Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Lời Nguyền Tây-hồ, Hy-cương

Phiên bản Dịch · 10619 chữ

Sau khi bàn với Mỹ-Vân, nó tập họp các Khả-hãn Tây-hồ lại, nói :

- Anh em chúng ta hoạt động ở Thăng-long đã mấy năm. Bây giờ các em đều lớn, võ công các em cao, kiến thức rộng, lại kinh nghiệm. Ta muốn phân chia các em đi khắp Đại-Việt. Mỗi em phụ trách một trấn, hay một huyện, quy tụ bọn thiếu niên cùng khổ đem về luyện văn, dạy võ. Mỗi huyện, mỗi trấn sẽ rập khuôn theo tổ chức Thăng-long.

- Bao giờ thì thi hành ? Anh định chia vùng ra sao ?

- Trước hết chúng ta hãy đi Phong-châu, làm lễ tế cáo trước đền thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu đã.

Bọn trẻ vỗ tay hoan hô. Khả-hãn Nhất-Hào xoa tay vào nhau tỏ vẻ thích thú :

- Anh đã nhiều lần kể chuyện vua Hùng dựng nước. Các em từng đọc sách rằng vua Hùng đóng đô ở Phong-châu. Bây giờ anh em chúng ta mới được hành hương đền thờ vua Hùng. Hà!

- Bàn vậy thôi chứ. Còn lâu lắm.

Mỹ-Vân giảng giải :

- Ngày giỗ vua Hùng là mùng 10 tháng 3. Vào ngày đó, cả nước đều trẩy có hội. Bây giờ là tháng tư. Còn lâu mới tới ngày hội.

- Đi lễ vua Hùng cũng như thăm cha, thăm mẹ. Lúc nào mà chả được, việc gì phải chờ đến ngày giỗ ?

Bọn Khả-hãn reo lên mừng rỡ. Khả-hãn Ngũ-Hào hỏi :

- Bao giờ chúng ta đi ?

- Ngày kỉa.

Bọn trẻ reo mừng.

Ghi chú của thuật giả:

Tiếng Việt cổ :

Ngày kỉa tức sau ba ngày.

Ngày kìa, sau bốn ngày.

Ngày kĩa, sau năm ngày.

Hôm kỉa, trước ba ngày.

Hôm kìa, trước bốn ngày.

Hôm kĩa, trước năm ngày.

Mỹ-Vân đề nghị:

- Trước kia thì chúng ta chỉ có Đại-hãn, tôi, với 18 em. Vỏn vẹn có hai mươi người. Bây giờ số thiếu niên ăn mày, kẻ cùng khổ trong các trang ấp...lên tới hàng mấy vạn. Ta phải đặt ra một cái tên để gọi cho tiện. Vậy sư huynh ngĩ sao?

- Đúng đấy! Để tránh việc bọn mặt dơi, tai chuột bàn ra tán vào, ta cần đặt một cái tên có nguồn gốc. Tôi nghĩ ta nên đặt là Văn-lang, Âu-lạc, Lạc-Long quân, Âu-Cơ... hay Lĩnh-Nam, Đại-cồ Việt chẳng hạn.

Cả bọn bàn luận một lúc, rồi quyết định chọn tên là Lĩnh-Nam, vì thời Lĩnh- Nam, vua Trưng đã quy tụ anh hùng các nơi rồi khởi nghĩa!

Nhất Anh hỏi:

- Về vụ đi Phong-châu, Đại-hãn định sao?

Thủ-Độ chỉ Mỹ-Vân :

- Anh không quen việc này. Để anh Thanh-Tuyền thống lĩnh chúng ta.

Mỹ-Vân phân chia nhiệm vụ :

- Chúng ta có hai mươi người. Mỗi xe chỉ chở được sáu người. Vậy chúng ta thuê năm xe. Ba xe cho 18 người. Còn hai xe chở hai người với lễ vật.

Nàng chỉ Khả-hãn Nhất-Anh, Nhất-Hào :

- Chúng ta khởi hành từ bến Bắc-ngạn. Vậy hai em đặt thuê sẵn năm xe ngựa trong ba ngày. Lại đặt hai con lợn quay lớn, mười con gà trống luộc, năm mâm xôi, mười mâm ngũ quả, mười bó hoa, mười chai rượu, cùng hương, nến. Ngày kỉa, chúng ta dậy sớm, đến bến Long-biên lúc giờ Mão, đi đò sang Bắc-ngạn, rồi giờ Thìn thì khởi hành.

