Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Trăng sáng soi đỉnh Thiên Sơn

Phiên bản Dịch · 2902 chữ

Anh Hùng Chí

Tác giả: Tôn Hiểu

Quyển V: Hành trình sang Tây

Chương 8: Trăng sáng soi đỉnh Thiên Sơn

Hồi 2

Người dịch:nguoibantot8

Biên dịch:: Yến Linh Điêu

Chỉ thấy La Ma Thập chậm rãi vươn ngón tay điểm một chỉ về phía Lư Vân. Chiêu thức bình thường mà không có lực đạo. Lư Vân không rõ đối phương muốn làm gì, liền giơ loan đao chém thẳng vào ngón tay lão. Nào ngờ La Ma Thập lại khẽ cong ngón tay búng nhẹ vào thân đao.

Một tiếng xoảng vang lên, thanh loan đao đột ngột vỡ thành từng mảnh, tiếp đó là một luồng âm kình kỳ dị truyền qua tay khiến Lư Vân thầm kinh ngạc. Hắn từng so chiêu với đám người Trác Lăng Chiêu, An Đạo Kinh nhưng chưa từng gặp qua luồng âm kình quái dị thế này. Liền vận chân khí, nội lực phát ra từ lòng bàn tay muốn hóa giải, ai ngờ âm kình kia tuy mỏng manh nhưng lại ngưng tụ sắc nhọn như kim châm. Lư Vân liên tục dùng lực nhưng không hóa giải nổi. Bàn tay hắn chợt nhói đau, âm kình nọ đã xuyên qua tay, mạnh mẽ chui vào trong cơ thể.

La Ma Thập thấy thì thở dài:

- Thí chủ thực quá sai lầm, không ngờ dám trực tiếp đón đỡ “U Minh huyền khí” của bổn tọa. Ta không có ý giết người nhưng người lại bởi ta mà chết. A Di Đà Phật, thiện tai, thiện tai.

Nói rồi miệng niệm “Vãng Sinh Chú” muốn siêu độ cho Lư Vân, quả là vô cùng ngạo mạn.

Lại nói “U Minh huyền khí”của La Ma Thập có xuất xứ từ Thổ Phiên Quốc, chuyên dùng âm kình đả thương người ta. Đám người Dương Túc Quan từng thấy qua loại võ công này, khi đó Vi Tử Tráng rất ngạc nhiên sợ hãi về chỉ lực cao cường của đám phiên tăng nọ, Dương Túc Quan cũng nhận xét rằng chỉ công kia rất lợi hại, có thể sánh ngang cùng “Đại Lực Kim Cương Chỉ” của Thiếu Lâm, như vậy đủ nói lên uy lực của “U Minh huyền khí” thế nào.

Xem ra đám phiên tăng ở Trịnh Châu chính là đồ tử đồ tôn của lão tăng La Ma Thập này. Lư Vân bất hạnh gặp phải một nhân vật tông sư như vậy, chỉ sợ tính mạng lâm nguy. Quả nhiên mới ra một chiêu, La Ma Thập liền siêu độ cho hắn, có thể nói là vô cùng tự tin.

Thoáng chốc mà sắc mặt Lư Vân xanh mét, luồng nội lực kia giống như độc trùng cắn xé trong kinh mạch, thống khổ nói không nên lời. Võ công này tựa như tuyệt chiêu “Kiếm cổ” của phái Côn Luân, dùng nội lực âm nhu làm nứt tim vỡ phổi, phá vỡ lục phủ ngũ tạng của địch nhân. Nếu Ngũ Định Viễn ở đây, chắc chắn sẽ biết lợi hại mà không dám đối đầu với lão tăng nọ. Chỉ là kinh nghiệm giang hồ của Lư Vân còn thô thiển, sao có thể hiểu biết hết ch nổi? Tính mạng liền rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc.

