Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Tiểu thuyết gốc · 2516 chữ

- Cò ơi!

Tiếng bà cụ Hoè gọi thằng cháu vang khắp xóm, tất nhiên chả bao giờ có thể gọi được một đứa con nít nếu chỉ gọi nó một lần, ấy thế nên bà lại ra tận giữa sân đưa hai tay lên miệng hướng thẳng ngoài cổng nhà mình rồi cố gọi lớn hơn nữa:

- Cò ơi, bớ Cò.

Nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Quái lạ thật, vừa thấy nó đây mà lại chạy biến đi đâu mất rồi, thằng trời đánh, ngày nào cũng phải đi gọi nó dù rằng bà đã dặn nó bao nhiêu lần là phải ở nhà chơi với em cho bà để bà còn đi nấu cơm với chăm cho đàn gà. Bực mình, bà nhổ miếng trầu đang nhai dở trong miệng xuống đất nhưng vô ý làm loang cả một vệt nước trầu ra bên mép, lấy hai ngón tay quệt vệt nước trầu đó đi bà vòng ra đống củi bên hè rút một que làm roi sau đó lăm lăm trong tay mở cổng tre đi hẳn ra đường tìm, miệng vẫn không ngừng gọi:

- Cò ơi! Mày có về… ăn cơm không thì bảo…. để mà tao tìm tới tận nơi… thì liệu hồn…

Tiếng của bà trở nên ngắt quãng bởi quay hết bên này ngó sang bên nọ và như thế thì bà phải cố nheo cặp mắt già nua của mình để xem có thấy thằng cháu trốn ở đâu không.. Mãi một lúc sau mới nghe thấy tiếng “Dạ” của nó vọng lên từ phía bãi chợ

- Mang cái dạ về đây.

Bà cụ hét lên không đến nỗi giận dữ nhưng đủ lớn để khiến buổi trưa mùa hè êm ả của cả cái vùng trung du miền núi này trở nên xáo động. Ngay lập tức thằng Cò trèo tót qua tường nhảy từ trong khu chợ ra, chiếc quần đùi nhăn nhúm như lò xo của nó loang lổ đất và hai tay đen xì bám toàn bùn, nó vừa cười toe toét với bà vừa chạy thoắt về nhà trước khi để bà bắt kịp. Có vẻ hình như những lời đe dọa không mấy thân thiện của bà đã quá quen thuộc với nó nên thay vì sợ sệt trước uy quyền của bà nó lại chỉ xem như đây là những câu nói nhẹ nhàng đầy yêu thương.

Và quả đúng vậy thật, sau khi về nhà bà chỉ quở trách qua loa nó vài tiếng, giáo dục lại cho nó thế nào là phụ giúp ông bà cha mẹ và bắt nó đi rửa ráy sạch sẽ tay chân để vào ăn cơm nếu không muốn thay vì phải ăn một trận đòn vào người. Nói vậy thôi chứ có bao giờ bà đánh nó được một trận đòn nên hồn đâu, cái roi trong tay bà như vật trang trí vậy, bà cầm nó cho nó giống một người bà nghiêm khắc thôi chứ lần nào lôi ra xong rồi bà chả lại quẳng về chỗ cũ, chấm dứt một vòng tuần hoàn mà gần như ngày nào cũng lặp đi lặp lại. Quỷ tha ma bắt, làm sao mà một bà già mang trái tim nhân hậu như bà có thể nỡ ra tay đánh đòn một đứa trẻ trong khi đứa trẻ đó còn là cháu mình nữa cơ chứ, với bà một đứa trẻ là một cái gì đó mỏng manh nhỏ bé quá chừng và trừng trị một một đứa trẻ như thế thì quả thật là một công việc quá sức với một người như bà dù bà biết rằng nếu cứ nuông chiều dễ dãi quá với nó thế này thì hẳn sẽ làm hỏng thằng bé mất. Nhưng biết làm sao được khi mỗi lần đưa cái roi lên thôi thì lương tâm bà đã cắn rứt và sự xót thương sâu thẳm bên trong con người bà lại lập tức trỗi dậy, có bề trên chứng giám điều đó thật khó khăn làm sao. Mà hỡi ôi có bao giờ thằng cháu trời đánh của bà để yên cho bà được trừng phạt nó một lần đâu, bằng cách này hay cách khác nó vẫn luôn biết tránh né mọi trận đòn mười mươi hoặc thậm chí làm bà phải phì cười trong mọi hoàn cảnh kể cả khi bà đang cố tạo tình huống căng thẳng nhất để dạy dỗ nó. Đó là điểm yếu cố hữu của bà, bà biết rõ điều đó và oái oăm thay cháu của bà nó cũng biết điều đó… Vậy nên hết lần này đến lần khác bà đành phải bỏ qua cho nó và gác cái nhiệm vụ khó khăn này lại cho mẹ nó và thầm mong sao mẹ nó không dễ mềm lòng như bà…

