Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Ba bài pháp định hướng

Phiên bản Dịch · 1955 chữ

4. Ba bài pháp định hướng

Dưới đây là 3 bài pháp của thiền sư Viên Minh mà tôi nhận thấy rất quan trọng để giúp bạn đọc có định hướng đúng đắn về con đường tu tập trở về chính mình.

(1) MỤC ĐÍCH THẬT SỰ CỦA ĐẠO PHẬT

Chúng ta cần biết mục đích thật sự của Đạo Phật là gì, Đạo Phật không như những Tôn giáo khác hay một số phương pháp hành trì khác. Đa số hành trì với mục đích trở thành hay đạt được lý tưởng sở cầu gì đó. Thí dụ muốn Tiểu ngã thành Đại ngã, muốn đến Thiên Đàng, muốn đắc Định, đắc Tuệ này Tuệ kia hoặc muốn thành Phật, thành Bồ Tát, muốn tới cõi Cực Lạc, Niết- bàn v.v... Nhưng thật ra Thiền là đốt cháy tất cả mọi lý tưởng ảo đó để đối mặt với hiện thực. Thiền dịch từ vài thuật ngữ, như từ "Jhāna" nghĩa là sự đốt cháy, động từ "Jhāyati" là thiêu đốt, đốt cháy hoặc thắp sáng. Còn từ "bhāvanā" nhiều người dịch là tu tập hay phát triển nhưng nên dịch là phát huy thì đúng hơn, bởi vì phát huy có nghĩa là đã sáng sẵn rồi chỉ cần sử dụng cái sáng đó ra thôi, còn tu tập thì có tính rèn luyện, chỉnh sửa, và phát triển lại là ít làm thành nhiều, nhưng cái tâm chói sáng (pabhassaracitta) mà Đức Phật dạy thì không tăng không giảm.

Ngôn ngữ Thiền rất bí hiểm, có nhiều dịch giả không biết gì Thiền nhưng giỏi tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ nào đó rồi dịch sách Thiền, nên khi dịch vô tình đã phản lại Thiền, cho nên Thiền là không thể dịch, mà chỉ nói thẳng ra từ cái thấy - thực chứng. Trong đạo Phật cái chính là thấy ra sự thật mà dẫn đầu là chánh kiến. Chánh kiến có nghĩa là thấy sự thật, thấy mọi sự mọi vật đúng như tánh tướng thể dụng của nó, trong khi những tôn giáo khác đề cao những yếu tố phụ như đắc Định, đạt thần thông, được an lạc v.v... nói chung là họ luôn nỗ lực rèn luyện thành sở đắc gì đó mà họ vọng cầu để chứng tỏ tài năng của bản ngã mà thôi!

Đạo Phật chính yếu là thấy ra Sự Thật, nhưng Sự Thật vốn đầy đủ nơi mỗi người, và ở khắp mọi nơi, đặc biệt là đầy đủ nơi chính mình nên Đức Phật dạy chỉ cần nhìn lại (ehipassiko) thực tại hiện tiền (opanayiko) thì thấy ngay (sandiṭṭhiko) không trải qua thời gian (akāliko) mà người trí liền tự chứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi). Nên Thiền Tông nói "thấy thì thấy ngay, đắn đo suy nghĩ là sai” nghĩa là thấy thì thấy trực tiếp không qua tưởng là, nghĩ là, cho là... của lý trí vọng thức. Chánh kiến là trực nhận sự sinh diệt của mọi hiện tượng thân thọ tâm pháp. Thiền không cần phải tìm kiếm, chỉ ngay đây mà thấy. Cái gì thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm được đều là thực kiện. Thực kiện là sự thật, chỉ có ảo tưởng mới biến sự thật thành ảo mà thôi, còn sự thật vẫn sự thật như nó đang là. Từ "bổn lai", “như thị”, “hiện hữu” đều chỉ "cái đang đây" hay "cái vốn như nó đang là". Thí dụ "bổn lai vô nhất vật" tức cái đang như thế là như thế, không thể cho nó là gì cả. Tưởng là, cho là chỉ vẽ rắn thêm chân nên đều là ảo!

