Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

SÁNG NGHIỆP (1)

Tiểu thuyết gốc · 2508 chữ

Chương 55 : SÁNG NGHIỆP (1)

Cung điện Buckingham là tư dinh của nữ vương Britain, đồng thời cũng là Cung điện Hoàng gia kể từ triều đại nữ vương Victoria. Hiện tại, gia đình nữ vương đang sống và làm việc tại đó.

Yến hội ở Cung điện Buckingham được tổ chức với quy cách rất cao, chỉ những người có thân phận cao quý mới có thể tham dự. Đây là lần đầu Adalbert đến Cung điện Buckingham, gặp mặt đông đủ các thành viên của vương thát Britain (nhà Hanover), và cậu tạm thời không biết được ý nghĩa của việc này. Cậu chỉ nghĩ rằng đây là một bữa tiệc Giáng Sinh bình thường mà thôi. Do đó, thái độ của cậu cũng bình thường, không hề tỏ ra căng thẳng hay có gì khác lạ.

Tham dự yến hội có hơn 100 khách mời, gồm các thành viên vương tộc, các đại quý tộc, thành viên chính phủ và đại diện các phe phái trong nghị viện. Mỗi vị quý khách đều có thân phận hiển hách. Chỗ ngồi của Johannetta khá gần với nữ vương Victoria, do gia thế cùng với mức độ sủng ái của nữ vương đối với nàng. Adalbert được sắp xếp ngồi ngay bên cạnh Johannetta. Ở đây, trừ Johannetta, cậu không quen thân với ai hết, nên vị trí đó là thích hợp với cậu nhất. Hơn nữa, địa vị xã hội của cậu và nàng tương đồng – vương tử và công chúa.

Yến hội ở Cung điện Buckingham dù có trang trọng hơn thì tiến trình cũng giống như các yến hội khác, sau phần ‘yến’ là đến phần ‘hội’, mà tiết mục chủ yếu là khiêu vũ. Thật ra mà nói, đó không chỉ là thói quen, là truyền thống, mà bởi vì thời bấy giờ những trò giải trí thích hợp với giới quý tộc chưa nhiều, chủ yếu là khiêu vũ, cưỡi ngựa, đánh kiếm, hay xem ca kịch, nhạc giao hưởng, múa ballet, ... Trong đó thích hợp với yến hội kiểu này chỉ có khiêu vũ. Đương nhiên, những người có nhiều hứng thú với việc khiêu vũ đa phần là các thanh thiếu niên nam nữ, bởi bọn họ có thể kết hợp thành ‘vũ bạn’, công khai đàm tình thuyết ái, ôm ấp lẫn nhau; còn trưởng bối của họ, các đại nhân vật, sau các hoạt động xã giao thì tập trung thành từng nhóm nói chuyện.

Johannetta và Adalbert đều là thanh thiếu niên, nhưng cả hai người đều không có hứng thú nhiều với việc khiêu vũ. Hai người chỉ cùng nhau nhảy một bài để ứng phó, rồi Johannetta dẫn cậu đến chỗ nữ vương, giới thiệu cậu với những người ở đó.

- Cậu ta là Adalbert đó nha !

Những người ở đó gồm có nữ vương Victoria, vương phu Albert of Saxe – Coburg and Gotha, Công tước Adolphus of Cambridge (chú của nữ vương), Công nương Sophia (cô của nữ vương), Tử tước William Lamb of Melbuorne (cố vấn của nữ vương, thủ tướng tiền nhiệm, thủ lĩnh của Đảng Whig), Nam tước Robert Peel (thủ tướng đương nhiệm, thủ lĩnh của Đảng Tory), đều là những đại nhân vật vị cao quyền trọng, thân phận hiển hách hàng đầu thế giới (lúc bấy giờ Britain là cường quốc số một thế giới). Bọn họ nhìn Adalbert với ánh mắt kỳ lạ. Cậu không hiểu, nhưng cũng lễ phép chào hỏi mọi người, thần thái tự nhiên, thái độ đúng mực, tôn trọng nhưng không quá cung kính.

Nữ vương tươi cười bảo :

- Ta nghe Johannetta nói nhiều về cậu lắm đó nha.

