Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Ba Phần Thưởng

Tiểu thuyết gốc · 2000 chữ

Tiếng Kim công công cất lên ngay khi âm thanh và lời ca dừng lại. Đội danh dự quay người lại cúi gập người vái chào Đinh Liễn, sau đó quay lại cúi đầu chào bách quan rồi thứ tự theo quan chỉ huy đi ra cửa điện. Bách quan vẫn đứng thẳng, tay vẫn còn trên trán trong tư thế chào trong quân đội.

Lúc này Đinh Liễn ra hiệu hai tay: “Bình thân”.

Tất cả mọi người ngồi xuống. Đinh Liễn cũng tạm ngừng một chút để cho mọi người bình ổn cảm xúc. Tiếng Kim công công điều hành Hội Nghị lại cất lên: “Mở đầu cho buổi Triều Hội, kính mời Đại Việt Minh Hoàng Đế bệ hạ có đôi lời phát biểu khai mạc. Mọi người hãy kính tặng Hoàng Đế Bệ hạ của chúng ta một tràng pháo tay ạ”.

Đinh Liễn đi ra khỏi ngai đá quý, đi lên phía bục phát biểu trong tiếng vỗ tay ầm ầm của bá quan. Cũng đến giờ này, mọi người mới biết được cái khối gỗ hình thang ngược đặt trên khán đài là dùng để làm gì. Khi Đinh Liễn dừng chân lại, mắt ngước lên quét qua hội trường, bách quan lập tức ngừng vỗ tay lại, im lặng chăm chú lắng nghe. Đinh Liễn hít sâu một hơi, sau đó cao giọng nói:

“Cảm tạ chư vị bách quan đã đến tham dự buổi Triều Hội ngày hôm nay. Chư vị ngồi đây chính là tinh hoa của dân tộc Bách Việt, là đại diện ưu tú cho gần ba triệu con dân. Để cảm tạ chư vị đã hết lòng vì dân vì nước vì Hoàng Gia, lại không quản máu chảy đầu rơi cho sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo hộ tộc dân giữa nước sôi lửa bỏng. Nhân danh Hoàng Đế Đại Cồ Việt, trẫm ban thưởng cho chư vị bách quan ba phần thưởng.

Thứ nhất: từ nay về sau gặp Hoàng đế không cần quỳ lạy, chỉ cần kính lễ. Điều này cũng áp dụng cho mối quan hệ giữa thượng cấp và hạ cấp. Mối quan hệ giữa dân chúng và quan chức tạm thời chưa thay đổi. Hiệu lực vĩnh viễn”.

Bách quan vô cùng cảm động. Xưa nay mối quan hệ quân thần rất nghiêm khắc. Nghi lễ quỳ lạy là không thể thiếu trong giao tiếp. Không những khi gặp Thiên tử phải quỳ lạy mà bất kể vật gì liên quan đến Hoàng Đế như chiếu thư, thanh kiếm, ấn tỷ hay các đồ ngự dụng đều phải quỳ chào hoặc tạ ơn. Kẻ trái lệnh coi như mắc tội khinh nhờn Đế Vương, tất phải rơi đầu, thậm chí còn liên lụy đến người nhà. Bãi bỏ nghi thức này là việc làm quá khác thường của Đinh Liễn quả thật xưa nay chưa từng có.

Đinh Liễn thật ra cũng có suy nghĩ sâu xa. Thứ nhất, thân là người hiện đại, việc quỳ lạy người khác đối với hắn mà nói rất phản cảm, điều này áp dụng cho cả việc người khác quỳ lạy hắn cho nên hắn muốn thay đổi. Nhân lúc xã hội lúc này chưa có quy tắc khắt khe như bên Phương Bắc, hắn phải tranh thủ bãi bỏ.

Thứ hai, tuy bỏ đi quy định này sẽ làm giảm uy nghiêm của Hoàng Đế quan điểm của hắn lại khác. Thần phục trong nội tâm chứ không phải chỉ trong nghi lễ. Nếu nghi lễ hà khắc có thể trấn áp nhân tâm thì đã không có chuyện loạn lạc, chính biến, lật đổ. Cốt yếu nhất vẫn là lợi ích thực tế chứ không phải do hình thức nghi lễ rườm rà. Nói như vậy không có nghĩa nghi lễ là không quan trọng mà tùy vào trường hợp cụ thể. Đinh Liễn chủ động bỏ đi nghi lễ quỳ lạy ngược lại là cách tốt nhất để lấy lòng bách quan. Muốn con ngựa chạy phải cho ngựa ăn cỏ. Với lại, thực tế hắn cũng không mất đi một xu, một hào. Còn kẻ nào cố ý coi thường Hoàng Đế, hắn có 1001 cách chỉnh cho kẻ ấy dục tiên dục tử.