Tối hôm đó, Thủ-Độ tập trung các Khả-hãn lại, rồi Mỹ-Vân giảng về nguồn gốc tộc Việt : Khởi đầu từ việc vua Minh tế cáo trời đất ở núi Thiên-đài phân chia Nam thành Lĩnh-Nam, Bắc thành Trung-nguyên. Rồi chuyện Quốc-tổ Lạc-long quân kết hôn với Quốc-mẫu Aâu-cơ đẻ ra trăm con. Chuyện bánh chưng bánh dầy. Chuyện vua Hùng sai cống con rùa trên ghi chép phép làm lịch, mục đích truyền phép làm lịch sang Trung-nguyên. Chuyện phò mã An-Tiêm với dưa hấu. Chuyện công chúa Tiên-Dung với phò mã họ Chử. Chuyện Phù-đổng thiên vương đánh giặc Aân, sau ngài là tổ sư phái Sài-sơn. Chuyện phò mã Sơn-tinh, tổ sư phái Tản-viên.

Sau khi Mỹ-Vân giảng xong, Thủ-Độ gọi hàng phở tới để anh em cùng ăn phở gà. Thủ-Độ vừa bưng bát phở lên thì Tiểu-hãn vùng Cổ-ngư tới trao cho Thủ-Độ một thanh tre :

- Thưa Đại-hãn, có cô gái ở trên con thuyền tại bến Tương-Dung gửi cái này cho Đại-hãn.

Mặt Thủ-Độ nóng bừng. Nó biết Kim-Dung gửi cho nó. Nó cầm thanh tre lên xem, bất giác nó ngẩn người ra, vì thanh tre chỉ có mấy chữ Trên con thuyền nhỏ tại Trấn-quốc tự. Nét chữ rất quen thuộc, dường như nó đã thấy ở đâu rồi. Như vậy là Kim-Dung hẹn nó ra chùa Trấn-quốc. Từ Tây-hồ thủy-xá đến chùa Trấn-quốc khoảng một dặm. Nó lấy cây cung đeo vào vai, rồi dùng khinh công đi liền. Tới nơi, Thủ-Độ không phải tìm kiếm, đã thấy ngay trên bến đò cạnh cổng chùa Trấn- quốc, một con thuyền đánh cá nhỏ đậu đó. Tiếng đàn văng vẳng vọng ra. Thủ-Độ định lên tiếng, thì có tiếng Kim-Dung :

- Nhanh thực. Ông vua ăn mày có khác.

Kim-Dung ngồi trong khoang vén màn, vẫy tay :

- Xuống đây !

Thủ-Độ tung mình nhảy xuống thuyền. Kim-Dung cầm sợi giây giật mạnh, cánh buồm dương lên, con thuyền từ từ rời bến. Thuyền ra giữa hồ thì mặt trời đã nghiêng bóng.

Thình lình Kim-Dung phát một chiêu chưởng Đông-a tấn công Thủ-Độ. Nó nhận ra đó là chiêu Đông-hải lưu phong. Không dám coi thường, nó vận công ra chiêu Lạc-nhạn băng sơn của Hoa-sơn đỡ. Binh một tiếng. Con thuyền tròng trành muốn lật. Thủ-Độ cảm thấy cánh tay tê liệt, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng. Nó kinh ngạc hỏi :

- Kim-Dung ! Cái gì vậy ?

Mặt Kim-Dung xịu xuống :

- Người ! Người nói dối ta quá nhiều.

- Tôi dối cô nương hồi nào ?

- Với công lực của người, người thừa sức bóp chết bọn Gia-thụy ngũ-anh như bóp con dế. Thế mà...Thế mà... hôm người ngất xỉu, mẹ ta với ta cứu người. Người bảo những vết thương trên thân người là do chúng đánh người.

Thủ-Độ phân trần :

- Công lực mà tôi có do mới luyện tập gần đây. Hồi ấy công lực tôi thấp lắm.

- Ta không tin.

- Cô nương không tin, thì tôi đành chịu chứ biết làm sao bây giờ.

- Công tử là cháu Đàm hoàng hậu, thì cũng là cháu Đàm Dĩ-Mông, thế sao bọn họ Đàm lại chẳng tử tế gì với công tử? Công-tử cũng chẳng tử tế gì với chúng ?

- Họ là kẻ thù của tôi. Họ giết mẹ tôi, rồi để che dấu tội lỗi, họ bắt tôi mang họ Đàm.

