Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Phần 1 - Chương 07 Part 2

Phiên bản Dịch · 2298 chữ

Thoạt tiên Martin tự pha ình một tách cà phê rồi xem lại cẩn thận từng hồ sơ cho dù trước đó anh đã đọc đi đọc lại hàng chục lần. Sau lần đối đầu với Archibald anh cảm thấy mọi thứ sáng rõ hơn và hy vọng sẽ tìm thấy một đầu mối, một chi tiết mà trước đó anh đã bất cẩn bỏ qua. Sự nghiệp của tên trộm đã kéo dài gần hai mươi tám năm và đều đặn ghi dấu bằng rất nhiều phi vụ ấn tượng. 1982 - Vụ trộm đầu tiên được biết đến của Archibald: đột nhập vào Ngân hàng Lloyd's ngay giữa Luân Đôn, một trong những vụ trộm lớn nhất trong lịch sử nước Anh. Đó cũng là lần đầu tiên hắn để lại hiện trường vụ án tấm danh thiếp nổi tiếng có trang trí hình cây Nam Thập Tự. 1983 - Paris. Một loạt vụ đột nhập vào các tiệm kim hoàn nổi tiếng nhất quảng trường Vendôme: Cartier, Van Cleef và Boucheron. Hắn đã dùng hàng loạt màn cải trang xứng danh kẻ theo thuyết biến hình Fregoli và thu được một mớ chiến lợi phẩm hoành tráng. 1986 - Bảo tàng quốc gia Thụy Điển. Chỉ cần năm phút cũng đủ để hắn nẫng trọn hai bức tranh của Renoir và một bức của Watteau. 1987 - Bảo tàng Guggenheim ở New York: đánh cắp một bức tranh của Kandinsky và một bức của Mondrian. 1990 - Anvers. Với tấm hộ chiếu giả trong tay, Archibald đã chiếm được lòng tin của một nữ nhân viên làm việc ột ngân hàng cất giữ kim cương. Cô gái đã cấp cho hắn thẻ VIP ra vào khu chứa két sắt, nhờ vậy hắn đã cuộm được khoảng ba chục viên kim cương xanh với tổng giá trị hai mươi triệu đô la. 1993 - Paris. Hắn đột nhập vào tư dinh của Pierre Berès, người bán sách vĩ đại nhất thế giới và ra về với viên ngọc báu trong thư viện của ông, một cuốn sách tuyệt hảo: bản thảo gốc của Một mùa ở địa ngục, được đích thân nhà thơ ký tên: tặng P. Verlaine, A. Rimbaud. 1998 - Boston. Vụ trộm tác phẩm nghệ thuật lớn nhất mọi thời đại trên lãnh thổ Mỹ. McLean đã làm một vụ càn quyét ở Quỹ Rebecca Stewart: hai bức Rembrandt, một bức Vélasquez, một bức Manet, một bình sứ Trung Quốc từ thời nhà Minh cùng một bức tượng đồng của Rodin. Một mớ chiến lợi phẩm ước tính trị giá gần ba trăm triệu đô la. Cho tới tận lúc này, FBI vẫn còn chưa chịu xếp hồ sơ vụ án lại và người đứng đầu hạt Boston vẫn nhắc đi nhắc lại tại mỗi cuộc họp báo rằng chừng nào chưa bắt giữ được McLean chừng đó ông vẫn chưa yên tâm nghỉ hưu. 2001 - Hắn đánh tháo từ trong két của một ngân hàng ở Philadelphia con tem One Cent Magenta năm 1856: một trong những con tem đắt giá nhất thế giới, một mẩu giấy hình chữ nhật nặng chưa đầy một gam và chỉ rộng 1cm2. Niềm ao ước của các nhà sưu tập tem. 2005 - Vụ trộm mà cả nước Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn. McLean đã lăng mạ cả hoàng tộc khi đột nhập vào lâu đài Balmoral, cung điện mùa hè, và trở ra với bức tranh Vermeer, bức yêu thích nhất của nữ hoàng, cùng với khoảng chục bức tranh của Léonard de Vinci. Như để chế giễu cơ quan cảnh sát Scotland Yard, Archibald còn tự ình có được thú vui cao sang là để lại trên tường một thông điệp: Giờ đến lượt Sherlock Holmes ra tay! 2007 - Năm của những tỷ phú nước Pháp. Đầu tiên, François Pinault bị mất trộm một bức Andy Warhol tại cung điện Grassi ở Venise. Rồi tới Bernard Arnault bị mất một bức Basquiat tuyệt đẹp. Quá chú tâm vào công việc, phải mất mấy giây Martin mới nhận ra rằng ai đó đang gõ cửa phòng anh. - Mời vào! anh vừa nói vừa ngẩng đầu lên và nhét điếu thuốc vào túi áo. o O o Archibald bước ra khỏi buồng thang máy nhỏ bằng kính dẫn thẳng vào trong phòng ngủ của hắn. Căn phòng chính này chiếm gần hết diện tích của boong tàu trên. Được bày biện theo phong cách Art déco, căn