Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 13

Phiên bản Dịch · 3169 chữ

Lão giữ mộ

_ funkboylove _

Gió Lào lồng lộng thổi đâu đó từ đỉnh núi phía Tây. Không khí âm u, lạnh lẽo. Những tiếng hú không rõ nguồn gốc vang đều đặn, những tiếng rít ma quái ở một cõi x a xăm vọng về…

Khu mộ nhỏ nép mình dưới bóng Trường Sơn sừng sững, chịu nắng, chịu mưa mấ

y mươi năm. Những đốm lửa xanh lập lòe giữa bạt ngàn cây cối. Tiếng người râm ran, cười nói giữa đêm khuya thanh vắng. Tiếng hát… Nhạc cách mạng! Thiên hạ đồn, đó là cuộc sống về đêm của mười cô gái đã ngã xuống tại Ngã Ba Đồng Lộc này.

Đêm nay trời đứng gió. Nhưng không vì thế mà không gian ở nghĩa trang Đồng Lộc - Hà Tĩnh bớt rợn người. Như thường lệ, tiếng động lạ xuất hiện, buổi tiệc nhạc lại bắt đầu. Lão vẫn nằm đó. Đôi mắt ti hí mở cầm chừng chứng tỏ lão đang chờ đợi ai. Ba mươi mấy năm giữ mộ là chừng ấy thời gian lão quen với việc bị đánh thức hằng đêm!

Lạ. Ai dám ra đường gọi lão chứ!

Không tiếng bước chân, chỉ có cơn gió nhỏ mang theo hơi thở lạnh lẽo của âm ti địa phủ. Lão bật người dậy, vặn to ngọn đèn dầu le lói. Lão không thích mở điện. Lão bảo đèn sáng quá sẽ làm bạn lão phẫn nộ. Ánh đèn dầu mang theo chút ánh sáng ngà ngà léo lắt, tô dung nhan lão thêm phần ghê rợn. Đôi mắt lão sâu, hốc hác, luôn dành cho người đối diện cái nhìn đăm đăm kì lạ. Cái nhìn bí ẩn ấy giấu phía sau hai bọng mắt thâm quầng, chen chúc những đường chân chim quai quái, chứa đựng cái gì đó u ám thảm sầu. Làn da lão ngăm đen, sần sần chai sạn. Lão không già lắm, chừng năm mươi mấy nhưng ai nhìn cũng phán bảy mươi! Nhắc tới lão, người ta luôn tưởng tượng chân dung của một pháp sư hắc ám, luôn chực chờ những câu bùa chú độc địa và những món ngải kinh dị… Có người lại bảo, từ trên xuống dưới nom lão như một kẻ dở người, chẳng khác gì Chí Phèo của thế kỉ 21.

Lão khịt mũi với tay lấy cây lược cũ, chỉn chu lại mái tóc muối tiêu rối bời.

Tiếng gõ cửa. Lão đang chờ đợi âm thanh quen thuộc này. Lão nhón gót, bước nhè nhẹ, hệt như cách mà người đứng bên kia cánh cửa đi đến. Cánh cửa gỗ ken két mở tung. Lão mỉm cười nhìn trìu mến vào không gian đen ngòm trước mắt. Ai đó đang cười lại với lão. Lão gật gù vừa ý rồi bước theo…


Hôm nay khách hành hương từ Sài Gòn ra đông. Lão mỏi mệt vì phải tiếp chuyện. Người ta bảo nghĩa trang này ghê lắm, thiêng lắm! Lão cười như bị ma nhập rồi phán: “Ở đây chẳng có gì đáng sợ!”

“Này này, răng(1) mà động vào đi. Không về được tới nhà mô!”

Lão nghiêm mặt cảnh cáo đôi nam nữ có ý định bẻ một nhành hoa. Cô gái trẻ cau mày khó chịu.

“Cháu hái chơi thôi mà! Cho xin vài bông nhá!”

“Có phải hoa của tôi mô mà cô xin. Hoa của người ta ấy.”

Lão sải cánh tay khắp khu mộ, đôi mắt lão tạo cho người ta cảm giác khiếp đảm.

“Hù nhau à?”

Chàng thanh niên bĩu môi. Lão quay lưng chỗ khác. Phía sau vang rõ từng tiếng: “Lão già khùng!”. Lão nhếch mép cười bình thản.


