Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Sơn Thị

Phiên bản Dịch · 2400 chữ

Trà Mã Cổ Đạo được hình thành từ hoạt động giao thương trà và ngựa giữa biên giới tây nam và tây bắc, bắt đầu phát triển từ thời Đại Tề và Đại Tấn, thịnh vượng vào thời Đại Ngụy và Đại Huyền. Con đường này nối liền Thục Châu, Vân Châu, Tây Vực và kéo dài đến Bà Sa Châu, thậm chí đến tận Tây Đại Lục.

Trên đường đi, hình thành nhiều khu chợ buôn bán, vô cùng sầm uất.

Tề Huyền Tố và Trương Nguyệt Lộc đã đi hơn trăm dặm dọc theo Trà Mã Cổ Đạo, từ xa đã thấy những cột khói bếp bay lên, một thị trấn nhỏ dần hiện ra bên cạnh con đường, trên đó có một lá cờ bay phấp phới, đề chữ “Sơn Thị”.

Tề Huyền Tố có chút phấn khởi: “Không ngờ lại gặp ‘Sơn Thị’.”

Trương Nguyệt Lộc, vốn ở trong Tổ đình lâu, không quen thuộc với nhiều sự việc trong giang hồ địa phương, không khỏi hỏi: “Sơn Thị là gì?”

Tề Huyền Tố giải thích: “Sơn Thị ban đầu là để chỉ hiện tượng ảo ảnh trên đỉnh Kim Ngao của núi Thái Thanh, nơi có thể nhìn thấy các cung điện, đình đài, ngói xanh lợp mái, tường cao sừng sững, kéo dài sáu bảy dặm, như một thành thị. Sơn Thị rất hiếm khi xuất hiện, khó mà gặp được. Người ta đã xây dựng một thị trấn nhỏ gần đỉnh Kim Ngao để mô phỏng Sơn Thị, nơi này chủ yếu là nơi buôn bán và trao đổi của người trong giang hồ, vô cùng nhộn nhịp. Sau đó, các nơi khác cũng bắt đầu xây dựng Sơn Thị, thực chất là một thị trường trao đổi, thế tục gọi là ‘Chợ Đen’. Tại đây, từ kiếm, đan dược, hỏa súng, thứ có thể bán và không thể bán, đều có đủ.”

Trương Nguyệt Lộc hiểu ra: “Thì ra là ‘Chợ Đen’. Ta đã nghe danh chợ đen từ lâu nhưng chưa từng thấy qua. Đã gặp thì không thể bỏ lỡ, phải xem thử mới được.”

Tề Huyền Tố đáp: “Xem cũng được, nhưng chủ yếu là cần có tiền. Ở đây, một khẩu ‘Thần Long Thủ Súng’ cũng phải tốn tám trăm đồng tiền Thái Bình, đắt hơn nhiều so với giá thị trường. Nhưng ngẫm lại, giá thị trường dù có rẻ hơn, nhưng nếu không có mối quan hệ với Hắc Y Nhân, mấy ai mua được ‘Thần Long Thủ Súng’?”

Trương Nguyệt Lộc suy nghĩ một chút: “Dù ta đang kẹt tiền, không có nhiều tiền lớn, nhưng vài trăm đồng tiền Thái Bình thì vẫn có.”

Điều này cũng hợp lý, Ngũ phẩm đạo sĩ ở Thiên Cương Đường, được hưởng đãi ngộ như Tế Tửu bậc sáu, mỗi tháng nhận một trăm đồng tiền Thái Bình, còn Tứ phẩm Tế Tửu thì càng cao hơn. Hơn nữa, sau khi trở về từ Tây Vực, nàng còn nhận được một trăm đồng tiền Thái Bình trợ cấp thêm. Nếu nói Trương Nguyệt Lộc không có chút tiền tiết kiệm thì Tề Huyền Tố không tin.

Vì Trương Nguyệt Lộc có tiền và muốn xem thử, Tề Huyền Tố tự nhiên không phản đối, hai người cùng bước vào “Sơn Thị”.

