Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

MỘT NĂM THÀNH TỰU (1)

Tiểu thuyết gốc · 2615 chữ

Chương 47 : MỘT NĂM THÀNH TỰU (1)

Lại nói, sau khi Tổng thống Mohammed Siad Barre bị lật đổ vào năm 1991 bởi các lực lượng bộ tộc ở miền nam Somalia được Ethiopia hậu thuẫn, Somalia rơi vào tình trạng nội chiến. Do tham vọng của những kẻ nhiều dã tâm, do sự xúi giục của các thế lực ngoại quốc, tình hình rất căng thẳng, chiến tranh rất đẫm máu và không hề tôn trọng các Công ước quốc tế về chiến tranh (như đối đãi với tù binh và dân thường). Bốn thế lực quân sự lớn hỗn chiến tranh quyền kiểm soát thủ đô Mogadishu :

Tổng thống bị lật đổ Mohammed Siad Barre của Đảng Xã hội Cách mạng Somalia (XHKS);

Tổng thống lâm thời Ali Mahdi Muhammad của Nhóm tuyên ngôn Somalia (SMG) được Ethiopia hậu thuẫn, là Liên minh của hai tổ chức quân sự : Liên minh Quốc gia Somalia (SNA) và Mặt trận Dân chủ Somalia (SDM);

Tướng Mohamed Farrah Aidid, lĩnh đạo quân sự của Quốc hội Thống nhất Somalia (USC);

Col Jess, lĩnh đạo của Phong trào Yêu nước Somalia (SPM).

Xung đột chủ yếu ở Mogadishu và các bang lân cận, bởi ai chiếm được thủ đô thì có thể tuyên bố chính phủ của bọn họ là chính phủ hợp pháp. Ngoài ra còn có những thế lực nhỏ hơn như Mặt trận Cứu tế Dân chủ Somalia (SSDF), Liên minh Dân chủ Somalia (SDA), ... Riêng Phong trào Quốc gia Somalia (SNM) do Abdirahman Ahmed Ali Tuur lĩnh đạo ở miền bắc ban đầu ủng hộ thống nhất, nhưng vì bất mãn Tổng thống lâm thời của Nhóm tuyên ngôn Somalia (SMG) được Ethiopia hậu thuẫn, nên đã tuyên bố ly khai, thành lập Cộng hòa Somaliland ở các bang tây bắc.

Các phe phái đánh lẫn nhau để tranh giành địa bàn; thậm chí bản thân USC cũng bị chia rẽ nội bộ, các thế lực bên trong USC cũng đánh lẫn nhau để tranh giành quyền kiểm soát Mogadishu. Nội chiến khốc liệt đã diễn ra ở khu vực miền nam Somalia, nơi chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích và chưa đến 1/3 dân số của toàn Somalia. Các bộ tộc cũng đánh nhau do “cạnh tranh về nguồn nước, đồng cỏ chăn thả và ... gia súc” làm tình hình càng thêm tồi tệ. Tình trạng này chỉ có lợi cho Ethiopia vì trước đó Quân đội Somalia dưới thời Tổng thống Mohammed Siad Barre (đã bị lật đổ bởi các lực lượng do Ethiopia hậu thuẫn) đã đánh bại Quân đội Ethiopia và chiếm giữ 90% vùng Ogaden của Ethiopia (nơi có đông người Somalia sinh sống), và chỉ phải rút về nước khi có sự can thiệp vũ trang của 20.000 quân Cuba và hàng nghìn chuyên gia Liên Xô giúp phía Ethiopia.

Hậu quả của cuộc nội chiến làm cho nền nông nghiệp bị tàn phá nặng nề, lương thực thiếu thốn, dẫn đến nạn đói khủng khiếp làm hàng triệu người bị ảnh hưởng, khoảng 300.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải tha hương cầu thực.

Sau trận Mogadishu, người Mỹ không còn ý định cứu trợ nhân đạo ở Somalia nữa, nhưng sự sỉ nhục ở đó khiến nhiều người Mỹ không thể bỏ qua. Vì thế mới có tranh cãi về việc rút quân. Narumi trầm ngâm nhìn vào bản đồ Somalia, hồi lâu mới nói :

- Nói là nội chiến Somalia, nhưng thật ra chỉ có xung đột ở miền nam Somalia.