Thằng Cò thì đâu có hiểu nỗi khổ tâm ấy của lòng bà, có lẽ hôm nay nó lại có một buổi đi chơi ra trò với đám bạn của mình, thêm cả việc thoát được khỏi trận đòn vừa rồi nữa khiến nó vui ra mặt, cứ nhìn cái độ hớn hở cùng nụ cười đắc ý trên môi của nó thì biết. Nó kéo gầu nước trong giếng lên rửa tay, vừa cố tình hát thật lớn “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm…tóc bà trắng bà trắng như mây…” để nịnh bà mình vừa rõi mắt dò theo một con ong bầu đang vo ve trên giàn mướp xem nó làm tổ ở đâu. Phải cho tới khi bà nó quát lớn một lần nữa thì nó mới vội vã lau hai cái tay ướt của mình vào gấu áo rồi chạy vào.

Bà ở cùng với nhà Cò, gần như ở quê nhà nào cũng có nuôi thêm ông bà, có thể chỉ mình ông, có thể mình bà hoặc có thể là cả ông lẫn bà, nhưng nhìn chung nhà nào cũng có thêm ông bà. Nhà Cò thì chỉ có mỗi bà, ông nó chưa gặp bao giờ, nó chỉ thấy ông thông qua một bức ảnh đặt trên bàn thờ… Bố nó theo người ta đi làm ăn xa tận đâu trong mãi Sài Gòn còn mẹ thì ngày nào cũng cắm mặt vào đồng ruộng, hôm thì làm ruộng nhà mình khi lại nhận ruộng nhà người ta kiếm thêm tiền trang trải nuôi hai đứa, thành thử gần như trưa nào cũng thế chỉ có mấy bà cháu ăn cơm ở nhà. Ngoài bà, bố mẹ và nó ra nhà còn có cái Tũn em gái của nó. Tũn kém nó 2 tuổi, hết hè này nó lên lớp 3, được Cò đánh giá là tập hợp đầy đủ phẩm chất của một đứa con gái phiền phức mà nó ghét nhất… mè nheo, hớt lẻo, mít ướt, đành hanh, nói nhiều và lại còn học giỏi hơn Cò nữa… Chả hiểu sao nó lại được phép học giỏi hơn anh của mình nhưng đó là cái lý do mà nó dễ ghét nhất (bởi vì thế nên nó được cả nhà cưng hơn Cò)… Thực ra đôi khi để ý kỹ thì Cái Tũn cũng khá là xinh xắn đáng yêu và có chút xíu xíu xíu xíu dễ mến, thế nhưng những ưu điểm bé tí tị đó hoàn toàn không đủ để thay đổi được quan điểm của Cò rằng con em gái mình là một đứa chả ra gì và việc chiều chuộng nó quá đà là một sai lầm của người lớn trong ngôi nhà này dành cho nó…

Đấy chả đâu xa xôi ngay trong chính bữa cơm thôi con bé cũng có thể để lộ được sự xấu tính của mình trước Cò. Khi mà Cò định với đũa gắp một miếng thịt nạc trên bát thịt thì con Tũn cũng đưa đũa đến, Cò chỉ mới kịp ngước mắt lên nhìn nó thôi thì nó đã oang oang cái mồm lên:

- Miếng này của em.