Công chúa ở một bên thấy khuôn mặt Lư Vân lộ nét đau đớn thì không ngừng kêu sợ hãi, lại nắm chặt cánh tay hắn. Lư Vân sợ luồng âm kình kia truyền qua đả thương nàng, đành vung tay đẩy công chúa ra xa.

Lúc này luồng âm kình quái dị chui thẳng lên kinh lạc (1) “Thủ thiếu âm tâm kinh” của hắn. Những nơi nó đi qua đều vô cùng khó chịu ngứa ngáy, xem ra không bao lâu nữa sẽ chạy thẳng vào trong tâm mạch, phá vỡ tim mà chết.

Không thể khoanh tay chịu chết, Lư Vân vội vận “Vô tuyệt tâm pháp”. Tâm pháp này do bản thân hắn tự ngộ ra, tuy có vài chỗ thiếu hụt nhưng uy lực không thua kém bất kì nội công nào trên giang hồ bây giờ. Liền phát hiện âm kình nọ mỏng manh nhỏ nhoi như sợi tóc. “Vô tuyệt tâm pháp” sử ra thì nó chầm chậm lưu chuyển trong cơ thể, không đột phá quá mức mãnh liệt. Tuy âm độc nhưng lực đạo không quá lớn.

Phát hiện điểm này, trong lòng Lư Vân tin tưởng có phương pháp phá giải. Lập tức một luồng nội lực tinh thuần mạnh mẽ trào ra từ đan điền, di chuyển thẳng lên “Thủ thiếu âm tâm kinh”. Hắn ngưng lực phát kình, một luồng nội lực di chuyển lên huyệt Kiên Tỉnh, giống như đặt tại đó một bức tường phòng thủ rắn chắc không thứ gì xuyên qua nổi. Liều chết phòng thủ tâm mạch, một tấc cũng không lọt.

La Ma Thập thấy hắn chuyên tâm vận khí, không thèm đánh lén mà chỉ thản nhiên nói:

- Thí chủ đừng gắng gượng nữa, chỉ tăng thêm thống khổ trước khi chết mà thôi.

Lư Vân hừ một tiếng, chuyên chú vận công mà không thèm để ý lời của lão.

Lúc này luồng âm kình phóng thẳng lên phá tan cửa hộ tâm thứ nhất. Lư Vân cắn chặt răng gia tăng nội lực ngăn chặn. Cũng may hai luồng nội lực tranh đấu thì âm kình kia ngày càng mỏng manh. Lư Vân thấy mạnh yếu của hai bên nghịch chuyển, lập tức hít vào một hơi rồi hét lớn một tiếng. Nội lực từ đan điền trào ra, âm kình kia bị nội lực cương mãnh bức ra, thoát từ trong lòng bàn tay hắn bắn thẳng về La Ma Thập.

Âm kình kia vốn vô hình nhưng đã ngưng tụ thành một điểm nho nhỏ như kim châm, như ám khí bắn thẳng vào ngực La Ma Thập.

La Ma Thập còn đang niệm kinh siêu độ, không ngờ Lư Vân còn trẻ mà nội lực lại thâm hậu đến như vậy. Chỉ nghe một tiếng phốc vang lên, nơi ngực lão đã bị luồng âm kình của bản thân đánh trúng. Lão ngẩng đầu lên, vẻ mặt đầy kinh ngạc.

Lư Vân thấy đối phương trợn mắt há mồm, mất phòng bị trong chốc lát thì ôm chặt lấy công chúa, chạy vòng qua người đối phương lao ra cửa động. Lúc này La Ma Thập mới định thần lại, quát:

- Chạy đi đâu!