Cũng giống như Đức Phật tự gọi là "Như Lai" để chỉ "cái đang đây" thay vì nói Ta, Tôi theo tục đế.

"Cái đang là" là chân lý, là sự thật, là mọi sự mọi vật như chính nó, có thể thấy ngay nơi thực tại thân thọ tâm pháp, không phải là lý tưởng cao xa huyễn hoặc. Do đó Đức Phật dạy:

*Tự mình nương chính mình,

Không nương nhờ ai khác,

Trở về tánh thuần tịnh,

Là chỗ nương hy hữu".*

Hầu hết các Tôn giáo lại nương tựa vào tha lực ở bên ngoài. Nhưng thật ra tha lực và tự lực không phải là hai. Vì nếu nói tha lực và tự lực tức nói có ngã có nhân, đưa đến quan niệm tiểu ngã, đại ngã. Chỉ có Sự Thật bao trùm khắp mọi nơi, khi ở trên pháp tướng thì thấy muôn sai ngàn biệt, nhưng khi ở trong pháp tánh thì vạn pháp đồng nhất - bất nhị - không có tự lực, tha lực gì cả. Nói tu phải tự lực là không đúng, vì tự lực là bản ngã, nhưng nói phải nhờ tha lực cũng sai vì như thế bản ngã càng được tăng cường. Nói tự nói tha nhưng cũng đều là Pháp cho nên không có gì là tự mà cũng không có gì là tha cả.

Ví như nước ở đại dương, bên này do duyên khởi lên một cơn sóng, bên kia do duyên cũng khởi lên một cơn sóng, rồi sóng này cho mình là "tự" và thấy sóng kia là "tha", nên mới cho là có tự lực và tha lực. Nếu thấy tất cả là nước thì không còn tự hay tha gì nữa cả. Tự tha chỉ là ảo tưởng. Cho nên, việc đầu tiên và cuối cùng của người tu là thấy Pháp - thấy Sự Thật (tánh, tướng, thể, dụng) như nó đang là mà thôi. Hay như Đức Phật dạy rất giản dị: trọn vẹn rõ biết khi đi, khi ngồi, khi thở, khi uống, khi ăn v.v... soi sáng thực tại đang là chính là Thiền.

Khi đi không tự rõ biết tức Vô Minh, khi đi tự rõ biết tức Minh. Thiền chỉ là soi sáng lại thực tại thân thọ tâm pháp để thấy ra Sự Thật, đó gọi là chánh kiến. Có chánh kiến thì sẽ có chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Nhiều người cố tu làm sao để suy nghĩ, nói năng, hành động cho đúng, cố đạt được thiền định cho cao v.v... rồi đặt ra phương pháp, khuôn mẫu này nọ để hành trì nhưng họ không thấy rằng phải có chánh kiến (thấy biết đúng) mới có hành vi thân khẩu (ngữ, nghiệp, mạng) và tâm (tấn, niệm, định) tốt được. Nếu nhận thức không đúng mà cố làm cho tốt thì cái gọi là tốt đó cũng chỉ là sai xấu mà không hay.

Thiền có rất nhiều định nghĩa, không có định nghĩa nào nhất định mà chỉ tùy vào căn cơ trình độ người hành khác nhau mà nói. Có thể nói Thiền là đọc lại cuốn sách chính mình hay chính mình là cuốn sách mà mỗi người cần phải đọc nó hằng ngày. Đơn giản như các xướng ngôn viên đọc các bản tin từng chữ chạy lên màn hình, hiện ra chữ nào họ đọc chữ đó. Thiền cũng vậy, hãy đọc từng "chữ" - từng sự kiện - diễn ra đang sinh diệt nơi thân như khi đang đi, đứng, ngồi, nằm v.v..., thậm chí Đức Phật còn dạy cả khi đi vệ sinh; nơi tất cả biểu hiện của cảm xúc, cảm giác; nơi trạng thái hoặc thái độ Tâm và nơi sự tương giao hay mối quan hệ với hoàn cảnh xung quanh.