Macks MacLarty nói :

- Vâng ạ. Miền bắc và miền trung Somalia tương đối ổn định. Ở vùng đông bắc đã thành lập cộng hòa không được thừa nhận Somaliland. Các bộ tộc ở Puntland và Galguduud cũng gần như tự trị, không chịu sự ảnh hưởng của Mogadishu. Người Somaliland đang tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho sự độc lập của họ. Người Puntland và Galguduud hài lòng với sự tự trị và không có tham vọng tranh giành quyền lực quốc gia.

Megumi Ishizuka nói thêm :

- Hoàng đế Bệ hạ. Somaliland trước kia là thuộc địa Somalia thuộc Anh; ở nơi đó tiếng Anh là một ngôn ngữ quan trọng.

Điều này rất quan trọng. Cùng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Anh sẽ dễ có tiếng nói chung hơn. Narumi khẽ gật đầu, từ tốn nói :

- Vì thể diện quốc gia, chúng ta không thể từ bỏ Somalia. Chỉ có điều, từ bỏ Somalia và từ bỏ Mogadishu là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Ở phương đông có câu : “Không có so sánh thì không có thương hại”.

Macks MacLarty hỏi :

- Ý của Hoàng đế Bệ hạ là chúng ta nên ủng hộ Somaliland.

Megumi Ishizuka ánh mắt sáng lên :

- Hoàng đế Bệ hạ. Chúng ta có thể ...

Nghe anh ta trình bày kế hoạch của mình, mọi người đều ngạc nhiên. Narumi suy nghĩ hồi lâu, mới gật đầu bảo :

- Thành lập một nhóm chuyên trách, khởi thảo kế hoạch chi tiết.

Ngay sau đó, một phái bộ đặc biệt của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã đến La Paz, phối hợp cùng bọn Megumi Ishizuka khởi thảo kế hoạch hành động chi tiết. Sau nhiều phen tranh luận, đến giữa tháng 12/1993, dự thảo kế hoạch cơ bản hoàn thành. Các bên đều rất hài lòng, kể cả phe diều hâu lẫn phe bồ câu, bởi nếu kế hoạch được thực hiện thành công, không nói đến lợi ích kinh tế và chính trị (điều này rất quan trọng), thể diện của nước Mỹ cũng được phục hồi, và quan trọng hơn, các kẻ thù của nước Mỹ (Tướng Mohamed Farrah Aidid và các thế lực thù địch với nước Mỹ) sẽ bị trừng phạt thích đáng.

Ngày 20/12/1993, Narumi thông qua kế hoạch. Ngay sau đó, Tổng thống Clinton nhanh chóng phê chuẩn và chuyển giao cho Lầu Năm Góc tổ chức thực hiện. Bộ máy quân sự hành động với hiệu suất cao nhất.

Ngày 24/12/1993, Ashlee Vance đại diện Narumi đến thăm “Cộng đồng Cơ Đốc giáo ở Somaliland”. Đây là một cộng đồng nhỏ chỉ có khoảng 200 người (quốc giáo của Somaliland cũng như của Somalia là Hồi giáo), do Giám mục Djibouti giữ vai trò Quản trị tông đồ. Chuyến thăm đã được giới lĩnh đạo ở Hargeisa đặc biệt trọng thị. Tổng thống Somaliland Mohamed Haji Ibrahim Egal đã hội kiến Ashlee Vance, tố cáo sự tàn bạo của Mogadishu và tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho Somaliland. Song phương đã có “một cuộc nói chuyện hữu hảo, thân thiện và đầy triển vọng”.

...

Một mùa Giáng Sinh lại đến, một năm cũ sắp trôi qua, Lễ hội Giáng Sinh Fujiwara thường niên lại được tổ chức ở La Paz, thành phố thủ phủ của Lĩnh địa Fujiwara.

Hiện tại, Lĩnh địa Fujiwara (Territory of the Fujiwara) về mặt chính trị là một “lĩnh thổ hợp nhất chưa được tổ chức” (the incorporated unorganized territory) theo Hiến pháp Mỹ. Theo đó, Lĩnh địa Fujiwara là một phần “không thể tách rời” của Mỹ, nhưng được quản lý riêng biệt không theo các đạo luật tổ chức chính quyền địa phương của Quốc hội Mỹ, vì nơi đây còn là một lĩnh địa tư nhân. Ở Mỹ, tài sản tư nhân là “thần thánh bất khả xâm phạm”. Lĩnh địa Fujiwara hiện có ba thành phố, sáu thị trấn và 18 ngôi làng; tổng dân số là 712.804 người (còn đông hơn một số bang ở Mỹ). Toàn bộ bất động sản đều là tài sản của Narumi, chỉ cho thuê chứ không bán (giá thuê căn hộ phổ thông ở Olive rất rẻ, cả công nhân ở Ehrennberg cũng sang thuê).