Johannetta lập tức phụng phịu nói :

- Có đâu !

Adalbert cảm thấy hơi bất ngờ. Khi ở trước mặt nữ vương, thái độ của Johannetta trông như một thiếu nữ đáng yêu. Mọi người thấy thần thái của cậu như vậy đều bật cười. Công tước Adolphus cười nói :

- Johannetta chỉ sợ có nữ vương mà thôi.

- Papa ! Có đâu !

Vừa cố tỏ ra dáng vẻ đáng yêu với mọi người, nàng còn không quên giẫm mạnh lên chân Adalbert khiến cậu nhăn mặt vì đau. Mọi người lại bật cười. Không khí tương đối thoải mái. Cả hai người được nữ vương cho ngồi lại đấy tham gia câu chuyện với mọi người. Sau một lúc hàn huyên, Tử tước William Lamb nói về những chuyện vừa diễn ra ở Đế quốc Qing (Thanh) tại Viễn Đông :

- Chúng ta đánh nhau với người Qing (Thanh), vừa tốn của vừa đổ máu mới buộc được bọn họ ký Hiệp ước Nanking( Nam Kinh) , mở cửa giao thương, thế mà hai nước France và United States chẳng mất gì cả cũng giành được những quyền tương tự.

Ý ông ta muốn nói đến Hiệp ước Whampoa và Hiệp ước Wanghia mà Đế quốc Qing (Thanh) vừa mới ký kết với France( Pháp) và United States ( Mĩ). Britain phải huy động khoảng 20.000 quân với 37 chiến hạm tiến hành chiến tranh gần ba năm rưỡi mới buộc được Đế quốc Qing ( Thanh) nhượng bộ. Trong khi đó thì hai nước France và United States chỉ phái một đoàn sứ giả đến mà cũng giành được những quyền lợi tương tự. Không có so sánh thì không có thương hại. Người Britain vô cùng bất mãn, hậu quả tất nhiên nghiêm trọng, chỉ có điều chưa phải đến lúc ‘tính sổ’ mà thôi. Cường quốc số một thế giới đương nhiên cần thể diện.

Nam tước Robert Peel cũng phàn nàn :

- Tuy Hiệp ước đã ký kết hai năm rồi, nhưng việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta không ngờ bộ máy chính quyền của người Qing hoạt động với hiệu suất quá thấp, làm việc gì cũng chậm chạp. Nhiều khi muốn gặp viên quan cai trị địa phương cũng phải mất cả tháng.

Là đối thủ chính trị của nhau, nhưng ở vấn đề này thì Tử tước William Lamb cũng tán đồng :

- Bọn họ cố ý kéo dài thời gian đó mà. Bọn họ kéo Franch và United States vào để làm đối trọng với chúng ta.

Nam tước Robert Peel nói :

- Không phải ta cố ý xem thường bọn họ. Nhưng chúng ta muốn làm gì, hai nước đó có thể ngăn cản được sao ?

Mặc dù France cũng là một cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng hiện tại đang trong giai đoạn suy tàn của “nền quân chủ tháng bảy”, tự lo thân còn chưa xong, nói gì đến việc xung đột với Britain. Còn đối với USA, thực sự mà nói lúc này chỉ là một xứ lạc hậu, chế độ nô lệ thịnh hành, chủ nô dã man tàn bạo, trong khi địa vị quốc tế rất khiêm tốn, còn thua cả Portugal hay Nederland nữa.

Johannetta chợt hỏi :

- Người Qing giàu có lắm phải không ạ ?

Thấy mọi người nhìn mình, nàng liền nói thêm :

- Tại con thấy đồ sứ của bọn họ đẹp thế kia mà ! Châu ngọc, trang sức cũng đẹp nữa.