Nhìn từ bên ngoài, thị trấn này không có gì đặc biệt, nhưng khi bước vào bên trong mới thấy được một thế giới khác hẳn. Các ngôi nhà dọc phố chủ yếu là những tòa nhà hai tầng, ngói đen tường trắng, cột sơn đỏ, mái hiên được chạm trổ xanh biếc, mặt đường lát bằng gạch xanh phẳng phiu, đủ rộng cho hai chiếc xe ngựa đi song song. Khung cảnh này không giống một thị trấn nhỏ nằm trên Trà Mã Cổ Đạo xa xôi, mà giống như một con phố ở Cẩm Quan Phủ hoặc Kim Lăng Phủ.

Thị trấn không lớn, bố trí theo hình “điền” tiêu chuẩn, với một đường ngang và một đường dọc chia thị trấn thành bốn phần, và hai con đường này chính là nơi diễn ra buôn bán.

Vừa bước vào thị trấn, đã có một người tiến lại gần. Người này mặc trang phục ngắn gọn, tà áo chỉ tới gối, đi giày vải, trên đầu đội một chiếc mũ Lục Hợp Nhất Thống.

“Lục Hợp Nhất Thống Mạo” còn gọi là “Lục Hợp Cân”, do Thái Tổ Hoàng Đế của triều đại trước Đại Ngụy sáng chế. Chiếc mũ này có kiểu dáng từ Kim Trướng Hãn Quốc, mũ của người Kim Trướng thường tròn và chia thành sáu phần. Sau khi Kim Trướng chiếm Trung Nguyên, họ đã truyền kiểu mũ này đến Trung Nguyên, giống như việc họ đã mang hệ thống Thiên Hộ, Bách Hộ đến Trung Nguyên.

Sau này, Thái Tổ Hoàng Đế của Đại Ngụy đã đuổi Kim Trướng đi, dựa theo kiểu dáng của mũ đó mà chế tạo “Lục Hợp Nhất Thống Mạo”, mũ có sáu phần khâu lại bằng chỉ vàng, phần dưới gắn thêm vành nón. Tên gọi “Lục Hợp Nhất Thống” mang ý nghĩa thống nhất thiên hạ.

Triều đại trước quy định rằng đây là kiểu mũ phổ biến trên toàn quốc, thường được dân thường sử dụng, còn quan lại thì cũng thường đội khi ở nhà. Khi Đại Huyền triều đình thống nhất thiên hạ, họ không cấm việc sử dụng loại mũ này. Tuy nhiên, Đạo môn có hệ thống mũ nón riêng nên người Đạo môn không đội loại mũ này, lần đầu nhìn thấy cũng có chút lạ lẫm.

Người này đầu tiên cúi đầu chào hai người rồi nói: “Tiểu nhân là Tiền Bảo, quản lý của Sơn Thị này. Hai vị trông có vẻ lạ mặt, phải chăng là lần đầu đến Sơn Thị của chúng tôi?”

Tề Huyền Tố ra hiệu cho Trương Nguyệt Lộc đừng lên tiếng, rồi đáp: “Chúng tôi chỉ đi ngang qua, muốn xem thử thôi.”

“Thì ra là vậy.” Ánh mắt của Tiền Bảo lóe lên: “Sơn Thị của chúng tôi làm ăn nhỏ, tu sửa cửa hàng, duy trì trật tự, đều là những chi phí không nhỏ, nên dù là người mua hay người bán, đều phải...”

Vừa nói, hắn vừa dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhẹ nhàng xoa vào nhau, ra hiệu đòi tiền.

“Tè viến vừa cảo? Được thôi.” Tề Huyền Tố nói, “Bá giáo đi.”

Cái gọi là “Tè viến vừa cảo”, tức là tiền vé vào cửa. “Bá giáo đi” tức là báo giá đi.

( PS: thay vì giữ tiếng lóng nguyên tác thì ta xài luôn vẩn đào đọc cho xuôi nhé )

Tiền Bảo lập tức hiểu ra Tề Huyền Tố không phải người mới bước vào giang hồ, không dám mở miệng đòi quá nhiều, thành thật nói: “Mỗi người một đồng tiền Thái Bình.”

Tề Huyền Tố móc từ túi áo ra hai đồng tiền Thái Bình, đưa cho Tiền Bảo rồi hỏi: “Sơn Thị của các ngươi có những gì?”

Tiền Bảo đáp: "Cái gì cũng có, buốc thán, bí khinh, sống úng, được dạn, boi xém, xuật ảo thiếc, bán đủ loại vật liệu.

