Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Găng tay xanh – phần 7

Phiên bản Dịch · 1425 chữ

Mười người sống trong một phòng kí túc. Nghe thì có vẻ chật nhưng thực chất căn phòng khá dái nên ai cũng có nhiều khoảng không. Thông thường nếu không la cà ở ngoài, lên thư viện đọc tạp chí hay đi chơi cùng bạn bè khác chúng tôi về phòng, mỗi người một góc, thỉnh thoảng mới nói chuyện với nhau. Vậy mà tuyệt nhiên không khí chẳng hề căng thẳng. Có lẽ như vậy dễ chịu hơn, biết nhau vừa đủ, thảnh thơi vừa đủ và cảm thấy rất an toàn. Tựa như một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, thấy mẹ và bố ngồi xem ti vi, chị gái đeo headphone học tiếng Anh còn mình quấn chăn kín mít, rúc rích lướt mạng đọc truyện cười. Có lẽ điều quan trọng là thấy mình được bao bọc trong tình yêu thương, người thân của bình đang vô cùng bình an và ở rất gần mình. Vì vậy dù không ai nói chuyện với ai, nhưng mọi thứ xung quanh thân quen và yên bình đến lạ.

Ngoại trừ sáu người khác là sinh viên của trường, mà thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp, nên không có ấn tượng gì lắm thì bốn người còn lại dường như gần gũi với tôi hơn.

Huyền – cô gái nhỏ thó thích màu vàng, thường bất chợt cất lên một câu hát nào đó mỗi khi có hứng. Màn giới thiệu khi làm quen ồn ã, nhanh nhẹn và phô trương như tính cách của một cô nàng Sư Tử. Trong khi đó Cúc lại tỏ ra không thích trò chuyện nhiều. Cô sống kín đáo, thường làm mọi thứ nhẹ đến hết sức có thể, như sợ đồ vật bị đau. Người còn lại chúng tôi hay gặp hơn cả tên Ánh, sinh viên của trường chứ không phải thực tập sinh như chúng tôi, hay đi tham dự các hội diễn ca nhạc nên vẫn thường hai – ba ngày vắng mặt ở phòng. Thỉnh thoảng Huyền vẫn nhảy sang giường tôi rỉ tai về Ánh, về loại son môi hàng xịn của Pháp, về loại mascara tuyệt hảo mua bên Mỹ, cùng vân vân thứ mỹ phẩm khác mà với số tiền đi hát theo phong trào của trường không thể nào mua được nhiều thế. Bằng chứng là khi ở dưới Sài Gòn, mới chỉ bước vào The Face Shop thôi mà Huyền đã phải cúi gằm mặt mang một lọ kem dưỡng da về, dù trước đó còn hùng hổ lên một bảng danh sách vài ba món cần mua để trùng tu vẻ đẹp. Tôi thực lòng không quan tâm tới chuyện đời sống riêng của chị Ánh, vì cuộc sống mỗi người một khác. Người ngoài nhìn vào có thể thấy là A, B, C nhưng bản thân người trong cuộc mới hiểu còn có D, E, F nữa.

Như năm tôi học lớp mười, cô giáo chủ nhiệm luôn dành nhiều ác cảm cho những bạn học sinh quậy của lớp. Giờ sinh hoạt luôn là cực hình với những tràng nhiếc móc, “tôi không thích em nhuộm tóc, tôi ghét phải kiểm điểm các em trốn học, tôi rất bực mình mỗi khi nhìn thấy quá nhiều điểm kém ở sổ đầu bài…”, mà chưa bao giờ cô dừng lại để hỏi “Vì sao lại thế?”. Có những bạn vì tóc bạc sớm (mẹ tôi thường nói là do máu xấu) nên phải nhuộm tóc để che đi sự xấu hổ, trêu chọc của mọi người. Có những bạn sức học chỉ tầm trung, chưa kịp lấy lại căn bản thì lại thụt lùi vì những đợt sóng bài học nâng cao từ các lớp học thêm bắt buộc, từ bài giảng quá nhanh trên lớp của thầy cô. Đối với họ, khi bị điểm một thường xuyên, nếu dành được điểm năm do tự sức mình làm thì cảm giác tuyệt vời hơn nhiều so với một học sinh luôn được chín, mười điểm và lần kiểm tra tiếp theo vẫn đạt số điểm đó. Nhưng đôi khi cuộc sống là vậy, tiêu chuẩn của người khác, của người xuất sắc luôn được (bị) áp dụng lên mọi người. Vô hình chung những người yếu sẽ phải “gánh” quá nặng, trước khi kịp củng cố sức mạnh để bứt lên.