Ai nấy bật cười. Adalbert giải thích :

- Người Qing không giàu. Chỉ có quý tộc, hương thân giàu mà thôi. Còn dân chúng ở đó rất nghèo. Đa số dân chúng làm nông, mỗi mùa vụ phải nộp tô thuế hết bảy, tám phần mười. Phần còn lại chỉ đủ cho bọn họ ăn cháo cầm hơi, lâu lâu có được bữa cơm, dịp năm mới có được chút thịt là hạnh phúc lắm rồi. Ở đó quá đông dân. Theo thống kê cách nay 10 năm, dân số vào khoàng 401 triệu người, ước tính đến giờ có thể lên đến 420 triệu người. Mỗi người một ít, nhưng tập trung lại là một con số rất lớn. Đa phần tài sản đó tập trung vào tay một số ít quý tộc, hương thân. Không chỉ thế, những người này còn tùy ý sinh sát cưỡng đoạt, bình dân kinh doanh khá giả một chút là có thể gia phá nhân vong, bọn họ gọi chuyện này là “cắt lông cừu”(1). Vì thế bình dân ở đó cũng không có tham vọng làm giàu, chỉ cầu no đủ bình yên mà thôi. Ân ! Hoàn cảnh tương tự như chỗ chúng ta thời Trung Cổ vậy.

Johannetta cũng rất thông minh, vừa nghe xong liền nắm ngay được vấn đề :

- Đa số dân chúng nghèo khổ, cơm không đủ ăn, thì hàng hóa của chúng ta chở sang đó bán cũng đâu có mấy người mua.

Tử tước William Lamb khen phải nói :

- Đúng thế ! Tiểu công chúa thật là thông minh. Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng. Chúng ta chỉ bán được những hàng hóa xa xỉ cho một số ít quý tộc. Vì thế mà cán cân thương mại rất mất cân bằng, chúng ta thiệt hại rất nhiều.

Công tước Adolphus lại tươi cười khen Adalbert :

- Cậu biết nhiều chuyện thật đó nha !

- Dạ ! Đọc sách nhiều thì biết nhiều thôi ạ !

- Thế cậu có cách nào giải quyết các vấn đề mà chúng ta đang gặp phải không ?

Mọi người nghe nói thế đều nhìn cậu. Đây là một thử thách quan trọng. Cậu không vội trả lời ngay, một phần vì thân phận của công tước đại nhân (cha của Johannetta), một phần vì thái độ khác lạ của mọi người. Cậu không hiểu lắm, nhưng cũng suy nghĩ một lúc rồi mới nói :

- Hiệp ước hiện tại chưa giải quyết được các vấn đề căn bản. Trong tương lai, có thể sẽ tái diễn một cuộc chiến tranh nữa.

Mọi người đưa mắt nhìn nhau, Công tước đại nhân lại hỏi tiếp :

- Cậu nghĩ thế à ? Tại sao ?

- Chỉ cần hiểu rõ bản chất của chính phủ Qing là sẽ thấy vấn đề này rất dễ hiểu. Hoàng Đế Qing sử dụng vài triệu người Manchu để thống trị hơn 400 triệu người Han, thu thuế nặng nề trên dân Han để cung phụng cho dân Manchu. Bình dân người Manchu dù không phải làm gì cũng được nhận bổng lộc, bọn họ gọi là “chén cơm sắt”(2). Vì thế mà sự đối lập giữa hai dân tộc là rất lớn. Trong mắt chính phủ Qing, dân Han là thảo dân, là cỏ rác, sống chết tùy ý. Căn bản của chính phủ Qing là dân Manchu, là Peking, là khu vực Huang He. Cũng giống như đối với Đế quốc Russia, nếu vùng Poland thuộc Russia bị tấn công, người Poland bị giết rất nhiều, Sa hoàng phẫn nộ, thì nguyên nhân chủ yếu là cảm thấy bị mất thể diện, chứ dân Poland chết nhiều hay ít e rằng không phải là vấn đề đáng quan tâm đối với ông ấy.

Chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Cũng như ở nước Britain, căn bản là dân English, là khu vực England, còn dân thuộc địa ... Ân ! Cũng có được coi trọng, nhưng không coi trọng lắm. Mọi người đều gật đầu tán thành.

- Ân ! Có lý lắm !

- Cuộc chiến vừa rồi chúng ta chỉ tấn công vùng duyên hải, chưa động đến căn bản của bọn họ nên bọn họ chưa biết sợ.