Tề Huyền Tố gật đầu rồi hỏi tiếp: “Có đào lửa không?”

Mặt Tiền Bảo khẽ giật, hắn cười gượng: “Cái này thì khách quan phải tự tìm thôi. Nếu ngươi rành giang hồ thì không có; nếu không rành thì có thể có, có thể không, tùy vào vận may; còn nếu không biết chút gì về giang hồ thì chắc chắn là có rồi.”

Tề Huyền Tố gật đầu: “Đa tạ, chúng ta tự đi xem được rồi.”

Tiền Bảo cúi đầu cáo lui, rồi quay lưng rời đi.

Lúc này Trương Nguyệt Lộc mới nhịn không được hỏi: “Vừa rồi huynh nói một loạt tiếng lóng, nghĩa là gì vậy?”

Tề Huyền Tố giải thích ngắn gọn: “Chúng ta đã trả hai đồng tiền Thái Bình để vào cửa, sau đó hắn nói Sơn Thị có bán thuốc, binh khí, súng ống, đạn dược, xem bói, xiếc ảo thuật, và nhiều loại vật liệu khác. Ta hỏi hắn có kẻ lừa đảo không, hắn đáp rằng nếu hiểu rõ quy tắc giang hồ thì sẽ không có; nếu hiểu biết lơ mơ thì có thể gặp hoặc không, tùy vận may; còn nếu không biết gì về giang hồ thì chắc chắn sẽ có kẻ lừa đảo.”

Trương Nguyệt Lộc cười: “Cũng thú vị đấy.”

Hai người vừa đi không xa đã thấy một gian hàng bán đồ cho nữ nhân, Trương Nguyệt Lộc không có hứng thú, trực tiếp đi tới gian hàng binh khí bên cạnh.

Bà chủ gian hàng gọi với theo Tề Huyền Tố: “Công tử không có ý trung nhân sao? Người xưa có câu ‘nữ vì duyệt kỷ giả dung’, công tử có thể mua chút son phấn hoặc trang sức tặng cho nàng, chắc chắn nàng sẽ rất thích. Dù không có ý trung nhân cũng có thể chuẩn bị trước cho bất kỳ lúc nào cần.”

Tề Huyền Tố có chút động lòng, cầm lấy một chiếc hoa điền từ trên quầy, nhìn về phía Trương Nguyệt Lộc đang ở không xa, hỏi: “Thanh Tiêu, cô thích hoa điền màu gì?”

Trương Nguyệt Lộc đang lật xem một Cửu Tiết Tiên, không thèm ngẩng đầu lên: “Ta thích nhất là thủ súng màu xanh.”

Tề Huyền Tố thoáng lúng túng, ho khẽ: “Thật ra ta cũng rất thích thủ súng màu xanh, có cảm giác như đồng xanh, vừa cổ kính vừa nặng nề, không như màu vàng lòe loẹt, có vẻ nhẹ nhàng và kiêu kỳ.”

Nói rồi, Tề Huyền Tố đặt chiếc hoa điền trở lại quầy hàng, lắc đầu với bà chủ gian hàng.

Trương Nguyệt Lộc đặt Cửu Tiết Tiên xuống, hỏi: “Có Cửu Tiết Tiên nào là linh vật không?”

Chủ quầy là một người đàn ông trung niên, cười nói: “Linh vật không phải hiếm, nhưng mười kiện linh vật chưa chắc có một kiện binh khí kỳ môn, e rằng tiểu thư sẽ phải thất vọng rồi.”

Trương Nguyệt Lộc không nói gì thêm, cùng Tề Huyền Tố tiếp tục đi sâu vào thị trấn.

Càng vào sâu người càng đông, và hàng hóa càng kỳ quặc.

Tề Huyền Tố nhìn thấy có người đang bán “Phỏng chế Cùng Kỳ huyết”, giá cao hơn nhiều so với giá mà Thất Nương đã báo, mà chỉ có một chai nhỏ, người bán cũng không rao giá, chỉ ngồi sau quầy, đợi người khác hỏi giá.

Trương Nguyệt Lộc tự nhiên cũng nhìn thấy, đôi mày khẽ cau lại, vì chỉ có Đạo môn mới có thể chế tạo “Phỏng chế Cùng Kỳ huyết”, nhưng tại một nơi như Sơn Thị lại có thể dễ dàng nhìn thấy thứ này, chứng tỏ rằng nội bộ Đạo môn đang có vấn đề lớn.