Lễ hội Giáng Sinh Fujiwara đã trở thành một lễ hội quốc tế nổi tiếng (dù mới là lần tổ chức thứ hai), với du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài lễ hội Giáng Sinh, Tập đoàn Công nghệ Mars còn kết hợp giới thiệu các sản phẩm mới, triển lãm các thành tựu công nghệ, thu hút rất đông du khách quốc tế đến tham dự. Các sản phẩm của Mars có vô số fan cuồng nhiệt trên toàn thế giới. Ngoài ra còn có fan của Narumi với số lượng còn đông hơn nhiều. Các phim trường của MGM cũng mở cửa tiếp đón du khách, thu hút rất đông du khách đến tham quan chụp ảnh.

Năm nay du khách đông hơn năm ngoái rất nhiều lần, dù thành phố đã được mở rộng, nhưng vẫn có cảm giác chật chội. Cũng may phạm vi tổ chức lễ hội còn được mở rộng sang thành phố Fantasy (cách La Paz khoảng 1km về phía tây) và thị trấn Hasu (cách La Paz khoảng 1,5km về phía đông bắc). Khoảng cách không quá xa, du khách hoàn toàn có thể đi bộ. Do quá đông người, các phương tiện giao thông tạm thời không thể hoạt động, mọi người cũng chỉ có thể đi bộ. Các khu rừng, vườn cây ăn trái nằm giữa các đô thị cũng là nơi phân lưu du khách rất tốt. Theo ước tính sơ bộ, số du khách đến tham dự lễ hội năm nay sẽ đông đến 4 triệu lượt người, một con số gây chấn kinh toàn thế giới; trong khi dân số của toàn Lĩnh địa Fujiwara mới hơn 700.000 người. Ban tổ chức đã phải nhờ đến hàng nghìn cảnh vệ giữ gìn trật tự.

Lễ hội thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, nên có hàng nghìn ký giả đến từ hơn trăm quốc gia, xông xáo khắp nơi, liên tục đưa tin đến dộc giả, khán thính giả. Những ngày này không chỉ là ngày hội của Lĩnh địa Fujiwara mà còn là lễ hội của toàn khu vực.

Nhờ sự phát triển của Lĩnh địa Fujiwara, khu vực hoang vu đã hàng trăm năm này ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn, kéo theo sự phát triển kinh tế của cả địa phương. Hạt La Paz (County of La Paz) đã quy hoạch thành phố Ehrennberg (cách thành phố công nghệ Olive khoảng 1km về phía tây nam) thành trung tâm phát triển kinh tế, và bang Arizona cũng dành những chính sách ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư vào khu vực này. So với chính sách của bang California ở bên kia sông thì ở đây hấp dẫn hơn nhiều, được nhiều công ty chọn lựa. Vì Lĩnh địa Fujiwara chỉ tiếp nhận những dự án đầu tư công nghệ cao, nên đa số các công ty đã được phân lưu đến Ehrennberg. Từ một thị trấn nhỏ chỉ có hơn một nghìn dân, vài trăm hộ dân cư, 22,7% dân số sống dưới mức chuẩn nghèo, hiện tại Ehrennberg đã phát triển thành một thành phố khá thịnh vượng với hơn nửa triệu cư dân, nhiều khu công nghiệp rộng lớn và một khu thương mại tương đối sầm uất nổi tiếng khắp vùng (đương nhiên không thể so sánh với các thành phố Olive, La Paz và Fantasy lân cận). Theo dự báo, khi các khu công nghiệp hoàn thành, các công ty nhà máy toàn bộ đi vào hoạt động, dân số thành phố có thể tăng đến hơn một triệu người, chiếm một phần ba dân số toàn bang Arizona. Cần nhớ rằng hồi giữa năm ngoái toàn hạt La Paz cũng chỉ có chưa đến hai vạn dân cư. Chính quyền hạt La Paz cũng đã chuyển đến Ehrennberg để tiện quản lý. Dù sao nơi đây hiện cũng chiếm đến 99% dân số của toàn hạt. Đúng, 99%, những ai có thể chuyển đi được đều đã chuyển đến Lĩnh địa Fujiwara (Narumi có hiệp ước với địa phương, ưu tiên tuyển dụng người bản địa) hoặc Ehrennberg, số còn lại chỉ vài nghìn người, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại các trang trại.

