Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Thực Lực Của Người Champa

Tiểu thuyết gốc · 2048 chữ

“Ta không biết, trong bụng ông ta nghĩ gì người như ta sao có thể đoán được. Con cũng biết việc xuất hành bình thường vốn đã phải chuẩn bị khá lâu dài. Còn đằng này là xuất hành mấy vạn người, là một cuộc chiến tranh giữa quốc gia và quốc gia, đâu phải trò đùa? Nếu không có đủ lợi ích làm động lực thì chắc chắn ông ta sẽ xuất quân.

Theo như thông tin tình báo của ta thì hiện tại ông ta đang lâm vào một cuộc nội chiến với các thế lực thổ cựu. Tuy mới yên ổn nhưng chưa dứt điểm, các cuộc nổi loạn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Mâu thuẫn căng như thế, ông ta còn dám xuất quân ư? Mà cho dù xuất quân thì lợi ích là gì? Chẳng nhẽ khơi khơi là vì trả thù cho một người anh kết nghĩa ư?

Ngay cả cha ruột của ông ta, ông ta cũng dám giết. Ngay cả các anh em của ông ta cũng không ai chạy thoát. Ông ta tắm máu các cuộc khởi nghĩa như thế chứng tỏ nội tâm của ông ta rất độc ác và táo bạo. Người như vậy thường đặt lợi ích của bản thân lên trên hết, nên muốn đả động ông ta không phải là đơn giản.

Vương quốc Champa vốn thuôn dài, đồng bằng nhỏ hẹp, hai đầu đất nước là hai đồng bằng lớn màu mỡ, ông ta cũng rất muốn chiếm lấy một trong hai nhưng lại khó giữ được thành quả. Vì thế, khi tấn công cũng chỉ có cướp bóc đốt phá rồi rút lui chứ chiếm đóng lâu dài thì không thể nào”.

“Nghĩa phụ, người nhiều năm phòng thủ biên giới giữa hai nước chắc chắn nguời hiểu vương quốc Champa rất nhiều. Người có thể nói cho con tất cả thông tin tình báo mà người biết được không? Con muốn xem bản thân mình có cách nào có thể đứng vững gót chân ở đây hay không?”

“Được thôi, con trai, chúng ta vừa đi vừa nói. Ta sẽ nói tất cả mọi thứ cho con biết, ta cũng sẽ đồng hành cùng con sau này”. Lưu Hoàng bắt đầu kể

“Người Chăm có mặt ở mảnh đất này khoảng bảy tám trăm năm trước. Họ dựng nước ở đây cũng chỉ có mấy trăm năm nay. Mảnh đất này dài theo hướng Bắc – Nam, hẹp theo hướng Đông – Tây. Phía Đông hoàn toàn là biển Rộng, phía Tây thì bị án ngữ bởi dãy núi Hoành sơn (dãy Trường Sơn). Dãy núi này vừa là lá chắn thiên nhiên giúp họ ngăn chặn sự tiến công của Đế quốc Khơ Me khi yếu đuối nhưng đồng thời cũng ngăn cản bọn họ xâm lấn sâu vào đất liền theo hướng Tây.

Vì thế, người Khơ Me phát triển nhiều về phía Đông tức làm nghề biển. Tuy nhiên, không phải nghề buôn bán như chúng ta hay nghĩ mà là nghề cướp biển, nghề thu thuế qua lại giữa các thương nhân phía Nam và thương nhân đến từ phía Bắc. Nói chung, trên biển họ chính là bá chủ. Người Việt ta tuy mạnh về Thủy quân nhưng chủ yếu là thủy quân trong nội bộ tức là đường sông, chứ thủy quân trên biển, nói thật, chúng ta không bằng.

Từ dãy núi lớn chạy theo hướng Nam Bắc đã sinh ra rất nhiều dãy núi và con sông nhỏ chạy theo hướng Tây Đông ra biển giống như một con rết vậy. Nước sông nhỏ, hẹp, chảy rất siết nên đất phù sa không giữ lại để bồi đắp đất đai mà chạy thẳng ra biển Đông. Địa hình này khiến vương quốc này bị chia cắt ra thành nhiều phần, đồng bằng không nhiều lắm, các bãi cát trải dài khắp nơi.