- Tôi cứ tạm tin như thế. Bây giờ tôi xin công tử một chuyện.

- Cô nương cứ nói.

- Công tử cho tôi lĩnh một chức Khả-hãn vùng Thiên-trường được không ?

Thủ-Độ bật cười :

- Vùng Thiên-trường là nơi bờ xôi giếng mật. Ở đó Thần-nông sứ, Khai-hoang sứ, Hải-hà sứ tổ chức làm cho dân chúng sung sướng như thời vua Hùng, vua Trưng, thì làm gì có ăn mày, làm gì có kẻ cùng khổ mà cô nương muốn làm Khả- hãn?

- Bởi vậy tôi mới xin chức đó. Tôi muốn làm Khả-hãn, mà không vất vả gì cả.

- Vậy tôi mời cô nương làm phó Đại-hãn với tôi. Không biết cô nương có thuận không ?

Kim-Dung chìa ngón tay trỏ ra như hình móc câu. Thủ-Độ cũng chìa ngón tay trỏ ra. Rồi hai ngón tay móc vào nhau.

Kim-Dung nói :

- Chúng ta thề trọn đời, dùng hết tâm huyết để giúp người nghèo khổ...

Thủ-Độ tiếp :

- Và...bảo vệ đất nước của Quốc-tổ, Quốc-mẫu, dù việc gì xấu xa mấy cũng làm, bẩn thỉu mấy cũng cam tâm. Miễn giữ được đất nước Việt, bảo vệ được giòng giống Việt.

Ghi chú của thuật giả

Lời nguyền của Kim-Dung, Thủ-Độ trên hồ Tây, gần chùa Trấn-quốc, đền Trấn-võ là đất linh, gặp giờ linh. Vì vậy, suốt cuộc đời Kim-Dung, Thủ-Độ đã làm không biết bao nhiêu điều đi ngược lại với đạo lý, bị người đương thì, bị lịch sử, và cho đến nay, 1998, trải 990 năm, miệng thế còn dị nghị. Nhưng xét về phương diện đại cuộc quốc gia, thì hai người không hề có một hành vi nào làm tổn hại cả.

Kim-Dung nắm lấy tay Thủ-Độ :

- Bây giờ chúng ta là chánh, phó Đại-hãn của bang Lĩnh-Nam mày rồi, tức cùng nhà. Chúng ta hãy so tuổi. Ai lớn làm anh làm chị. Ai nhỏ làm em.

Hai người cùng đem niên canh bát tự ta. Thủ-Độ lớn hơn mười một ngày. Kim-Dung chắp tay:

- Đại- ca.

Thủ-Độ đáp lại:

- Nhị muội.

- Ngày kia Đại-ca đi Phong-châu phải không ? Muội là phó Đại-hãn, muội cũng phải đi với Đại-hãn chứ?

- Đúng vậy ! Sao muội biết ?

- Muội biết, vì muội tôi biết. Đại-ca là Đại-hãn của ăn mày, thì ai mà không biết. Ở Thiên-trường, ông bà muội, bố mẹ muội, chú bác muội suốt ngày bàn luận về Đại-hãn của ăn mày là một thiếu niên kỳ vỹ , tuổi còn nhỏ, mà làm những việc mà vua Trưng có sống dậy cũng phải khen. Không ngờ về đây, muội mới biết thiếu niên đó lại chính là đứa trẻ khốn nạn, mà mẹ muội cứu khỏi cái chết năm xưa.

Kim-Dung lấy ra một cái quả, trao cho Thủ-Độ, miệng nàng chúm chím cười:

- Đại ca đói rồi đó! Muội trả nợ đại ca đấy.

Thủ-Độ mở quả, bất giác nó ngẩn người ra. Trong quả có một điã xôi với mười con chim sẻ quay. Nhớ lại nét chữ trên thẻ tre, nhìn xôi, chim sẻ quay với câu nói trả nợ. Thủ-Độ bừng tỉnh, toát mồ hôi:

- Hỡi ơi! Thì ra cái người theo dõi, hý lộng mình bấy lâu là Kim-Dung. Nào lấy trộm chim sẻ với xôi. Nào đem con gái Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân từ đền thờ vua Trưng về Tây-hồ thủy xá. Nào mách mình thắng tên Đoàn Thượng. Nguy thực, nàng ở trong bóng tối, ta ở ngoài sáng. Mọi hành động của ta nàng đều biết. Nhưng ta không sợ, vì nàng là người chính đạo, lại thuộc loại tâm phúc của ta.

