Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Bách Việt : Thần, Tiên, Long, Phượng

Tiểu thuyết gốc · 2124 chữ

Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông biến hóa thành trăm hình vạn trạng yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi... làm cho bọn đi tìm đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về. Truyền ngôi đến đời Du Võng, thì Xuy Vưu làm loạn. Vua nước Hoa Hạ là Hiên Viên đem chư hầu tới đánh nhưng không được.

Xi Vưu mình thú mà nói tiếng người, có sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hiên Viên dùng trống da thú làm lệnh, Xi Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc. Đế Du Võng xâm lăng chư hầu, cùng Hiên Viên giao binh ở Phản Tuyền đánh ba trận đều bị thua, bị giáng phong ở đất lạc ấp rồi chết ở đó. Giòng họ Thần Nông tới đây thì hết.

Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc trứng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là triệu phi thường.

Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc vợ con thường muốn về đất Bắc. Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng: "Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này". Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói: "Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình".

Long Quân nói: "Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên Phượng, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ra. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên".

--------

"Thế nguồn gốc của mẹ Âu Cơ thì như thế nào, trẫm nghe có truyền thuyết nói bà là con gái của Đế Lai, có truyền thuyết thì nói bà là Thiếp của Đế Lai, cũng có truyền thuyết nói bà là Tiên nữ, chính xác là Phượng nữ trên trời hạ phàm. Vậy rốt cục đâu là sự thật?" Đinh Liễn thắc mắc với hai cụ Sơn Tinh và Thủy Tinh.

Cụ Sơn Tinh cười nói : "Truyền thuyết thì có nhiều đấy, phiên bản mẹ Âu Cơ là con gái vua Đế Lai thì các ngươi nghe rồi, giờ ta kể cho nghe một phiên bản khác rồi sau đó sẽ nói cho các ngươi về sự thật.

Truyền thuyết kể rằng: Âu Cơ vốn là một nàng tiên chuyên về trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải cho thiên cung. Nhân tiết đầu xuân du ngoạn, nàng lẫn vào mây xanh nhìn xuống hạ giới thấy bãi mía, nương dâu ngút ngàn. Hỏi ra mới biết là động Lăng Xương bên bờ sông Đà, cảnh vật dưới trần còn đẹp hơn tiên cảnh. Nàng bèn rời tiên cung bay xuống thưởng ngoạn…

Bất ngờ bên bờ sông, hiện ra một chàng trai tuấn tú, tướng mạo khác thường. Hai người chào hỏi nhau rồi chuyện trò vui vẻ xem ra rất tâm đầu ý hợp. Họ đi dạo bên bờ sông xanh, giữa nương dâu ngút mắt, từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, quên cả ăn cả uống. Người con trai có tướng mạo phi thường đó chính là Lạc Long Quân, vua của nước Văn Lang. Nhà vua đi tuần thú khai Xuân trông thấy tiên sa, mới dừng lại chờ đợi.

Khi đầu mày cuối mắt, Long Quân mới ngỏ lời cầu hôn nàng Âu Cơ. Nàng nói: “Chàng là giống Rồng, thiếp là nòi Tiên, thủy hỏa tương khắc, lấy nhau thế nào được!”. Long Quân liền nói: “Ta biết, thủy hỏa tương khắc đấy, nhưng âm dương vẫn hòa hợp. Tuy không được ở với nhau lâu dài nhưng duyên trời một khắc ấy là trăm năm…”. “Nếu sau một thời gian ngắn sống với chàng thiếp lại về trời… thế là được”, Âu Cơ ưng thuận.

Mẫu Âu Cơ dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, bắc cầu qua khe suối, đào giếng Loan, giếng Phượng lấy nước sạch ăn uống. Khi vùng đất Hiền Lương trở nên trù phú, các con đi khai khẩn những vùng đất mới, vượt qua mọi núi non hiểm trở để tạo dựng cơ nghiệp cho muôn đời, mẫu Âu Cơ mới quyết định bay về trời.