Ngón tay lão vươn ra, điểm vào huyệt Ngọc Chẩm sau đầu hắn. Lư Vân cúi thấp người, duỗi chân đá vào mắt cá chân La Ma Thập. La Ma Thập tự ngạo về thân phận rất cao, không muốn nhảy lên tránh nên nhấc chân chặn lại, nào biết đây chỉ là hư chiêu dụ địch của Lư Vân. Hắn thấy La Ma Thập nhấc chân, trọng tâm của lão dồn về phía sau, nơi ngực bụng xuất hiện điểm yếu. Chân phải đang đá ra đột nhiên dậm xuống đất làm điểm tựa. Hắn gầm lên một tiếng, thân mình húc thẳng tới La Ma Thập.

Chiêu thức húc vai này quả thật quái dị, không hề có trong các loại quyền pháp đương thời, vốn do Lư Vân nghĩ ra trong lúc luyện tập. Cho đến mãi sau này, thế giới mới có công phu “Chấn Cước” của Bát Cực Quyền là tương tự. Võ công của La Ma Thập tuy uyên bác nhưng sao có thể ngờ được chiêu thức mới mẻ cỡ này?

Chỉ nghe một tiếng “bình” vang lên, nơi ngực của La Ma Thập bị bả vai của Lư Vân húc mạnh vào. Lực đạo ngàn cân đánh tới khiến lão phải lùi lại vài bước, nhất thời khuôn mặt lộ vẻ xấu hổ. Thân là đại tăng tông sư võ học của Hãn quốc, không ngờ lại bị một hậu sinh vãn bối đánh lui. Nhất thời tự trách đến xuất thần.

Lư Vân thấy đối phương đứng bất động ngơ ngác, liền ôm chặt công chúa lao ra cửa động. Vừa ra khỏi thì gió tuyết rít gào phả vào mặt. Hắn nheo mắt muốn quan sát phương hướng thì chợt có tiếng gió xẹt qua. Mấy tiếng “xoạt xoạt” vang lên, hai bên trái phải đã có binh khí chém tới, trước cửa động đã có người đứng chặn. Lư Vân ôm chặt công chúa, dùng sức nhảy mạnh về phía trước, phá vòng vây lao thẳng ra vách núi.

Trong cơn tuyết lớn, chỉ nghe xa xa có tiếng người hò hét:

- Tặc tử chạy đi đâu! Mau ngăn hắn lại!

Lư Vân quay đầu thấy có hơn mười người đuổi theo. Nơi nơi đều vang lên tiếng kêu la hò hét, không biết có bao nhiêu cao thủ đã trèo lên trên này. Cũng may qua nhiều ngày tìm hiểu đã quen thuộc địa thế. Hắn liền cõng công chúa chạy về một cái đài cao đã được bố trí vài ngày trước, sau đó xoay người trốn sau một tảng đá lớn.

Chỉ chốc lát truy binh phía sau đã tới. Đám này mắt thấy hắn trốn sau tảng đá lớn thì lớn tiếng mắng chửi:

- Tặc tử mau lăn ra đây! Cạm bẫy chết tiệt của ngươi đã làm bị thương mấy chục huynh đệ của chúng ta! Chúng ta phải giết ngươi làm vật tế, trả lễ đầy đủ cho ngươi!

Mười người vừa tới xông thẳng về đài cao. Lư Vân hắc hắc cười lạnh, vươn tay rút một vật gì đó ra. Không biết hắn dùng biện pháp gì mà chỉ nghe những tiếng ầm ầm vang lên, vô số tảng đá từ trên đài cao lăn xuống. Đám người tới mắt thấy đá lớn lăn xuống thì sợ tới sắc mặt trắng bệch, vội vàng tránh né.

Lư Vân quát to một tiếng, thừa dịp đá lớn lăn loạn nhảy ra nâng tay phóng chưởng. Phút chốc đánh ngã năm sáu người, những người còn lại đều bị đá đè chết.

Chợt nghe thanh âm của một người vang lên:

- Cuồng đồ lớn mật, còn dám ngoan cố chống cự!

Người này đầu tóc trọc lóc, không phải La Ma Thập đuổi tới thì là ai? Thân pháp của lão linh động phiêu dật, chớp mắt đã đến gần Lư Vân.