Kim-Dung cười, mặt nàng như muôn ngàn đóa hoa nở, làm Thủ-Độ ngây ngất:

- Đại ca thông minh thực! Sau khi đại ca chôn cái hòm châu báu. Muội trở lại đào lên, viết mấy chữ trêu đại ca. Không ngờ đại ca đã đem đi chỗ khác, rồi lại còn chôn cái hòm đựng gạch để trêu muội nữa chứ!

Thủ-Độ cười hì hì. Nó đánh trống lảng:

- Dung ơi! Dung đi Phong-châu, mà bố mẹ không nói gì ư?

- Bố mẹ có ở Thăng-long đâu? Hai người đang ở Thanh-hóa. Tại Thăng-long muội chỉ có hai ông anh thôi. Mấy hôm rồi muội mải theo dõi đại ca, không thuộc bài, bị ông anh cả đọc cho một bài kinh A-di-đà. Muội giận, bỏ đi với đại ca mấy ngày, để ông ấy tìm cho bõ tức.

- Hai ông anh của Dung khó lắm sao?

- Không! Hai ông ấy sủng ái muội vô bờ bến. Muội học văn với mẹ, học võ với ông nội. Khi xa mẹ, thì anh cả thay mẹ dậy văn cho muội. Anh ấy thương muội lắm. Bất cứ muội muốn gì anh ấy cũng chiều. Có điều khi học, thì anh ấy nghiêm khắc hơn cụ Khổng nữa. Thành ra lắm lúc muội cảm thấy anh ấy là bố thứ nhì vậy. Còn anh hai thì võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Tính tình anh ấy dễ dãi, muội bắt nạt anh ấy luôn.

Chợt Kim-Dung chỉ về phía sau:

- Đại-ca bàn với Mỹ-Vân rằng muốn bắt tên chánh sứ, phó sứ hay bồi sứ Tống, để điều tra hung thủ sát hại bá mẫu. Phải không ?

- Dung thực tinh quái cái gì bí mật của huynh, Dung cũng biết. Ừ ! Anh quả có ý đó, mà e không thực hiện được.

- Vì vậy muội mới rủ đại ca chơi thuyền trên hồ Tây để thực hiện điều đó. Đại ca nhìn kìa, từ nãy đến giờ, con thuyền kéo cờ xanh kia cứ theo sau chúng ta hoài. Thuyền của sứ đoàn Tống đó.

Không đầy nửa khắc con thuyền cờ xanh đã đuổi kịp con thuyền nhỏ. Trên lá cờ có chữ Thiên-sứ Trịnh Quốc-công.

- Em sẽ cho thuyền chạy chậm lại, khiêu khích bọn sứ Tống, rồi bắt một tên.

Thủ-Độ thấy mình đã lớn gan mà Kim-Dung còn lớn gan hơn. Nó rùng mình :

- Làm thế nào nàng biết hôm nay bọn Tống chơi thuyền trên hồ này ?

Hai con thuyền đi song song nhau. Một người đàn ông đứng trên mũi thuyền dơ tay vẫy. Thủ-Độ nhận ra y chính là gã Thiên-sứ Triệu Dụng-Chi:

- Cô nương, buổi chiều thu đẹp thế này thực hiếm có. Mời cô nương lên đây cùng chúng tôi uống rượu ngâm thơ. Chiều rồi, làm gì còn cá mà đánh?

Kim-Dung ngửa mặt nhìn lên, nàng cười:

- Người là ai? Ta không quen biết, thì sao có thể lên thuyền người?

Nói rồi, nàng kéo sợi dây buồm. Con thuyền nhỏ vọt lên như tên bắn, phút chốc bỏ xa con thuyền cờ xanh. Lập tức con thuyền cờ xanh cũng kéo hai cánh buồm nữa lên. Trên mũi con thuyền cờ xanh đã thêm ba người là tên phó sứ Lâm Hoài- Đức, đô thống Đặng Vũ và thái giám Đỗ Quảng.

Hơn khắc sau con thuyền lớn đã đuổi kịp con thuyền của Kim-Dung. Cả bọn đứng trên sàn thuyền đều reo hò khoái trá.

Kim-Dung ngửa mặt nhìn lên:

- Cười cái gì? Hãy coi đây!