Thái độ tâm có tính chủ động và trạng thái tâm có tính thụ động, khi có một thái độ thì thường kèm theo các trạng thái. Thí dụ như tâm nổi sân là thái độ, liền ngay đó kèm theo các trạng thái tâm như bực bội, bức xúc, nóng nảy, bất an... (chưa kể những trạng thái nơi thân như nhiệt độ tăng, tim đập mạnh, thần kinh căng thẳng... và cảm giác khổ). Những sự kiện diễn biến xảy ra đó đang giúp mình đọc được Sự Thật nơi chính mình mà không cần tìm kiếm đâu xa. Nếu khởi tâm tìm kiếm thì liền đánh mất thời-vị- tính của thực tại, mất đi cái tại đây bây giờ như nó đang là. Đơn giản như cầm ly nước lên, uống, nuốt, để ly nước xuống... như thế nào nước đều trọn vẹn thấy biết rõ ràng minh bạch là Thiền. Toàn bộ đời sống diễn ra nơi mình đều là đối tượng để soi sáng, nếu biết soi sáng lại toàn bộ đời sống ấy, không loại trừ bất cứ điều gì, thì đó chính là Thiền.

Trong thời Đức Phật tại thế, khi có người tìm đến vấn Đạo, Phật chỉ ra Sự Thật ngay nơi người đó, người đó liền nhìn lại chính mình và lập tức thấy ra (chứng ngộ). Học cách chỉ thẳng đó của Phật, chúng ta nên thấy ra nguyên lý để mỗi người tự trở về với chính mình hầu có thể tự thấy ra Sự Thật chứ không theo bất cứ phương pháp hay khuôn mẫu nào để phải hành theo. Thiền là giác ngộ ra thực tại thân tâm nên mỗi người mỗi riêng không ai giống ai. Nhưng vì tiện lợi cho nhiều người nên phải định ra thời gian đến chùa hành thiền, nghe giảng, tham vấn. Đó chỉ là học tập để biết thiền là gì thôi. Đến khi thông suốt thiền là gì thì đừng nghĩ rằng chỉ có thiền trong chùa mà cần phải trở về với chính mình để tự trải nghiệm, chiêm nghiệm và chứng nghiệm sự thật trong toàn bộ đời sống ngay đây và bây giờ.

(2) CHÍNH MÌNH LÀ CUỐN KINH KỲ DIỆU NHẤT

Cuốn kinh vô cùng quan trọng mà mỗi người cần phải đọc thật kỹ lưỡng đó là chính mình. Chính mình là cuốn kinh vi diệu nhất không có kinh luận nào có thể sánh bằng. Bất kỳ kinh luận nào dù vi diệu đến đâu cũng không thể nói hết sự thật nơi thực tại thân- thọ-tâm-pháp sẵn có ở mỗi người. Toàn bộ những lời Phật dạy cũng chỉ giới thiệu sự thật đó mà thôi. Hãy đọc cuốn kinh nơi chính mình! Ai thấy sự thật ngay nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nơi tất cả cảm giác cảm xúc, nơi những phản ứng, những thái độ, những trạng thái nội tâm, nơi sự tương giao và mối quan hệ với vạn pháp xung quanh... người ấy dễ thông suốt toàn bộ lời dạy của Phật mà không bị giới hạn bởi ngôn ngữ được thuật lại và biên tập về sau thành kinh điển.

Như trên tấm bản đồ, người ta chỉ phác hoạ sơ nét con đường đi thôi, còn thực tế con đường phong phú hơn nhiều, khác xa với hình vẽ. Nên khi đi trên con đường đó có thể thấy biết bao cây cối xung quanh, cây nào đang nở hoa, hoa nào màu đỏ, hoa nào màu xanh, con đường lát đá gì, rộng bao nhiêu, hai bên đường có bao nhiêu nhà... vô số những điều mà bản đồ không thể nói hết được. Cũng vậy người nào biết đọc cuốn kinh vi diệu nơi chính mình để khám phá ra ở đó sự thật vô cùng phong phú, người đó mới có khả năng xiển dương Phật Pháp nhiệm mầu, vì Phật Pháp không phải là ngôn từ được tường thuật lại trong kinh điển mà người sau đã thêm thắt và chú giải chủ quan theo lý trí hơn là chỉ thẳng sự thật.

Bạn đang đọc Đạo Trading của Vô Vi
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi yy14742415
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 7

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.