Hai người lập tức đấu cùng một chỗ. Chỉ thấy La Ma Thập vận khởi “Cửu U huyền chỉ”, ngón tay liên tiếp điểm ra như tiên nữ rải hoa trên bầu trời, thoáng chốc khóa trụ tất cả các nơi yếu hại toàn thân Lư Vân. Lư Vân đã nếm qua loại võ công âm độc này nên không dám sơ ý. Hắn đỡ một chỉ thì lùi vài bước, dùng nội lực phòng hộ toàn thân, ngăn chặn nội kình âm độc kia. Đỡ hơn mười chỉ đã lùi đến cạnh bờ vực, quả thật là không thể lùi tiếp được nữa.

La Ma Thập vừa bị hắn đánh lui mất hết thể diện, lúc này không còn tâm tư thuyết phục đối phương, chỉ lạnh lùng nói:

- Thí chủ đừng ngoan cố nữa, mau đầu hàng đi!

Lư Vân quát:

- Mơ mộng hão huyền!

Hữu quyền của hắn nhoáng lên đánh thẳng tới mặt La Ma Thập. La Ma Thập giơ tay muốn đỡ thì tả quyền của Lư Vân lại chớp động, phát sau mà tới trước đánh vào ngực của lão. La Ma Thập liền nắm hai tay lại thành quyền, muốn đỡ đòn tấn công liên hoàn kia. Ai ngờ Lư Vân bước rộng về bên trái, miệng hét lớn một tiếng, chân phải đá mạnh ra. La Ma Thập không ngờ song quyền của hắn đều là hư chiêu thì giật mình thầm nghĩ:

- Đây là loại võ công quái dị nào?

Lão tuy am hiểu về tuyệt kỹ của các phái trong giang hồ nhưng chưa bao giờ gặp qua đòn tấn công không có phép tắc cỡ này, vừa giật mình vừa sợ hãi vội đưa hai tay che ngực.

Bình một tiếng! Đỡ một cước nặng ngàn cân của Lư Vân, thân thể La Ma Thập chấn động trượt về sau vài bước, để lại trên đất vết chân trượt khá sâu. Tuy chưa thể gọi là thua nhưng nơi ngực bắt đầu đau đớn, xương sườn dường như đã gãy.

Đây chính chiêu thức có nguồn gốc từ “Vô Song Liên Quyền” của Lục gia Giang Đông, tên là “Quyền cước song tuyệt”. Lúc này Lư Vân sử dụng bất ngờ, quả nhiên thu được hiệu quả mong đợi.

Lư Vân chiếm được thế thượng phong, lại vươn hữu quyền đánh thẳng vào bụng La Ma Thập. Thoáng chốc hai người liên tiếp ra mấy chục chiêu ngay tại chỗ. Lư Vân dụng cả hai tay hai chân, toàn lực thi triển võ công. La Ma Thập bị những đòn tấn công nhanh như chớp của hắn quấn lấy, chỉ có thể bị động chống đỡ mà không có cơ hội trả đòn. Cánh tay hai người va chạm tạo lên những tiếng chan chát. Công chúa trốn ở sau tảng đá lớn nọ mà cũng bị nội lực của bọn họ đè ép làm cho thở không nổi.

Qua mấy chục chiêu, ý tưởng sợ hãi trong lòng La Ma Thập bắt đầu tan đi, căn cơ võ công của lão thâm hậu vượt xa Lư Vân. Thấy quyền cước của hắn lộ sơ hở thì biết rằng chiêu thức của đối phương hữu hạn. Chỉ cần thêm ra mấy chiêu ắt phải lặp lại đòn thế tấn công khi trước.

Quả nhiên sau mấy chiêu, tả hữu quyền của Lư Vân đánh tới, chiêu này vừa nãy đã sử dụng qua. Trên mặt La Ma Thập lộ nụ cười lạnh, biết đối phương sẽ di chuyển theo hướng trái thì tiên phát chế nhân, lập tức vươn chân ra chặn rồi hữu chưởng phát lực, một chưởng thật mạnh đánh Lư Vân bay thẳng ra ngoài.