Nàng cầm giây buồm kéo mạnh. Con thuyền nghiêng đi, quay mũi. Chỉ thoáng một cái, đã đi ngược chiều với con thuyền lớn.

Đặng Vũ ra lệnh cho tài công:

- Quay thuyền lại, đuổi theo.

Trên sàn lại xuất hiện hai người nữa. Cả hai đều còn trẻ. Một mặc áo xanh. Một mặc áo hồng. Người áo hồng cầm một sợi giây tung lên. Giây quấn lấy cột buồm của Kim-Dung, rồi kéo mạnh. Con thuyền của nàng bị giật về sau, không chạy được nữa. Y nói lớn:

- Tiểu cô nương! Mời cô nương lên đây chơi với chúng ta!

Cả bọn trên sàn thuyền đều cười ha hả, tỏ vẻ khoái chí. Tiếng cười chưa dứt, thì Kim-Dung đã cầm chiếc roi nhỏ vung lên, sợi dây trên tay người áo hồng bị đứt. Con thuyền nhỏ lại lao đi vun vút.

Kim-Dung vẫy tay:

- Các người cười nữa coi nào? Trong bọn người, nếu ai là anh hùng, hãy xuống đây chơi!

Bị khiêu khích, người áo hồng tung mình nhảy xuống con thuyền nhỏ. Kim-Dung giật giây buồm, con thuyền lao tới như tên bắn. Người áo hồng rơi tòm xuống hồ. Y vọt người lên như con cá chép, rồi rơi xuống. Chỉ ba lần, y đã đuổi kịp. Lần thứ tư, y tà tà đáp xuống ngay mũi thuyền. Kim-Dung tung người lên xuất chiêu Phong-ba hợp bích hướng vào y. Tuy lơ lửng trên không, nhưng y phản ứng rất nhanh, y xuất một chiêu chưởng rất quái dị đỡ. Binh một tiếng, y lại rơi xuống hồ. Còn Kim-Dung thì lộn ba vòng trên không, rồi đáp xuống thuyền. Nàng cảm thấy ngộp thở, tai phát ra tiếng vo vo.

Người áo hồng lại vọt lên, đáp xuống thuyền. Y phóng chưởng tấn công Thủ-Độ :

Kim-Dung la lớn:

- Đại-ca chớ đỡ chưởng của y! Công lực y cực kỳ hùng hậu.

Trong lúc kinh hoảng, Thủ-Độ cầm cái chài, tay vung lên, vô tình nó xuất chiêu Cầm-la trấn thiên, người áo hồng bị chụp cứng như con cá, rơi xuống lòng thuyền nằm bất động.

- Đại ca điểm vào huyệt Thính-cung để y không nghe được những gì ta nói. Điểm huyệt Tứ-bạch để y không nhìn thấy những nơi ta đi qua.

Thủ-Độ phục Kim-Dung kinh nghiệm hơn nó nhiều. Nó làm theo lời nàng.

Người áo hồng bị bắt, làm tất cả bọn trên sàn thuyền la hét, kinh ngạc. Chúng cùng hối thúc bọn thuyền phu chèo thực mau. Con thuyền lớn đã quay mũi lại, đuổi theo con thuyền nhỏ. Kim-Dung điều khiển cho thuyền chạy vào khu trồng sen, thì vừa lúc đó con thuyền lớn đã bắt kịp.

Thủ-Độ lấy cung nạp tên dương lên. Mũi tên xé gió hướng cánh buồm con thuyền lớn. Phựt một tiếng, giây buồm bị đứt. Con thuyền quay ngang, rồi từ từ ngừng lại. Thủ-Độ bắn mũi thứ nhì, lại một dây buồm bị đứt.

Màn đêm từ từ buông xuống.

Kim-Dung bàn :

- Chúng ta chạy vào khu này nước nông. Tên Đặng Vũ vốn kinh nghiệm về thủy tính. Y không dám duổi theo nữa đâu. Trong khi y nối giây buồm, muội lặn xuống đục thủng đáy thuyền, cho cha con nhà nó thành cá hết.

Nói là làm. Nàng trườn xuống nước. Thủ-Độ nghĩ thầm :

- Chỗ này lội xuống chỉ tới ngực. Nếu con thuyền bị chìm, thì bọn sứ Tầu chỉ phải lội nước vào bờ mà thôi, chứ chúng không đến nỗi chết.

Không đầy một khắc sau Kim-Dung trở lại. Nàng hô:

- Chạy mau.