Mọi người đều nhìn thấy Ehrennberg sẽ có một tương lai tương sáng. Còn Lĩnh địa Fujiwara đã có hiện tại rất tươi sáng. Theo thống kê mới nhất, trong năm 1993 này ở các đơn vị cấp liên bang thì Lĩnh địa Fujiwara có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, danh tiếng nhất và phát triển sôi động nhất. Nói về danh tiếng và tốc độ phát triển thì cả Hollywood và thung lũng Silicon cũng không bằng.

Heiji Hattori là một thám tử thiếu niên ở Osaka, Nhật Bản. Cậu ta nổi tiếng ngang hàng với Shinichi Kudo, và có sức ảnh hưởng chỉ kém ‘thám tử ngủ gật’ chút ít (điều mà cậu ta không bao giờ chịu thừa nhận). Hattori chỉ thích trinh thám : truyện trinh thám, phim trinh thám và làm trinh thám. Cậu ta không thích chơi game, trong các loạt phim của MGM chỉ thích điệp viên 007, và chỉ khâm phục Hoàng đế Fujiwara vì Ngài có khả năng phân tích còn hay hơn cả cậu ta (trong lần gặp nhau ở nhà thám tử Mori). Nhưng đó không phải là lý do để cậu ta có mặt ở Lĩnh địa Fujiwara lúc này.

Nhìn cậu ta ũ rũ, Kazuha Toyama bảo :

- Đi nhanh lên, Heiji.

Hattori càu nhàu :

- Năm hết tết đến, đi xa thế làm gì không biết.

Cũng như mọi khi, Hattori bị Kazuha kéo theo đến đây, thái độ rất miễn cưỡng. Kazuha nói :

- Ở đây có bán nhiều thứ đặc biệt mà ở Nhật Bản không có. Có mấy thứ mà tớ và Ran sẽ phải tìm mua cho bằng được.

Sonoko cũng nói :

- Lễ hội Giáng sinh Fujiwara nổi tiếng nhất thế giới. Chúng ta hưởng thụ không khí lễ hội ở đây mới vui chứ.

Dịp Giáng Sinh năm nay, Sonoko đột nhiên có ý tưởng đến Mỹ tham dự Lễ hội Giáng Sinh Fujiwara danh tiếng, vì nghe nói ở đó có bán nhiều món hàng đặc sản nơi khác không có (hoặc chưa có), lại còn có cơ hội gặp Hoàng đế Fujiwara nữa. Cô bé rủ Ran đi cùng, người này truyền tai người kia, cuối cùng tổ đoàn cả chục người cùng đi. Sonoko và Ran, có Ran đương nhiên có Conan, Kazuha nghe nói cũng quyết định đi chung, đương nhiên Hattori cũng phải đồng hành, sau đó đám nhóc Thám tử nhí cũng đòi đi theo. Vì có đám nhóc nên phải có người lớn đi cùng. Lẽ ra là Thám tử Mori, nhưng mọi người không tin tưởng lắm, sợ ông ta nhìn thấy nhiều mỹ nữ rồi quên hết mọi chuyện, nên ông Tiến sĩ Agasa đi theo làm người giám hộ. Tóm lại, đoàn có 10 người : Tiến sĩ Agasa, Haibara, Conan, Yumi, Mitsu, Genta, Ran, Sonoko, Hattori và Kazuha. Tiến sĩ Agasa hiện đã là một triệu phú giàu có với thu nhập hàng trăm triệu yên mỗi năm, chi phí của đám nhóc do ông Tiến sĩ đài thọ.

Nhìn thấy Hattori ủ rũ, Genta cười hề hề hỏi :

- Anh Hattori làm gì mà như gà mắc mưa thế ? Bị Conan giành ăn đồ ăn hả ?

Trong mắt Genta, đồ ăn là quan trọng nhất. Nếu bị giành ăn thì cậu bé cũng sẽ như vậy. Còn Mitsu lại nói :

- Hay là bị chị Kazuha ăn hiếp ?

Bạn đang đọc Ảo Mộng Nhân Sinh sáng tác bởi ThiếtQuanÂm
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi ThiếtQuanÂm
Thời gian
Lượt đọc 1

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.