Chiều sập nhanh! Lão hân hoan đếm ngược thời gian. Sáu giờ, đố ai dám bén mảng gần khu này. Lão bất ngờ khi nghe tiếng chân rầm rập. Lão mở to mắt và cố đoán xem đó là ai!

Thằng Việt! Lâu lắm rồi không ghé. Vài tháng! Lão nhớ rồi, nó là đứa duy nhất không ngán việc phải vào đây nói chuyện với lão. Nó là đứa duy nhất khen lão càng già càng đẹp lão. Và nó cũng là đứa duy nhất cứ nằng nặc đòi nghe cuộc đời lão.

“Bác ni, chiếc xe chết máy giữa đèo!”

Thằng Việt hớt hơ hớt hải.

“Xe chi?”

Lão ôn tồn nhìn nó bằng ánh mắt trìu mến mà lão đã từng dành cho “người đó”!

“Chiếc xe khách lúc chiều ghé đây! Giờ ni gọi thợ, chả ai dám tới! Họ bảo chiếc xe bị bác ám!”

Việt bật cười hề hề khoái trá như thể nó vô cùng hài lòng với những gì diễn ra. Việt cũng là đứa duy nhất luôn tán đồng những gì lão làm.

“Mô! Bác không ám. Họ ám chứ!”

Lão hạ giọng, cố làm cho câu nói thêm phần rùng rợn. Con mắt lão lướt về phía dãy mộ. Rồi lão hả họng cười lớn.

“Cháu thấy mấy người đấy cũng sợ rồi. Hay bác bảo họ tha đi.”

Việt đưa mắt về hướng lão vừa nhìn. Trời vẫn còn le lói thứ ánh sáng mờ ảo, đủViệt thấy hơn chục căn hộ nhỏ, nhấp nhô trong cái thị trấn buồn này!

“Họ chỉ tha, khi họ nhận lại những gì đã mất!”

Lão lắc đầu, gượng mặt thông cảm nhưng bất lực. Lão biết những gì mà thế giới linh thiêng làm, con người không thể nhúng tay vào.


Đêm nay lão thôi cô đơn, lão vui lắm. Lão có Việt trò chuyện. Khoảng cách tuổi tác không ngăn cản hai bác cháu tâm sự như những tri kỉ.

“Răng mà lâu rồi mi không thăm ta! Tưởng mi quên ta luôn!”

Lão vừa trách móc vừa ngụ ý hỏi thăm. Người miền Trung khi giận thường chuyển sang danh xưng “ta - mi”, nghe sao xa cách!

“Mô! Sao cháu quên bác được.”

Việt cười khì.

“Cháu phải ôn thi đại học. Cháu vừa từ Sài Gòn về…”

Giọng Việt chùng lại đôi chút, nghe có vẻ tiếc nuối.

“Thế cháu thi sao rồi?”

Lão ngước mắt nhìn cái đồng hồ cũ treo trên bức tường xanh bạc màu đã bong tróc vôi. Đồng hồ điểm con số 10.

“Rớt rồi ạ!”

Việt nhe răng cười hơi gượng.

“Nhờ vậy mà cháu mới về thăm bác được ni! Gió ở ngoài lớn quá bác hỉ!”

Việt lảng sang chuyện khác. Nó biết lão sẽ không vui khi nghe tin nó rớt! Gió rít từ những khe hở nhỏ, Việt rùng mình ớ

“Phải cố chứ! Được vào đất Sài Gòn học thì còn chi hơn…”

Lão nhắc tới hai chữ “Sài Gòn”, một thoáng mơ hồ, lão như sống lại thời tuổi trẻ. Lão im lặng! Từng mảnh ghép của quá khứ bỗng chốc trở lại trong đầu lão. Mắt lão ngấn buồn. Gương mặt hốc hác lộ nhiều tâm sự.

Việt cũng im lặng. Nó biết lão đang hồi tưởng điều gì đó không vui. Nó nhìn lão. Lão đưa mắt nhìn xuyên qua bức tường dày, dừng lại ở ngôi mộ nhỏ - căn mộ thứ 11 khác hẳn với 10 căn mộ kia - chỉ nguệch ngoạc dòng chữ đen ngòm do chính tay lão đệ. Không phải tên liệt sĩ, không có ngày sinh, tháng mất, chỉ vỏn vẹn vài chữ: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh!”.