- Thế kinh tế đình đốn, thương nghiệp tổn thất nặng nề, bọn họ vẫn không sợ sao ?

- Đế quốc Qing khác chúng ta, thương nhân là đê tiện nhất, thua cả nông dân và thợ thủ công nữa.

Adalbert lại nói tiếp :

- Còn căn bản của Hoàng Đế Qing là ngôi Hoàng Đế. Ông ta tự xưng là con của Chúa trời, có quyền hành tuyệt đối, thấy người đẹp thì bắt mang về cung, thấy ai không thuận mắt thì tùy ý xử tử, giam cầm hay lưu đày, hoàn toàn theo ý thích, bất kể đối phương là quý tộc hay bình dân. Trong Hoàng Cung có tam cung lục viện, thất thập nhị phi, tam thiên giai lệ, tùy ý cho ông ta hưởng lạc. Bình dân chỉ có thể có ba vợ lớn và bốn vợ bé(3), thì ông ta có đến chín vợ lớn, 72 vợ bé và 3.000 nàng hầu. Nhiều người vào cung từ nhỏ, đến lúc qua đời vẫn chưa từng được hầu hạ Hoàng Đế. Đã quen với cuộc sống sung sướng như thế, nên ông ta sợ nhất là việc mất ngôi. Ông ta cũng sợ quân nổi loạn người Han hơn quân đội ngoại quốc, vì bọn họ trực tiếp uy hiếp ngôi vua của ông ta. Chúng ta có thể nhắm vào đó mà xử lý quan hệ với Đế quốc Qing. Nếu chiến tranh tái diễn, chúng ta tập trung lực lượng tấn công thẳng vào Peking.

Tử tước William Lamb gật đầu bảo :

- Ân ! Đúng thế ! Chiếm được Peking còn hơn chiếm được mười thành Guangzhou.

Nam tước Robert Peel bổ sung thêm :

- Chúng ta có thể viện trợ vũ khí cho những thế lực chống lại Peking. Để rảnh tay đối phó với quân nổi loạn trong nước, chính phủ Peking chắc chắn phải nhượng bộ trước các yêu cầu của chúng ta. Đến lúc đó, bọn họ không thể cố ý kéo dài thời gian được nữa. Nếu không ..., a a ...

- Tình trạng chiến loạn ở Đế quốc Qing có thể ảnh hưởng đến thương mại.

- Không hề gì. Đế quốc Qing rất rộng lớn. Có những vùng xa xôi mà thương nhân của chúng ta không thể đến đó, ví dụ như tây bắc, tây nam, Tibet hoặc Manchu.

Ánh mắt mọi người chợt sáng lên. Chủ ý hay ! Nữ vương rất hài lòng vì đã định được cơ điều, chính phủ có thể dựa vào đó mà hoạch định chính sách đối với Đế quốc Qing. Còn Adalbert chợt liên tưởng đến Thái Bình Thiên Quốc, một cuộc nổi loạn quy mô lớn và tàn khốc hàng đầu thời kỳ cận đại.

Càng nhìn Adalbert, nữ vương càng cảm thấy hài lòng. Suy nghĩ giây lát, nữ vương chợt hỏi :

- Adalbert. Nếu chúng ta ký Hiệp định mới với Đế quốc Qing thì điều kiện nào cần được ưu tiên ?

- Dạ ! Có hai điều. Thứ nhất, chúng ta không cần mở cửa các cảng khẩu thông thương nữa, nên đòi hỏi ‘nhượng địa’ hoặc ‘tô giới’ do chúng ta trực tiếp quản lý. Quan liêu người Qing hoạt động không có hiệu suất. ‘Nhượng địa’ có thể biến thành thuộc địa. Còn ‘tô giới’ là phần đất do chúng ta trực tiếp quản lý, nhưng trên danh nghĩa vẫn thuộc về Đế quốc Qing, chúng ta chỉ thuê lại mà thôi. Sử dụng ‘tô giới’ có lợi cho thương mại hơn.

Bạn đang đọc Ảo Mộng Nhân Sinh sáng tác bởi ThiếtQuanÂm
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi ThiếtQuanÂm
Thời gian

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.