Cò cự nự:

- Sao lại là của mày, tao đặt đũa xuống trước mà.

- Nhưng mà em định gắp nó trước.

- Định gắp nó trước? Định gắp nó trước thì kệ mày. Đâu ra cái lí lẽ định trước thì là của mày thế hả? Lấy miếng kia đi tao miếng này rồi

- Không thích, em thích miếng này, miếng kia anh đi mà lấy.

- Tao bảo là của tao.

- Của em.

- Của tao.

- Của em…

Hai đứa im lặng lườm nhau một lúc, cả hai đôi đũa vẫn đè chặt lên trên miếng thịt không đôi nào nhường đôi nào. Bà nó ngồi bên không chịu được nữa bỏ bát cơm đang ăn xuống dùng cái quạt muồng phát nhẹ vào người thằng Cò một cái rồi quát:

- Mày có nhường em không thì bảo

Thằng Cò hậm hực quay sang hỏi bà, đũa vẫn đè chặt miếng thịt chưa buông vì chưa thể chấp nhận việc để nó tuột khỏi tay mình dễ dàng như vậy:

- Sao lại là cháu? rõ ràng cháu gắp trước mà

Bà bảo:

- Vì mày là anh, mày không nhường nó được một lần à? cha sư bố hai đứa mày mỗi miếng thịt cũng giành nhau

Thằng Cò càng trở nên hậm hực

- Một lần? Lần nào chả bắt cháu phải nhường nó mà một lần

Bà trợn mắt lên nạt:

- Thì thêm một lần nữa mày chết à? Gắp sang miếng kia đi

- Bà với bố mẹ lúc nào cũng bênh nó, bất công, vô lý… Bà nói thật đi cháu không phải là con ruột trong nhà này đúng không?

Bà Hoè hơi chột dạ, bên trong có chút gì đó áy náy cùng thương cảm gợn lên không phải do nó không phải là con ruột như nó nói mà vì có nhẽ bà cũng đã hơi thiếu công bằng với thằng cháu thật, nhưng mọi thứ nhanh chóng bị tắt ngúm trước quan điểm định nghĩa dạy dỗ cháu trai về trách nhiệm, nhường nhịn cùng sự chia sẻ của mình. Bà quát:

- Mày có im mồm đi và nhường em không? Hay là để bà phát thêm cho cái nữa?

Thằng Cò ấm ức buông đôi đũa ra khỏi miếng thịt mắt long lên nhìn cái Tũn một cách đầy thù hận. Đương nhiên trên cương vị của kẻ chiến thắng cái Tũn cũng chẳng kiêng nể gì mà lè lưỡi chế giễu trêu tức lại anh mình, và thủng thủng ăn miếng thịt một cách chậm dãi đầy ngứa mắt. Điều đó lại càng làm Cò thêm phẫn nộ và nghĩ thầm trong bụng “Được rồi, cứ hả hê đi, để rồi xem, sẽ có một ngày tao sẽ trả mối thù này, lúc ấy thì đừng có mà khóc lóc cầu xin đấy…”

Nó ôm cơn bực tức đó cho đến khi lên võng nằm ngủ trưa, à không, làm gì có đứa trẻ nông thôn nào mà lại tình nguyện đi ngủ trưa cơ chứ bởi điều đó là phi logic, là bất thường, nhưng nhìn chung nó ôm cục tức đó lên võng nằm vào giờ bà nó bắt nó phải đi ngủ trưa. Cơn hờn dỗi khiến nó càng ngày càng khẳng định chắc chắn hơn về suy đoán của mình. Đúng rồi, cả cái nhà này làm gì có ai yêu nó đâu chứ, bố bênh cái Tũn, mẹ bênh cái Tũn, rồi bà cũng bênh cái Tũn chắc chắn nó là con rơi con rớt ở đâu được nhặt về rồi chứ ai lại đi đối xử với con đẻ cháu ruột của mình tệ bạc như thế này…