Nói về chuyện của chị Ánh, Huyền bày tỏ thái độ ghen tị vì chị có một cuộc sống đầy đủ, sung sướng, sang trọng. Nhưng tôi biết, kể cả nếu chị có phải “cặp” với đại gia để đổi lại sự quý phái thì chị hay những người như chị đều phải trả một cái giá nào đó. Nghèo đói cũng có cái giá của nó và giàu có cũng y như vậy! Biết đâu được trong những lúc mọi người còn mê mải ngủ, thì chị nhịn ăn để chạy chương trình. Trong lúc mọi người đang rong chơi ngoài kia thì chị lên xe di chuyển tới một nơi khác, luyện thanh rạc họng đợi để được lên sân khấu. Và giả chăng trong khi chúng ta có thể phẫn nộ với những người mình không thích, cười nói với những người mình yêu, được quyền lựa chọn đi chơi với ai, từ chối lời mời của ai; thì có thể chị chẳng còn sự lựa chọn nào khác, luôn miệng phải cười nói tiếp chuyện, vận lên người những bộ trang phục không hợp tuổi như một con rối bị giật dây. Tôi cũng đã từng có một cô bạn đi làm PG ở quán rượu. Tiếp thị rượu và thuốc lá cho bất cứ ai là công việc khó khăn và càng kinh khủng hơn khi cứ phải ra vào bar như về nhà. Đủ mọi loại người, đủ mọi sự khả ố, có tên còn thích sàm sỡ, giở trò nhưng chỉ cần một cái bạt tai hay phàn nàn của khách, ngày hôm sau bạn tôi không còn xuất hiện được ở đó. Và thế nghĩa là số tiền để trang trải ột gia đình có ông bố nát rượu bị chặn đứng. Có đau đớn không khi ở trong một gia đình bị rượu phá tan tành, lại phải làm một công việc chào mời và đon đả với chính thứ kẻ thù rượu ấy?

Đôi khi vẩn vơ nghĩ, tôi thầm tự cảm ơn gia đình mình thật may mắn, hơn rất rất nhiều số phận những con người khác. Và thực tế, nếu rơi vào hoàn cảnh của những người như bạn tôi, có lẽ tôi không thể nào mạnh mẽ được như thế!

Chị Ánh có thể rơi vào hoàn cảnh như bạn của tôi hoặc không – như một bộ phận người khác, thích ăn chơi trưng diện hơn là lao động chăm chỉ. Nhưng thế thì sao? Cuộc sống của mỗi người là do mình tự quyết định. Chứng kiến cuộc đời vươn lên của bố mẹ, tôi mới biết những giá trị làm ra bằng chính đôi tay, đôi chân và khối óc của mình thì sẽ luôn bền vững dù gặp sóng gió hay hoạn nạn; còn những thứ giả dối khác, đắp lên người khi không phải nhọc công tìm kiếm, hành động chân chính thì chẳng bao giờ có thể ở mãi bên ta. Trở mình trong chăn với những suy nghĩ chạy lan man, bỗng dưng tôi nhớ tới câu chuyện mà chị gái ưa thích đã kể cho tôi:

Một con gà tây trò chuyện với một con bò. “Tớ muốn mình có thể trèo tới trên ngọn cây kia,” nó thở dài than, “nhưng tớ chẳng đủ sức”. “Sao cậu không nhấm nháp chút đồ phế thải của tớ?”, con bò đáp, “Bổ lắm đó.” Con gà tây đớp vào đống phân bò và thực sự có được sức mạnh để trèo được lên một cành cây thấp nhất. Ngày hôm sau, sau khi đớp thêm một mớ phân bò nữa, con gà tây leo lên được cành thứ hai. Cuối cùng, sau bốn hôm đớp phân bò như thế, con gà tây hãnh diện trèo được lên đậu trên ngọn cây. Tức thì nó bị một nông dân trông thấy, và ông ta bắn nó rơi khỏi ngọn cây. Bài học xương máu là: Xạo sự, dối trá có thể đưa anh lên đỉnh cao, nhưng không giúp anh bám trụ được lâu dài.

Đọc tiếp Găng tay xanh – phần 8

Bạn đang đọc Găng Tay Xanh của Septiny
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 5

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.