Thứ ba, hắn muốn phá vỡ một trong Tam cương của Nho môn tức đạo quần thần. Cái gì mà quân bảo thần tử, thần bất tử, bất trung. Hắn thấy quan điểm này không thực tế lại mang tính giáo điều, không hợp với tư tưởng hiện đại của hắn nên cần lấy cớ bãi bỏ mà cái cớ ban thưởng lại rất hợp tình, hợp lý.

Riêng đối với dân chúng, tạm thời hắn chưa muốn áp dụng bởi do trình độ dân trí lúc này của đại đa số dân chúng còn chưa cao, thói lưu manh vô tổ chức còn phổ biến, cho nên cần phải lấy uy nghiêm để trấn áp. Thứ nữa cũng là để cho dân chúng thấy được quan uy to lớn mà biết sợ hãi, buộc phải tuân thủ luật pháp của nhà nước. Mặt khác nhìn thấy lợi ích và vinh quang của việc làm quan mà tích cực học hành, cầu tiến.

Đinh Liễn tiếp tục diễn thuyết: “Thứ hai: từ nay về sau vào Triều Hội không cần phải đứng chầu từ trong cung ra tới ngoài sân như trước. Trời có mưa, gió, nóng, lạnh. Đứng lâu như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chư vị, làm hao mòn khí lực, tinh thần, làm giảm năng suất làm việc, trẫm đau lòng lắm thay.

Trẫm nghĩ rằng đạo làm quan ngoài trách nhiệm giúp việc cho triều đình, giúp dân, giúp nước, giúp đời thì còn là một vinh quang và sự hưởng thụ. Nếu làm việc công mà phải chịu tội nắng mưa, trong lòng không vui vẻ thì có ích lợi gì. Dù sao, đã là con người thì có tư tâm, có ích kỷ, từ bụng ta suy ra bụng người. Vì thế trẫm mới ban thưởng chư vị phần thưởng này. Kể từ ngày hôm nay có hiệu lực vĩnh viễn”.

Bách quan lại thêm một lần cảm kích không thôi với Đinh Liễn. Từ xưa đến nay, Nho gia quy định đạo quân thần rằng quân bảo thần tử, thần bất tử bất trung. Nói làm quan là cho oai chứ địa vị khác nào nô bộc cho Hoàng Đế? Mà đã là nô bộc thì tính mạng vốn không thuộc về mình. Người chủ có tốt thì người làm nô được nhờ, người chủ tàn nhẫn thì cuộc sống như dẫm trên băng mỏng. Từ cổ chí kim có bao nhiêu Hoàng Đế nào lo nghĩ cho bề tôi như thế này? Hoàng Đế Đinh Liễn không chỉ có là người thấu hiểu nhân tâm mà còn có bản lĩnh và phách lực vô song.

Nghĩ tới những đồng liêu khác bên Đại Tống, Đại Lý, Champa, Khơ me khi tham dự Triều Hội còn phải quỳ lạy, đứng chầu ngoài sân bất kể nắng, mưa, nóng, lạnh, khổ không thể tả mới thấy được bản thân mình thật sung sướng và ưu việt biết bao. Nghĩ tới như vậy, nội tâm bách quan càng gia tăng sự kính nể và trung thành với Đinh Liễn. Mọi người nâng tay phải lên ngực, cúi gập người 90° đồng thanh hô lớn: "Tạ ơn Đại Việt Minh Hoàng Đế".

Đinh Liễn hài lòng mỉm cười ra hiệu cho mọi người bình thân rồi nói tiếp: “Thứ ba. sắp tới triều đình sẽ thành lập thêm nhiều ban bệ để hoàn thiện cơ cấu lại nội các. Theo đó sẽ có thêm hai ba trăm vị quan chức mới được bổ sung. Hiện nay đất nước ta chưa có chế độ thi cử để tuyển chọn nhân sự nên vẫn áp dụng chế độ đề cử và giới thiệu. Tất nhiên, chế độ thi cử sẽ được thực hiện sớm trong tương lai bởi đây là đại thế mà bất cứ triều đình nào cũng phải trải qua nhưng hiện tại chúng ta chưa kịp chuẩn bị.