Thời gian khựng lại đôi chút. Không gian bị kéo chùng. Những cánh cửa thi nhau kêu bùng bục. Gió là kẻ duy nhất cất lời lúc này! Việt nằm trên giường, tay vắt trán, nhắm mắt. Lão ngồi ngay thành giường, một chân thả đung đưa, một chân chồm hổm. Lão nheo mắt rít một hơi sâu, điếu thuốc bùng đỏ lan nhanh một đoạn dài, khói là là phả ra từ hai bên mép và mũi lão. 10h30, lão đã trầm tư như thế suốt nửa tiếng.

“Kể cho cháu nghe chuyện của bác đi!”

Việt lên tiếng. Lão quay người lại, nhìn chòng chọc vào mắt thằng nhỏ, phân vân.

“Bác sẽ kể. Nhưng cháu phải ra ngoài kia với bác.”

Lão nhoẻn cười.

Việt chởm người dậy, nhìn theo. Lão bước xuống giường, xô cánh cửa. Lão nhìn Việt lần nữa, hất mặt ra hiệu đi nào. Gió bạt thẳng vào mớ đầu tóc rối bời của lão. Việt chần chừ đôi chút rồi bước theo.

“Cháu không sợ à?”

Lão nhấp môi châm lửa. Lão không hút. Lão gắn điếu thuốc vào chân nhang, cắm xuống phía trước ngôi mộ cũ. Việt có cơ hội ngắm kĩ ngôi mộ được xây ké trên phần đất đáng lẽ chỉ dành cho 10 cô gái Đồng Lộc. Việt chăm chú nhìn theo hành động kì lạ của lão! Lão âu yếm khoảng định… Gió bần bật. Điếu thuốc đỏ rực, cháy ruội hơn phân nửa chiều dài. Ai đó vừa rít một hơi. Khói lã chã bay lên. Việt sởn gai óc!

“Đừng sợ! Bạn bè thôi!”

Lão vỗ vai Việt bôm bốp, giọng lão cười vang đánh thức cả màn đêm tĩnh lặng của núi rừng Trường Sơn.

“Không, không sợ ạ!”

Việt vẫn mạnh mồm. Việt đang nói dối. Việt hơi sợ! Việt không ngán lão. Nhưng đây là lần đầu tiên Việt ở đây - vào giờ này - trong một không gian như vậy.

Lão gật gù tán thưởng cho động thái gan dạ của Việt. Lão rít hơi thuốc dài, đăm chiêu nhìn sang phía tay phải Việt, nơi điếu thuốc giờ chỉ còn trơ gốc và chút tro tàn.

Quá khứ ùa về…


“Này, đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh nghen!”

Người ở lại, kẻ ra đi.

Lời dặn răng cũng là lời hứa!

Bỏ hành lí trên lưng, xích lại gần chút nữa.

Vai chạm vai, sao hơi ấm vụng về!

Hà Tĩnh ơi, xin chào mi nhé!

Hẹn Sài Gòn, nơi phố thị phồn hoa

Xa đạn bom, xa thời chinh chiến

Ta đi, ta để lại mình ta…

Ta đi, đi miết, hồn ta nh

Ta về, ta ngóng cũng riêng ta

“Mi đi, răng ko chờ ta hỉ? Ta về, ta biết tìm nơi mô!”

“Này, mi bảo đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh mà. Ta về rồi ni! Thế mi mô? Răng mi hận ta rồi trốn luôn hỉ? Mi ơi…”


Lâu lắm rồi, lão không nhắc lại chuyện cũ. Chẳng ai hỏi lão. Chẳng ai muốn hỏi. Lão thèm kể. Nhất là tới cái câu: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”(2), lão hay hát thành giai điệu. Lão thích bài hát này lắm.

“Người yêu bác mất tích luôn sao?”

“Ừ, hòa bình bác bỏ cả gia đình ở Sài Gòn về để gặp người ta, nhưng... Nghe đâu mất trước đó mấy năm. Chả ai biết tung tích…”

Lão lại tiếp tục cái nhìn trìu mến lạ lùng.

“… Nhưng người ta cũng giữ lời hứa. Người ta cũng về đây rồi ni!”

Lão vỗ rầm rập vào ngôi mộ, cười âu yếm.

“Bạn già à, răng thì đi mô cũng vẫn cứ về Hà Tĩnh với tôi hỉ!”