Vào lúc nửa đêm ngày 25 tháng Chạp, mưa to gió lớn mù mịt đất trời, Mẫu Âu Cơ đằng vân. Vì không muốn các con biết mình rời hạ giới, Mẫu vội vàng đến nỗi đánh rơi dải yếm, vướng vào ngọn đa cổ thụ cạnh giếng Loan, giếng Phượng. Sáng hôm sau trời quang, mây tạnh, dân Trang Hiền Lương không thấy Mẫu, mọi người lo lắng bổ đi tìm. Gần trưa có người nhìn lên ngọn đa thấy có dải yếm đào vắt ngang mới biết Mẫu đã về trời. "

Cụ Sơn Tinh từ tốn kể: "Thật ra, người đời có một sự nhầm lẫn. Họ cho rằng dòng máu của người Bách Việt là con rồng, cháu tiên tức Rồng là chỉ nhà nội Lạc Long Quân còn Tiên là chỉ nhà Ngoại tức mẹ Âu Cơ. Sự thật thì không phải là như thế."

"Vậy sự thật là như thế nào?" Đinh Liễn truy vấn, mọi người cũng vểnh tai lên nghe. Gì chứ liên quan đến các thể loại drama thì người Việt đã có sẵn từ trong Gen rồi. Mà drama của tổ tiên thì lại càng thích nghe hơn nữa.

"Cụ tổ Kinh Dương Vương là em trai cùng cha khác mẹ với ông của Âu Cơ, tức theo gia phả Âu Cơ phải gọi Lạc Long Quân là chú, bác. Mẹ của cụ tổ Kinh Dương Vương vốn là Tiên Nữ trên núi Vụ Tiên kết hôn với Vương của Thần Nông Thị nên trong dòng máu của mình Lạc Long Quân vốn đã có Tiên.

Sau Kinh Dương Vương Hùng Lộc Tục lấy Thần Long Nữ ở Động Đình Hồ sinh ra Hùng Sùng Lãm hay còn gọi là Lạc Long Quân. Cho nên Lạc Long Quân trong mình đã có sẵn dòng máu của Rồng và của Tiên rồi, chứ không đợi đến khi lấy mẹ Âu Cơ mới có. Con rồng là con Lạc Long Quân, cháu Tiên là cháu nội Kinh Dương Vương hay chắt nội của nàng Vụ Tiên .

Còn mẹ Âu Cơ vốn có bản thể là Phượng Hoàng Lửa hay loài Tiên Phượng, sống cùng một không gian với Thần Long mà ta hay gọi nôm na là cõi Tiên, nàng đánh nhau với nhóm Hung Thú nên bị thương phải giải thể hạ phàm chạy trốn. Chân linh Tiên Phượng đã đầu thai vào làm con gái cưng của Vương Đế Lai nước Xích Thần.

Sau này, khi Lạc Long Quân gặp và lấy Âu Cơ sinh ra tộc Bách Việt thì dòng máu của người Bách Việt thêm luôn máu của Phượng Hoàng. Như Vậy có thể nói người Bách Việt mang theo 4 dòng máu lớn: Thần Nông, Tiên, Long, Phượng".

"Như vậy, mỗi khi vào ngày cưới, người ta thường hay treo hình long, phượng cũng tức là muốn tưởng nhớ tới mối lương duyên giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ?"

" Đúng thế, sau khi các cụ chiến tranh lạnh với nhau rồi sau đó ly hôn chia con, chia của, ai về nhà nấy, nhưng con cháu vẫn muốn hàn gắn lại tình cảm nên trong ngày cưới xin thường vẽ hình Rồng tức bản thể của Lạc Long Quân và vẽ hình Phượng tức bản thể mẹ Âu Cơ để gửi gắm thông điệp hòa bình đến các cụ. Mong muốn của con cháu là vẫn muốn các cụ trở về hòa hợp như xưa"

" Thì ra là thế, vậy mà con cháu đời sau lại cứ lầm tưởng rồng phượng là văn hóa của Trung Quốc. Trong thần thoại của Trung Quốc tuy có rồng và phượng nhưng tuyệt không có chuyện hai con này lấy nhau hoặc ngủ với nhau. Chỉ có truyền thuyết của người Việt mới đề cập tới và coi mình là hậu duệ của hai giống loài linh thiêng này" Đinh Liễn nghĩ thầm.