Tuy nhiên, Trương Nguyệt Lộc hiểu rằng vấn đề không nằm ở Sơn Thị, mà nằm ở nguồn gốc trong nội bộ Đạo môn, nên nàng nhanh chóng thu hồi ánh mắt, tiếp tục xem các gian hàng khác.

Hai người đã dạo quanh gần nửa canh giờ nhưng vẫn chưa tiêu tốn đồng Thái Bình nào, không phải là không có món đồ ưng ý mà vì những món đồ ưng ý thì quá đắt. Tề Huyền Tố đã nhìn trúng một khẩu “Thần Long Thủ Súng” còn mới đến tám phần, giá không đắt, chỉ sáu trăm đồng tiền Thái Bình, nhưng vì túi tiền hạn hẹp, hắn chỉ có thể nhìn mà thôi. Còn Trương Nguyệt Lộc cũng đã thích một thanh phi kiếm, nhưng giá lên đến một nghìn sáu trăm đồng tiền Thái Bình, nghe xong giá nàng liền quay lưng bước đi mà không nói một lời.

Có lẽ đây là lần đầu tiên Trương Nguyệt Lộc đến Sơn Thị, dù không thu hoạch được gì nhưng nàng vẫn rất phấn khởi.

Tề Huyền Tố không mệt nhưng cũng đã thấy chán. Đồ tốt thì có đấy, nhưng chỉ nhìn không thì có gì thú vị? Nên Tề Huyền Tố liền để Trương Nguyệt Lộc tự do dạo quanh một mình, còn hắn thì tìm một quán rượu, tiêu tốn một đồng nhỏ để gọi một ấm trà và một đĩa đậu hồi hương, ngồi chờ đợi.

Khi mặt trời đã ngả về phía tây, Trương Nguyệt Lộc mới đến tìm Tề Huyền Tố, nàng chủ yếu mua vài món đồ nhỏ, và tặng Tề Huyền Tố một món quà—một bộ phi đao đầy đủ, tổng cộng mười tám cây, có thể đeo trên thắt lưng hoặc tái sử dụng. Dù không phải linh vật, chỉ là vật phàm, nhưng độ sắc bén không thua gì cây “Hổ Tế Đao” mà Tề Huyền Tố từng sử dụng. Nếu Tề Huyền Tố dùng thuật “Ngự Kiếm” để phóng ra, lực sát thương còn vượt qua cả “Hàn Nha Nỏ” của Thanh Loan Vệ.

Tề Huyền Tố rất bất ngờ: “Sao cô lại nghĩ đến mua phi đao?”

Trương Nguyệt Lộc đáp: “Ta thấy huynh mang theo nhiều dùi sắt, chắc là dùng làm ám khí, nhưng những dùi sắt này cuối cùng cũng không phải là ám khí đúng nghĩa. Khi ta dạo qua gian hàng, tình cờ nhìn thấy bộ phi đao này nên tiện tay mua luôn.”

Tề Huyền Tố cảm động vô cùng, bản thân không kiên nhẫn cùng Trương Nguyệt Lộc dạo Sơn Thị, nhưng nàng vẫn nghĩ đến hắn, tính cả lần nàng mua áo choàng tặng hắn, đây đã là lần thứ hai.

Tề Huyền Tố từ nhỏ đã cô độc, sư phụ mất sớm, Thất Nương thì keo kiệt, Trương Nguyệt Lộc là người đầu tiên tặng hắn quà.

Càng thiếu thốn thì lại càng quý trọng, nói Tề Huyền Tố không để tâm đến điều này là giả dối.

Thấy Tề Huyền Tố nhìn mình chăm chú, Trương Nguyệt Lộc lại có chút ngượng ngùng, xua tay nói: “Chỉ là một bộ phi đao thôi, không đáng bao nhiêu tiền Thái Bình. Huynh không cần để tâm, coi như là quà đáp lễ vì huynh đã mua rượu cho ta.”

Tề Huyền Tố thu lại ánh nhìn, khẽ đáp một tiếng.

Bạn đang đọc Quá Hà Tốt ( Dịch ) của Mạc Vấn Giang Hồ
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi yy11230876
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.