phòng này trông rất ấm cúng hơn phòng khách với ống khói và đồ gỗ hình khối chạm khắc xà cừ và gỗ mun. Archibald ngồi vào bàn làm việc. Đột nhiên hắn cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Mi mắt sụp xuống, hắn xoa hai thái dương để xua đi cảm giác chớm đau đầu. Sau mỗi vụ trộm lớn, hắn đều có cảm giác chán nản, gần như mất phương hướng. Song lần này lại khác, chưa khi nào hắn cảm thấy kiệt sức như lúc này và phải cố lắm mới buộc được mình mở mắt ra. Ở giữa bàn làm việc, một phong bì lớn bằng bìa cứng được đặt sẵn chờ hắn. Hắn lật qua lật lại phong bì mà không quyết định nổi có mở ra hay không. Từ gần hai mươi năm nay, mỗi tuần đều có một phong bì như thế này được gửi tới: báo cáo của một thám tử tư ở California được giao trách nhiệm theo dõi sát sao một đối tượng. Hắn miễn cưỡng bóc niêm phong và chăm chú đọc bản báo cáo bằng thái độ tò mò pha chút ghê tởm. Bên trong là những tấm ảnh chụp một thiếu phụ cùng một bản ghi chép chi tiết thời gian biểu của cô cùng những người mà cô gặp gỡ. Một băng ghi âm những cú điện thoại và nội dung các thư điện tử, bản ghi chép chuẩn đoán của một bác sĩ mà cô đã tới khám và đơn thuốc được kê. Những bức ảnh chụp ở San Francisco và Sausalito, một thành phố nhỏ bên bờ vịnh. Trong hình là một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi, với nét đẹp hoang dã, buồn và ánh mắt cứng rắn nhưng lẩn tránh. Con bé đây. Lần nào cũng vậy, Archibald luôn tự nhủ rằng đây sẽ là lần cuối cùng hắn xâm nhậm vào đời sống riêng tư của con gái. Hắn cần có can đảm để nói chuyện với cô. Hắn cần phải chuyển từ sợ hãi sang tình yêu. Tình yêu của hắn vô cùng mãnh liệt.Song lần nào cũng vậy, nỗi sợ hãi vẫn thắng thế. o O o - Nếu cậu tiếp tục ăn uống vô tội vạ như vậy, thế nào cậu cũng ngã bệnh thôi! Bà Hudson tiến vào lãnh địa của anh chàng thuê nhà và trịnh trọng đặt một khay thức ăn lên mặt bàn ngoài sân thượng. Bà cụ người Anh đã chuẩn bị một bữa sáng kiểu Anh rất dặc trưng: bánh mì nướng phết hành tây, một bát xúp, một chiếc bánh nhân bầu dục, một đĩa thịt hầm màu đỏ lựu... - Chà, thơm quá! Martin nói không mấy hào hứng. Bà chủ nhà của anh không hẳn là người nấu ăn ngon, nhưng anh rất cảm kích sự chu đáo của bà. Bà chăm chút anh như chăm sóc chính bản thân. - Tôi đã nhận thư giúp cậu cùng với một bưu kiện được mang tới sáng nay. Không muốn đánh thức cậu dậy nên tôi đã ký phiếu nhận thay cho cậu. Martin cảm ơn bà cụ. Thư từ gửi đến cho anh cũng chỉ toàn hóa đơn điện thoại với những tờ quảng cáo do hãng bảo hiểm của anh gửi tới hai tháng một lần. Anh vứt ngay mấy cái phong bì mà chẳng buồn mở ra xem rồi bắt đầu quan tâm tới gói bưu kiện: một bưu kiện chuyển phát nhanh đựng một cái hộp bằng gỗ đàn hương điểm lốm đốm.DOM PÉRIGNON ROSÉ VINTAGE 1959Anh nhíu mày và xem xét cái hộp đựng để tìm kiếm một tấm danh thiếp. Chẳng có gì. Anh lật ngược vỏ bưu kiện lại: gói bưu kiện này được gửi đi vào hôm qua, trước mười hai giờ trưa một lát, từ một trạm bưu kiện ở quận IV. Dù sao đi nữa, người hâm mộ giấu mặt này cũng không hề coi thường anh. Dom Pérignon là nhãn hiệu sâm banh nổi tiếng nhất thế giới. Một chai rượu có niên hiệu đáng giá bằng cả một gia tài. Linh tính kéo anh ngồi xuống trước màn hình máy tính và khởi động chương trình TREIMA. Đây là thư viện ảnh của OCBC độc nhất trên thế giới, chứa đựng mọi thông tin chi tiết và những hình ảnh về hơn tám mươi ngàn sản vật văn hóa bị đánh cắp tại Pháp và nước ngoài. Nhờ công cụ này, một đồ vật tịch biên được sau mỗi cuộc khám xét đều có thể được xác minh ngay tức thì và hoàn trả lại cho chủ nhân. Martin đã tải toàn bộ cơ sở dữ liệu lên máy tính của anh để có thể mang theo tới các