" Vậy câu chuyện mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng thì có thật hay đấy chỉ là hư cấu ?"

" Ngươi nghĩ xem rồng vốn đẻ ra trứng, phượng cũng đẻ ra trứng, vậy rồng phượng kết hợp đẻ ra trứng thì có gì lạ. Chỉ là số lượng có vẻ hơi nhiều ...một chút thôi. Ngươi thấy đó, có rất nhiều loài đẻ ra không chỉ một trứng mà để ra cùng lúc hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu quả trứng một lúc, có phải hay không?" Cụ Sơn Tinh trừng mắt nhìn Đinh Liễn nói. Mọi người gật gù đồng ý, ví như con cá con cua kìa, mỗi lần đẻ là cả trăm ngàn con ấy chứ. Mẹ Âu Cơ đẻ ra 100 trứng đã là ít lắm rồi.

Đinh Liễn lắc đầu: " Trẫm không đồng ý với giả thuyết đó. Giả thuyết đẻ ra bọc trăm trứng đối với người là không thể, đối với các sinh vật thuộc họ bò sát và gia cầm cũng không thể nhiều như vậy. Điều này trái với các học thuyết tiến hóa.

Càng là sinh vật yếu đuối thì sức sinh sản càng mạnh nhưng đồng thời tuổi thọ càng ngắn ngủi. Càng là loài cao cấp trong chuỗi thức ăn thì việc sinh nở càng khó khăn. Loài rồng và loài phượng vốn là tứ linh, cao quý vô cùng nên việc sinh nở ra một đến hai trứng cũng đã là quá sức. Trẫm nói có đúng không hai cụ?"

Cụ Sơn Tinh tủm tỉm cười hỏi: "Ngươi có vẻ biết cũng nhiều đấy, ta sẽ giải đáp cho ngươi biết nghi vấn tại sao mẹ Âu Cơ lại có thể đẻ ra một bọc 100 trứng, nhưng trước hết, ngươi hãy cho ta biết ngươi hiểu thế nào về loài rồng và loài phượng?".

Đinh Liễn vội lắc đầu: "Trẫm là người phàm làm sao biết rõ chuyện thần tiên, chẳng qua có nghe vài truyền thuyết kết hợp với các suy đoán cá nhân mà đặt ra nghi vấn mà thôi. Chỉ có các bậc thần tiên như hai ngài lại sống lâu ngàn vạn tuổi mới gọi lại trí huệ. Nếu các cụ có thể giải thích cho con cháu nghe thì Trẫm đây vinh hạnh không ai bằng. Sau này, những kiến thức như vậy, sẽ được trẫm cho ghi chép lại để thế nhân biết mà kính sợ, tôn trọng tiền nhân".

"Được, nếu ngươi muốn nghe thì hai lão già chúng ta sẽ giải đáp cho các ngươi truyền thuyết về hai loại chân linh Long Phượng trong vũ trụ. Đầu tiên nói về truyền thuyết loài rồng"

Thế giới long tộc chia thành 3 cảnh giới sinh mệnh cao thấp khác nhau: Phàm long, Thiên long và Thần long.

Phàm long là rồng thuộc cảnh giới tầng con người. Phàm long là vương của các loài sinh vật sống dưới nước. Nó sinh sống chủ yếu tại các sông, hồ, biển thuộc vùng đất người phương Đông.

Thiên long là rồng tại các tầng trời trong các không gian khác nhau thuộc tam giới. Nhiệm vụ của Thiên long là hộ pháp và làm mưa.

Còn Thần long ở cảnh giới cao hơn bên ngoài tam giới. Nó sinh sống trong các thế giới thiên quốc của người phương Đông. Thần long là cảnh giới tối cao trong long tộc. Mẫu thân của tổ tiên Lạc Long Quân chính là Thần Long Nữ, có động phủ ở Động Đình Hồ, phạm vi ảnh hưởng là khắp hai quốc gia Xích Thần và Xích Quỷ.

-------------

Bạn đang đọc Khí Vận Quốc Gia sáng tác bởi kimbang
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimbang
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 4
Lượt đọc 45

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.