Lão cười toét miệng.

“Bác này, cháu hỏi cái này. Bác không giận cháu hén!”

Lão làm thinh. Việt mạnh dạn tiếp lời.

“Người yêu của bác…”

Việt ngó qua ngó lại như để tìm kiếm người nó đang nhắc tới. Lão chỉ về phía bên phải của nó, ra hiệu “Ở đấy đấy”. Việt gật gù, nó chả biết ở đấy là ở đâu!

“Người yêu bác, là… đàn ông phải không ạ!”

Gió ập đến bất chợt. Lạ, làn gió mang theo hơi thở con người. Việt nghe tiếng rít mạnh ở đâu đấy. Hơi sởn gai óc một tí, nhưng Việt vẫn mở miệng cười. Nụ cười che khuất sự ngập ngừng trong câu hỏi của nó. Lão trố mắt nhìn Việt. Nãy giờ kể cho nó nghe, lão chưa hề đề cập đến chuyện này. Việt làm lão bất ngờ. Mắt lão ngượng ngập. Lão mắc cỡ.

“Sao cháu nghĩ thế?”

Lão cố gắng tỏ ra thản nhiên không bối rối.

Việt đưa tay chỉ cái gốc của điếu thuốc lá cắm trên chân cây nhang. Chết thật, lão sơ ý quá. Lão bật cười ha hả, xoa đầu Việt, rồi rú lên như dại.

“Cuối cùng thì cũng có người biết rồi bạn già à!”

Lão vẫn cười khoái trá, man rợ. Gió lại nổi to, mang tiếng cười của lão vang dội khắp núi đồi.


Mặt trời chưng hửng trên đầu những ngôi mộ lớn nhỏ. Nghĩa trang với nhiều điều kì thú cùng hai ông cháu bị đánh thức bởi tiếng vả lanh lảnh của một người đàn bà.

“Lão Năm khùng, lão mô, trả con ta đây…”

Lão lờ mờ chui ra khỏi mùng, thằng Việt vẫn vùi đầu ngủ say như chết sau lớp mền dày và hôi rình của lão. Lão leo nheo nhòm người đàn bà. Chưa kịp lên tiếng, người đàn bà quát to.

“Thằng Việt mô? Lão làm chi nó?”

Lão im lặng, chỉ tay vào trong nhà. Người đàn bà lướt nhanh qua mặt lão, vừa kịp để lại một cái nhìn khinh bỉ. Bà tròn mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ, mỗi cái nhìn của bà đều mang một sự ghê tởm. Bà nắm lỗ tai Việt kéo mạnh, h

“Đi về, lão bỏ bùa mê mi răng mi chui rúc theo lão hỉ?”

Bà liếc lão muốn rớt cả cặp mắt.

“Bà đang đứng ở nơi không nên đứng đấy!”

Lão phán tỉnh bơ, bỏ mặc đôi mắt láo liên sợ sệt của người đàn bà.

Bà ta vội vã kéo thằng Việt ra khỏi căn phòng, rồi quay lại sả.

“Lão khỏi dọa. Hôm qua ai không biết lão ám chiếc xe cả đêm nằm giữa đèo, sáng nay thợ đến sửa vẫn không nổ, lão đừng có mà độc ác.”

Lão nhìn Việt rồi nói.

“À Việt, cháu nhắn với họ, ai có lấy cái chi ở đây thì mang trả, rồi xin lỗi đàng hoàng, mọi người sẽ tha cho.”

Thằng Việt gật gù, hớn hở giật khỏi cùm tay mẹ, chạy mất. Người đàn bà bĩu môi rồi chạy theo con.

Không lâu sau đó, đôi nam nữ ngày hôm qua quay trở lại, gương mặt thất kinh. Cô gái chìa tay, đưa cho lão 3 viên đá cuội màu trắng đục. Lão gật gù, mỉm cười thỏa mãn trước sự run rẩy của hai người trẻ. Họ đang khiếp sợ.

Lạ thay, người ta không sợ cái thị trấn buồn với mớ xương cốt mà lại đi sợ một con người!

Lão cầm ba viên đá đặt lại đúng nơi mà nó bị lấy đi. Lão chậc lưỡi.

“Cái thuộc về thế giới khác, con người không nên chạm vào.”