Trẫm cho phép bách quan được phép tự đề cử, giới thiệu nhân tài cho triều đình. Với tiêu chí người tài không đợi tuổi, có tài ắt được trọng dụng cho dù người đó có là tộc nhân, thân nhân, bằng hữu của các ngươi. Miễn sao người đó thật sự có tài năng, có đạo đức, có nhiệt huyết và được thủ trưởng các nha môn đồng ý phê duyệt, đương nhiên tuổi tác cũng phải từ 18 trở lên, 60 trở xuống.

Những quan chức này sẽ có một năm tại vị để thể hiện tài năng và bản lãnh của mình. Sau một năm sẽ được triều đình sát hạch đánh giá công trạng. Nếu vượt qua thì tiếp tục năm thử thách thứ hai và được đánh giá cuối năm. Năm thứ ba thử việc cũng là tương tự như hai năm trước. Mỗi lần sát hạch người vượt qua thì thăng quan, kẻ thất bại tước quan về làm dân thường, kẻ gây họa thì phải nhận trọng phạt.

Để tránh việc chư vị buông lỏng quản lý, đề cử lung tung ảnh hưởng đến chất lượng quan chức thì trẫm có luật sau. Người đề cử và người chấp thuận đề cử sẽ bị trừng phạt khi người được đề cử bất tài vô dụng, gây họa cho dân, cho nước, cho triều đình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thăng quan sau này của chư vị. Nếu nghiêm trọng hơn sẽ bị tước quan, giáng làm thứ dân. Nhưng nếu người được đề cử có công lao hiển hách thì người đề cử sẽ được ghi nhận tiến cử người tài, có lợi cho việc thăng quan. Cho nên chư vị phải hết sức cẩn trọng. Cơ hội chỉ duy nhất lần này. Sau ba năm sẽ không còn áp dụng. Hiệu lực vĩnh viễn”.

Nghe Đinh Liễn nói đến đây, chư vị bách quan như đang nằm mơ. Quả đúng là món quà ở trên trời rơi xuống đất. Bình thường để sắp xếp thân tín vào triều đình vốn không dễ dàng. Bởi thứ nhất, cả nước Đại Cồ Việt lúc này chỉ có hơn trăm vị trí, chức vụ vốn không nhiều, sư nhiều cháo ít. Thứ hai, cạnh tranh giữa các phe phái rất căng thẳng, thà rằng phe mình thất bại cũng khiến cho phe kia không thể thành công.

Thứ ba, Tiên Đế Đinh Tiên Hoàng khống chế quan chức rất gắt gao, người không có công lao ắt không được phong quan. Từ cổ chí kim, Hoàng Đế luôn lũng đoạn việc bổ nhiệm quan chức. Coi đây là cách khống chế triều thần. Nay Đại Việt Minh Hoàng Đế Đinh Liễn thả lỏng việc tuyển chọn quan chức, lại thêm tới hai ba trăm vị trí, không phải là thiên ân vạn sủng thì là gì?

Chế tài thì đã có sao? Điều này rất bình thường. Không có chế tài mới là bất thường. Chỉ cần hết sức cẩn thận lại cố gắng phấn đấu hoàn thành sát hạch thì ba năm sau sẽ là quan chức chính thức. So với việc phong quan của các nước khác phải cố gắng mấy chục năm đèn sách, trải qua ba kỳ thi Hương, thi Hội, Thi Đình lại đấu với mấy trăm ngàn người khác thì cơ hội này quá dễ dàng.

Nếu hai món quà trước trọng về danh dự, tinh thần thì món quà thứ ba này chính là ban thưởng thực chất, thực tế nhất. Nó liên quan đến thế lực của bản thân, của gia đình, của dòng họ sau này. Phần thưởng này hơn hẳn ban vàng, ban bạc. Bọn hắn nhất định phải nắm bắt thật tốt.

-------

Bạn đang đọc Khí Vận Quốc Gia sáng tác bởi kimbang
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi kimbang
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 3
Lượt đọc 45

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.