Lư Vân bị đánh đến văng ra xa rồi lăn về một bên. Toàn thân chấn động nhưng may là nội công hộ thể vẫn còn, hơn nữa thuận thế văng theo hướng chưởng phát nên mới không bị lấy đi tính mạng.

Lúc này có mười mấy người đuổi theo, mắt thấy Lư Vân ngã trên mặt đất liền hô to:

- Giết!

Cả đám chạy đến giơ đao chém xuống. Lư Vân không kịp điều hòa nội tức, cuống quýt lăn tránh rồi bật dậy, lại dùng hết tốc độ bình sinh chạy thẳng về một nơi trơn trượt láng bóng như một tấm băng mỏng.

Đám phiên tăng thấy hắn chạy trốn, không nghi ngờ mà vội đuổi theo. Lúc này La Ma Thập cũng đuổi tới, quát lớn:

- Tiểu tử còn muốn trốn tới chỗ nào nữa?

Lão lại vươn tay ra đòn, nhắm ngay vào lưng Lư Vân mà tấn công.

---

Chú: (1) Kinh lạc là đường khí huyết vận hành trong cơ thể, đường chính của nó gọi là kinh, nhánh của nó gọi là lạc, kinh với lạc liên kết đan xen ngang dọc, liên thông trên dưới trong ngoài, là cái lưới liên lạc toàn thân.

Kinh lạc phân ra hai loại chính kinh và kỳ kinh, chính kinh có mười hai sợi, tả hữu đối xứng, tức thủ túc tam âm kinh và thủ túc tam dương kinh, gọi chung mười hai kinh mạch, mỗi kinh thuộc một tạng hoặc một phủ. Kỳ kinh có tám sợi, tức đốc mạch, nhâm mạch, xung mạch, đái mạch, âm duy mạch, dương duy mạch, âm kiểu mạch, dương kiểu mạch. Thông thường nhắc đến mười hai kinh mạch và thêm vào hai mạch nhâm đốc gọi chung mười bốn kinh mạch chính.

Mười hai kinh mạch: thuộc tạng phủ tuần hành phân bố tả hữu đối xứng, mà còn nối tiếp theo thứ tự nhất định, bắt đầu từ thủ thái âm phế kinh, theo thứ tự truyền đến túc quyết âm can kinh, rồi lại truyền vào thủ thái âm phế kinh, tuần hoàn mãi không thôi, biểu thị liên tục như sau: Thủ thái âm phế kinh - Thủ dương minh đại tràng kinh - Túc dương minh vị kinh - Túc thái âm tỳ kinh - Thủ thiếu âm tâm kinh - Thủ thái dương tiểu tràng kinh - Túc thái dương bàng quang kinh - Túc thiếu âm thận kinh - Thủ quyết âm tâm bào kinh - Thủ thiếu dương tam tiêu kinh - Túc thiếu dương đảm kinh - Thủ thái âm phế kinh.

Nhâm mạch: Bắt đầu từ huyệt hội âm (giữa bộ phận sinh dục với hậu môn) theo đường giữa phía trước chạy qua mặt, lên sâu vào 2 con mắt. Nhâm mạch có tác dụng tổng quản âm kinh của toàn thân, là Âm kinh chi hải.

Đốc mạch: Bắt đầu từ hội âm, theo đường giữa phía sau lưng lên đỉnh đầu, đến trán, sống mũi, đến phía ngoài lợi răng trên (huyệt ngân giao) và hoà hợp với nhâm mạch tại đây. Đốc mạch có tác dụng tổng quản dương kinh của toàn thân, là Dương kinh chi hải.

Bạn đang đọc Thiên Hùng của Tôn Hiểu Mạn
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi TàThần
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 9

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.