Đôi nam nữ ra về trong sự bàng hoàng, họ vẫn chưa tin được những gì vừa xảy ra. Chiếc xe lăn bánh khi trời vừa kịp đứng bóng

Ai thì không chắc, chứ lão thì trăm phần trăm tin vào cái thế giới tâm linh. Nhất là khi lão tình nguyện về nghĩa trang này giữ mộ. Chả ai hiểu động lực nào tạo cho lão sức mạnh to lớn thế. Lão già bệnh hoạn - ngữ danh mà rất nhiều người không- hề- ưu- ái đặt cho lão - lão sống đúng với cái tên đó, một cuộc sống ảo tưởng và kì dị. Và cuộc sống ấy chấm dứt từ hôm nay, khi người cháu ruột của lão - là một doanh nhân có tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh - gặp lão và kiên quyết buộc lão phải rời bỏ nơi này.

Chẳng ai quan tâm đến một lão già bệnh hoạn. Lão bị vứt xó mấy mươi năm. Hôm nay, người đàn ông ăn mặc lịch lãm đến đón lão, chẳng phải vì nghĩa ruột thịt. Ông ta không cho lão ở lại cái nơi vốn thuộc về lão chỉ với một lí do - tai tiếng. Lão gây quá nhiều tai tiếng và phiền toái cho người dân vùng ở đây, nên họ đã liên lạc với bà con lão. Dĩ nhiên, kết quả là thế!

Lão không muốn đi. Nhưng lão chẳng thể ở lại. Lão có ưa chi cái gia đình quí tộc hám danh đó. Cuộc sống của lão chỉ cần là những buổi liên hoan, tiệc nhạc hằng đêm cùng núi rừng hùng vĩ và những làn gió mang hơi thở người. Lão tiếc nuối cuộc sống ấy. Lão tiếc nuối người-bạn-già của lão. Lão không muốn đi mô nữa! Lão chỉ muốn ở lại Hà Tĩnh này thôi.

“Răng đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh mà, ông bạn già à!” - Có lẽ đây là lần cuối cùng lão được nhìn âu yếm vào màn đêm thăm thẳm kia. Đôi mắt lão ngân ngấn. Đêm hôm nay là đêm chia tay. Hệt như cái đêm 35 năm về trước, ngày lão phải từ bỏ Hà Tĩnh để vào Sài Gòn học. Ngày ấy, hai con người, một lời hứa. Bây giờ, chỉ mình lão, lời hứa vẫn được thốt ra trên cặp môi tái tím vì thuốc lá.

“Chờ tôi! Tôi về mà. Đừng bỏ tôi như ngày xưa, bạn già hỉ!”

Lão nghẹn từng câu chữ. Gió lại nỗi từng cơn, rít thẳng vào gương mặt lão. Ai đó đang âu yếm đôi hốc mắt khô khổ kia của lão. Ai đó đang vuốt nhẹ hàng nước mắt chảy dài trên hai bọng mắt thâm quầng của lão. Và ai đó - phải chăng làn gió - mặc dù rất lạnh lẽo nhưng lại sưởi ấm trái tim lão như những cái siết chặt.

Lão tru lên man dại. Cảm giác quằn quại quấn lấy lão suốt đêm dài. Lão mang cả cuộc đời lão chôn giấu ở đây - ngã ba Đồng Lộc. Vậy mà những năm cuối cùng, lão bị tước đi cái quyền được sống. Lão biết, sắp tới là chuỗi ngày buồchán và tẻ nhạt.

Đêm nay, ngã ba Đồng Lộc thức cùng lão. Mười cô gái và một chàng thanh niên cũng thức cùng lão. Tiếng hát cất cao, đưa tiễn lão Năm khùng.

“Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”

Điệp khúc được lập đi lập lại. Lời răn dạy hay thậm chí là cả sự van nài. Bước chân lão bịn rịn… Xe lăn bánh, lão cố ngoái đầu. Thoáng đâu đấy, chàng thanh niên ngày xưa của lão đứng đó, vẫy tay chào. Lão khóc…

Tạm biệt nhé, bạn già của đời lão!


“Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”

“Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”


1. Từ địa phương: Ni: này; mi: mày; mô: đâu, không; hỉ: nhỉ, nhé; cái chi: cái gì…

2. Lời bài hát: Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh.

Bạn đang đọc Hành trình về thị trấn buồn tênh của Nhiều tác giả
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 14

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.