ngũ sắc ở thể đặc sánh như dầu, và một thứ mùi thơm hắc bay xộc lên mũi mà nàng chưa ngửi thấy bao giờ. Mùi này thơm dễ chịu hay là khó chịu? Nàng không thể nói chính xác được. Nàng đứng thẳng lên vì có cảm giác là đầu óc choáng váng và bỗng thấy nhức ở hai bên thái dương.

Vừa lẩm bẩm cầu khấn, ông hoàng Ba Tư vừa nghiêng bình, đổ vài giọt ra một cái hộp bằng bạc, rồi ông chấm ngón tay vào đó, nhẹ đặt lên trán Angiêlic rồi lên trán mình.

- Đây có phải là một thứ thuốc bổ không?

- Đó là máu của đất, là tín hiệu thần bí của những vị thần linh thống trị thế giới...- Ông ta vừa lẩm nhẩm vừa khép hai hàng mi với vẻ say sưa. Khi đám đầy tớ đi ra ngoài, và mang theo cái hòm đựng chất nước được tôn thờ đó, Angiêlic chuẩn bị để cáo lui. Nỗi thất vọng của viên Đại sứ lộ rõ. Angiêlic phải ra sức giải thích cho ông ta hiểu rằng ở nước Pháp, người ta không thể đối xử suồng sã với những phụ nữ danh giá như đối với đám đàn bà rẻ tiền: muốn chiếm được lòng của họ thì phải mất công theo đuổi kiên trì và lịch sự một cách tế nhị.

Ông hoàng Ba Tư nói:

- Các nhà thơ Ba Tư đã có những vần thơ hay ca ngợi người yêu của mình. Còn tôi, tôi muốn gọi tên bà là Phrudê-Khamin, nghĩa là Cô gái Ngọc lam... Ngọc lamứ ngọc quý hàng đầu trong các loại ngọc, là biểu tượng nước Ba Tư cổ đại. Ở đất nước tôi, màu xanh lam là màu được ưa thích nhất.

Ông ta nhanh nhẹn rút ở ngón tay ra một chiếc nhẫn và đeo nó vào ngón tay nàng khiến nàng không kịp từ chối.

- Cô gái Ngọc lam... Tôi muốn bày tỏ niềm vui khi thấy đôi mắt đẹp kia ngước nhìn tôi.

Ông ta chăm chú nhìn nàng mỉm cười, vẻ dịu dàng và chế giễu, khiến nàng như bị thôi miên. Nàng muốn từ chối, nhưng không biết làm cách nào khác là lẩm bẩm lời cám ơn và cúi nhìn viên ngọc dát vàng trên chiếc nhẫn đeo ở ngón tay mình.

- Vậy, tôi xin để Phu nhân về. - Ông hoàng Ba Tư nói - Ở đây có cái phong tục kỳ lạ là gửi quà tặng rồi lại thu về ngay... Tại sao Vua nước Pháp xúc phạm tôi? Hoàng đế Ba Tư là ông vua hùng mạnh. Người có thể trục xuất khỏi nước mình đám tu sĩ người Pháp ở hai mươi tu viện mở tại đó. Người còn có thể từ chối việc buôn bán lụa cho nước Pháp. Lụa Ba Tư là thứ lụa tốt nhất... Hiệp ước mà chúng tôi muốn ký kết với nước này cũng là tốt đẹp nhất. Hãy nói lại với Đức vua của quý quốc như vậy...

Bạn đang đọc Tình sử Angélique của Serge Anne Golon
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 15

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.