Để bù đắp việc thiếu đất đai canh tác, người Chăm đã phát triển ra được giống lúa chiêm, ngắn ngày có sản lượng cao, một năm ba vụ thay vì hai vụ như người Việt chúng ta. Đặc biệt lúa được trồng không chỉ ở ruộng bậc thấp, mà có cả hình thức canh tác bằng ruộng bậc thang với hệ thống thủy lợi đa dạng. Hệ thống thủy lợi được chia làm hai loại, một là các kênh dài vài trăm mét gọi là thủy lợi quốc gia, hai các đường nước nước cạn và nhỏ dẫn vào ruộng gọi là thủy lợi địa phương.

Ở Champa cũng giống như nước chúng ta, kinh tế tiểu nông là nền tảng, là nông nghiệp gia đình chủ yếu mang tính tự cung tự cấp. Để đảm bảo đời sống, người dân Champa với truyền thống từ xưa, nay họ cũng tự trồng rau, chăn nuôi gia súc.

Để phục vụ cuộc sống cũng như là sản xuất, nghề thủ công của người Chăm rất phát triển. Các nghề truyền thống và nghề có nhu cầu đặc biệt được chú trọng hơn. Thứ nhất, trong nghề dệt người ta đã biết trồng bông, đay, và việc se sợi hay nhuộm màu đã rất phổ biến. Đều đặc biệt trong khi se vải, người Chăm không dùng dọi se bằng gỗ mặc dù nguyên liệu đó là không thiếu, thay vào đó là những dọi bằng gốm.

Tuy nhiên nghề làm gốm của người Champa lại không đặc sắc như người Việt hay người Tống, họ chủ yếu họ sản xuất ra các vật dụng để đựng dùng trong sinh hoạt hằng ngày mà thôi. Người Champa đã biết sản xuất gạch với kĩ thuật nung rất tốt hơn hẳn người Việt. Trong khi chúng ta chủ yếu ở nhà tranh vách đất thì hầu hết nhà và cung điện của họ đều là gỗ và gạch.

Người Champa còn có nghề làm đồ trang sức và vũ khí. Trang sức chủ yếu kết từ sản vật biển như ngọc trai, vỏ sò, và ngoài ra còn có vàng, bạc, mục đích là phục vụ vua chúa, thần linh.

Ngược lại với việc ít đồng bằng màu mỡ thì các cánh rừng lại bạt ngàn. Rất nhiều đặc sản của người Chăm rất được các thương nhân yêu thích như trầm hương, ngà voi, mật ong, tổ yến, gỗ quý. Đây là hàng hóa chủ yếu để người Chăm tận thu vàng, bạc khi giao thương”.

Lưu Kỳ Tông rất chăm chú lắng nghe, bởi hắn biết nơi đây sẽ là quê hương mới của hắn. Việc hiểu rõ tình hình là rất cần thiết, vì vậy hắn lại hỏi Lưu Hoàng: “Như vậy, diện tích lãnh thổ của Vương quốc Champa cũng gấp ba, bốn lần nước ta, nông nghiệp, nghề thủ công cũng rất phát triển, dân cư của họ chăc cũng nhiều chứ nghĩa phụ?”

Lưu Hoàng cũng từ tốn nói: “Ta không biết chính xác vì không có ai đi thống kê cả nhưng ta ước tính số dân xũng phải ít nhất gấp hai lần nước ta tức khoảng năm đến sáu triệu dân. Xã hội người Champa không phân chia thành bốn giai cấp Sĩ, nông, công thương như người Việt mà phân chia làm ba giai cấp: Quý tộc, nông dân và nô lệ.

Quý tộc là tầng lớp tu sĩ, vua quan. Nông dân là giai cấp đông nhất và cuối cùng là tầng lớp nô lệ. Nô lệ ở đây đặc biệt nhiều do người Chăm nhiều lần đi chinh phạt người Khơ me và người Việt chúng ta. Nô lệ thậm chí còn bị hiến tế trong các nghi lễ tôn giáo. Chế độ này được tầng lớp quý tộc bảo vệ và hợp pháp. Chúng ta đến đây ở với họ phải cẩn thận rất nhiều.

Người Champa cũng giống như người Khơ me, họ bị ảnh hưởng mạnh mẽ của Hindu giáo, uy quyền của Vương đồng nhất với thần còn hơn hẳn Hoàng Đế nước ta hay Đại Tống tự gọi mình là Thiên Tử vậy. Ngay trong cái tên của các vị vua cũng mang đặc điểm đó. Như trong tên vua thường có chữ Sri, tức là đấng tối cao.