Hay là thôi mình bỏ nhà đi quách cho rồi, lang thang một cuộc đời tự do tự tại, quên hết những nỗi buồn sầu này mà phiêu bạt bốn phương lấy trời làm nhà, lấy đất làm giường, tiếu ngạo giang hồ làm một tay kiếm khách lãng du bảo vệ lẽ phải và những kẻ yếu thế như nó trên đời… Đúng rồi nó sẽ làm một anh hùng trượng nghĩa sử dụng lưỡi gươm nhuốm máu kẻ thù của mình để thực thi công lý, nó sẽ lên núi tìm thầy học đạo, hay sẽ cạo đầu thành một đồ đệ của phái Thiếu Lâm, đầu chấm 9 nốt, thân khoác cà sa, tay lần tràng hạt, ngày ngày tu luyện võ công trên non cao, đêm về xếp bằng thiền định dưới tượng Phật đợi đến một ngày thành tài xuất núi hành hiệp trượng nghĩa đánh tan quân cường hào ác bá, cứu giúp kẻ yếu thế nghèo hèn… Tiếng tăm của nó sẽ vang xa khắp bốn phương khiến muôn kẻ thủ ác nhác thấy thôi đã hồn bay phách lạc, người đời nghe danh thôi đều nức nở trầm trồ. Để rồi một ngày kia nó sẽ trễm trệ về làng, hiên ngang cưỡi trên con Xích Thố oai nghiêm bước đi giữa đường lớn, nón cói che kín nửa mặt, áo chùm bay phấp phơ trong gió và đôi mắt sắc lẹm tựa thanh kiếm đeo ngang hông, nhuệ khí anh hùng sáng loà cả một vùng trời… “Kìa, Hiệp khách lãng du núi Côn Lôn đó, người mang trên mình thanh gươm công lý, kẻ bảo vệ lẽ phải và công bằng cho muôn dân bá tánh” người ta sẽ thì thào tai nhau mà khen nức nở… (Các độc giả xin lưu ý rằng những hình ảnh của cậu bé đang tưởng tượng đây hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi phim kiếm hiệp Tàu đang nở rộ trên tivi những năm đó nên xin phép hãy để cho cậu bé của chúng ta được thỏa thê trong những địa danh mà chính cậu cũng chả biết nó là ở đâu đó nhé…) Trước bao sự trầm trồ cùng ngưỡng mộ đó, cái Tũn, Bà cũng như bố mẹ sẽ đều khóc như mưa vì hối hận đã đối xử với nó tệ bạc như thế nào. Lúc đó nó sẽ tiến lại gần, hiền từ mỉm cười dùng sự khoan dung vị tha của mình và thứ tha, mà bỏ qua cho tất cả. Phải vậy chứ một người anh hùng phải có lòng rộng lượng với mọi lỗi lầm của người khác thì mới xứng đáng được gọi là anh hùng, chả phải trong phim đều nói thế sao… khi ấy cả nhà sẽ ôm dưới chân nó mà khóc nức nở, mà càng ngưỡng mộ hơn trước sự vĩ đại của con cháu mình… Quả là một kết thúc viên mãn đầy tráng lệ…

Cứ thế nó hả hê đắm chìm trong suy nghĩ của mình như đang được sống trong mọi thứ nó vẽ ra vậy, sung sướng tới mức quên mất mọi thứ chỉ là trong tưởng tượng mà cười đắc thắng bật thành tiếng, phải cho đến khi bà nó ngáy lên một tiếng “Khậc khậc” nơi giường thật to thì nó mới giật mình trở về hiện tại…

Bạn đang đọc Trên Những Ngọn Thông Reo sáng tác bởi CuongLightning
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi CuongLightning
Thời gian
Lượt đọc 1

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.