hiện trường. Anh nhập vài thông tin và gần như ngay lập tức, phần mềm máy tính đã cho kết quả: những chai rượu bị đánh cắp vào năm ngoái, trong những hoàn cảnh chưa hề được làm sáng tỏ, ngay sau một buổi bán đấu giá. Martin nhấp chuột vào địa chỉ đường dẫn tới một tin nhanh trên báo viết về buổi đấu giá này: Giá kỷ lục trong phiên đấu giá lịch sử tại New York! Ngày 25 tháng Tư vừa qua, tại Nhà đấu giá Sotheby's đã diễn ra một phiên đấu giá đặc biệt với mặt hàng là những chai rượu sâm banh, trong số đó có hai chai rượu lịch sử Dom Pérignon Rosé Vintage 1959 đã được bán với tổng giá trị lên tới 84 700 đô la. Được coi là viên ngọc của nhãn Dom Pérignon, loại rượu huyền thoại này chỉ được sản xuất ba trăm chai và chưa bao giờ được đưa ra thị trường. Đa số các chai rượu đã được mở vào năm 1971 trong dịp lễ hội xa hoa do các quý tộc tổ chức để kỷ niệm ngày thành lập Đế quốc Ba Tư. Từ đó, những chai rượu có niên hiệu này đã biến mất trên thị trường để rồi xuất hiện lừng lẫy trong buổi đấu giá lịch sử vừa qua. Anh cảnh sát trẻ không thể tin vào mắt mình: vậy là chai rượu anh đang cầm trong tay trị giá hơn 40 000 đô la! Anh háo hức đọc tiếp bài báo. Người ta chẳng biết được gì nhiều về vụ trộm. Chỉ có một điều chắc chắn: khi người mua tới nhận tài sản của mình thì những chai rượu đã biến mất, thay vào đó là một tấm danh thiếp mà cả giới nghệ thuật đều phải dè chừng. Martin ngồi sững trong giây lát, tê liệt bởi "món quà" vừa nhận được. Trong đầu anh nổi lên những ý kiến trái ngược nhau. Đương nhiên, chai rượu này không thuộc về anh. Đây là một vật chứng cần được hoàn trả cho chủ nhân của nó, nhưng... - Cháu mời bác một ly được không, bác Hudson? - Không từ chối, bà cụ người Anh đáp và ngồi xuống ghế trên sân thượng. Như vậy là tôi sẽ được nếm thứ gì đó khác loại rượu sherry của tôi. Martin mở chai rượu bằng sự cẩn trọng tối đa, tò mò muốn xem sau năm mươi năm, liệu chai sâm banh có còn giữ nguyên bọt hay không. Anh chạm ly với bà Hudson và đưa ly rượu lên môi. Anh không bị thất vọng: rượu ngon tuyệt hảo và có cảm tưởng như đang uống nước vàng hay một thứ nước cam lồ trường thọ. Thế rồi như được hồi sinh, Martin đưa ly rượu lên trời. Như một nhà triết học, anh nhủ thầm giá trị của một con người cũng được đo bằng tầm cỡ của kẻ thù. Anh đã thua trận đầu nhưng cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. o O o Mặc một chiếc áo cổ lọ, Archibald xuống gặp Effie ở boong trước, chỗ cao nhất trên du thuyền, được bài trí thành phòng thể thao ngoài trời. Quấn một chiếc khăn bông quanh cổ, bà quản gia người Anh tập luyện liên tục từ hơn một tiếng đồng hồ nay: nâng tạ, chạy bộ, đấm túi cát... Archibald mời bà một ly khai vị nhưng bà từ chối bằng cách hươ ột chai nước khoáng. Tên trộm nhún vai song chẳng hề ngạc nhiên. Effie sống như một nhà tu hành khổ hạnh, tự ngăn cấm mình trước mọi thú vui của cuộc sống: thức ăn ngon, rượu tinh khiết, tình dục dễ dãi... Archibald ngồi xuống chiếc ghế mây đối diện với biển. Không khí thật mát mẻ và mặt trời đang lặn như vật lộn giữa những đám mây. Từ cuộc chiến giáp lá cà này bật ra những luồng sáng màu đo rối như máu tươi tràn khắp bầu trời. Hắn với lấy một chai sâm banh đặt trong chiếc xô đựng đá để bên cạnh và mỉm cười xem lại nhãn: DOM PÉRIGNON ROSÉ VINTAGE 1959 Hắn thận trọng mở chai rượu ra, rót ình một ly và nâng cao ly rượu về hướng Đông Nam. Nơi đó là nước Pháp. Nơi đó là Paris. Rồi hắn cụng ly với kẻ thù vô hình mà hắn vừa đâm nhát kiếm khiêu chiến đầu tiên.

Bạn đang đọc Nếu Đời Anh Vắng Em của Guillaume Musso
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 14

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.