Trong chính quyền đã phân ra làm 2 cấp, trung ương và địa phương. Có ba cấp quan được phân rõ ràng: tôn quan là những người có chức cao, đứng đầu quan võ; thuộc quan; ngoại quan là những người cai trị ở địa phương.

Quân đội của họ khoảng chừng 15 đến 30 vạn, riêng đội quân thường trực vây quanh Kinh Đô lên tới 4 – 5 vạn người. Trong khi nước ta chỉ có Thiên Tử quân là khoảng 5000 người còn quân địa phương cũng chỉ có 3 vạn. Nói vậy là để biết Vương quốc này mạnh hơn nước ta quá nhiều. Họ phải có số lượng quân đội lớn như vậy là để phòng thủ dải đất quá dài của mình nhưng cũng minh chứng đất nước của họ rất giàu có.

Nói về quân đội, lúc này Champa có hẳn ba loại là bộ binh được trang bị cung, nỏ, kích, toản (giống với nỏ); kỵ binh và tượng binh với số lượng khá đông từ 400 – 1000 quân. Và tất cả chia làm hai loại, tiền binh và hậu binh”.

“Vậy nếu hai nước giao chiến thì theo Nghĩa phụ sẽ có kết quả thế nào?” Lưu Kỳ Tông gặng hỏi

Lưu Hoàng biết Lưu Kỳ Tông chưa hết hy vọng nhờ quân Chiêm đánh lên phía bắc để trả thù nhưng cũng rất thành thực trả lời. “Nếu đánh nhau trên biển, nước ta sẽ thua. Nếu đánh trong sông nội địa, chúng ta có thể thắng. Nếu đánh nhau trên bộ thì người Việt chúng ta không sợ họ”.

Lưu Hoàng thở dài, hắn tuy đi theo Lê Long Thâu bỏ chạy lưu vong nhưng thật tâm hắn không muốn quân Chiêm vì thế mà xâm chiếm đất nước. Lê Hoàn làm chính biến cướp ngôi vốn đã là một sai lầm không có đạo lý. Nay thất bại thì việc bị trừng phạt âu cũng là lẽ công bằng. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là câu chuyện nội bộ của người Việt với nhau, dù ai thắng ai thua thì cũng vẫn chỉ là anh em trong nhà mâu thuẫn. Nay Lê Long Thâu, nhờ vả vua Chăm xâm chiếm Đại Cồ Việt thì câu chuyện lại trở nên khác biệt. Đây không còn là câu chuyện anh em lục đục nội bộ nữa mà chuyển sang câu chuyện rước voi về giày xéo mả tổ, là cõng rắn cắn gà nhà. Thắng thua chưa biết nhưng tiếng xấu muôn đời phỉ nhổ.

Hắn quả thật không muốn trận chiến này xảy ra. Với Lê Long Thâu, nhà cũng đã mất, người thân cũng không còn thì còn nói chi đến chuyện giữ gìn quốc gia hay thể diện. Điều đó có ý nghĩa chăng? Trong tâm trí của nhóc con này ngoài trả thù thì cũng là trả thù. Hắn kể ra câu chuyện về con hổ ngoài mục đích khuyên răn Lê Long Thâu không nên ảo tưởng người khác không công giúp đỡ thì cũng muốn ngăn chặn chuyện mượn thế lực bên ngoài.

Lưu Kỳ Tông nghe vậy thì mắt sáng lên. Hắn thật sự hy vọng vua Chăm sẽ vì hắn mà cất quân đi đánh triều Đinh dù hắn biết điều này rất xa vời. Có lẽ, thù nhà phải tự mình báo. Hắn phải nhanh chóng đứng vững chân nơi đây, chiêu binh mãi mã để có ngày chính tay mang quân về phá tan Hoa Lư, đâm chết Đinh Liễn. Cha hắn binh biến là không có sai, một kiêu hùng như thế xứng đáng làm Hoàng Đế của Đại Cồ Việt.

Xưa nay, người mạnh làm Vương, kẻ có tài thì vấn đỉnh chí tôn. Hắn sẽ thay cha hắn thực hiện ước vọng này. Nghĩ vậy, Lê Long Thâu hai mắt hừng hực đốm lửa, hai bàn tay nắm chặt lấy nhau. Lưu Hoàng liếc thấy mà thầm thở dài.

------

Bạn đang đọc Khí Vận Quốc Gia sáng tác bởi kimbang
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimbang
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 7
Lượt đọc 60

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.