Rồi giật giây buồm. Con thuyền xuyên qua khu trồng sen, lao đi vun vút.

Trong khi những tiếng la ơi ới từ phía sau vọng lại :

- Nước tràn vào thuyền.

- Thuyền thủng đáy rồi.

- Chắc thuyền chạm phải cọc ngầm.

- Nguy quá ! Thả mủng xuống mau !

- Chỗ này nước nông, không cần thả mủng.

Thủ-Độ hỏi Kim-Dung :

- Ta xử trí với gã này ra sao ?

- Dường như đại ca có ý định bắt tên chánh sứ Tống, khiền cho y một trận để biết rõ ai là chánh phạm trong vụ ám sát bá mẫu thì phải ? Muội nghĩ, ta không cần bắt chánh sứ, mà bắt tên bồi sứ này cũng đủ. Nhưng ta phải thẩm vấn y thực mau, bằng không bọn chánh, phó sứ lên bờ cáo với triều đình. Triều đình sẽ đem Thị-vệ đi bới từng cụm hoa, lật từng viên gạch tìm y.

Thuyền đã tới Tây-hồ thủy-xá. Thủ-Độ vác tên áo hồng lên bờ. Mỹ-Vân với bọn Khả-hãn thấy Thủ-Độ trở về cùng Kim-Dung, lại vác một người nằm trong lưới, thì kinh ngạc vô cùng. Thủ-Độ tóm lược những gì đã xẩy ra một lượt, rồi ra lệnh :

- Các em sai bọn Tiểu-hãn chia nhau ra canh phòng, trong khi ta hỏi cung tên này.

Nó gọi Nhị-Anh:

- Em ngồi hỏi cung tên này với anh.

Mỹ-Vân dẫn Kim-Dung đi tắm, thay y phục. Thủ-Độ gỡ tên áo hồng ra khỏi lưới, giải huyệt Thính-cung, Tứ-bạch cho y có thể nghe được, nói được. Tên áo hồng mở mắt ra, thấy mình bị đặt ngồi trước hai thiếu niên, một thiếu nữ. Y tự cảm thấy tình hình cực xấu sắp đến. Tuy vậy y vẫn hống hách :

- Bọn mi là ai ? Đây là đâu ?

Nhị-Anh cười nhạt :

- Đây là đâu, tiên sinh không cần biết tới. Tôi muốn tiên sinh trả lời cho tôi ít câu hỏi. Nếu tiên sinh trả lời đầy đủ thì tôi sẽ thả tiên sinh về. Bằng tiên sinh bướng bỉnh, thì tôi giết người, rồi quẳng xác xuống hồ cho cá ăn... Trước hết, cao danh quý tính của tiên sinh là gì ?

- Ta không trả lời tên ôn con.

Kim-Dung cười dòn dã:

- Tiên sinh khai thì thôi, tôi biết tiên sinh họ Đinh tên Hồng, đứng hàng thứ tư trong Tương-giang tứ hổ. Có phải thế không?

- ?!?!?!

- Người đứng đầu trong Tương-giang tứ hổ là Đinh Hoàng, có mỹ danh là Độc-thủ đế quân, nức tiếng Trung-nguyên. Người thứ nhì là Đinh Huyền, nức danh Trung- nguyên về kiếm thuật. Người thứ ba là Đinh Thanh, được giang hồ tặng danh hiệu Trường-giang thần quyền. Còn tiên sinh là Đinh Hồng, danh trấn giang hồ về bộ Hóa-huyết chưởng. Tương-giang tứ hổ đều là bồi sứ! Có đúng không.

- !!!

Nhị-Anh hỏi:

- Tôi muốn biết một vài chi tiết về sứ đoàn. Mong Đinh tam tiên sinh giúp cho.

- Ta không trả lời. Vì bọn bay dùng thủ đoạn hèn hạ bắt ta. Ta không phục.

- Tiên sinh nói lạ.

Kim-Dung giảng giải: Tiên sinh nhảy vào thuyền chúng tôi. Vị đại ca của chúng tôi dùng một chiêu trong Thiên-la thập bát thức bắt tiên sinh. Như vậy sao gọi là thủ đoạn hèn hạ?

- Các ngươi là ai?

Mỹ-Vân hứ một tiếng:

- Chúng tôi thẩm vấn tiên sinh hay tiên sinh thẩm vấn chúng tôi đây?

- Ta không trả lời, xem bọn mi làm gì ta.

- Vậy thì được.

Nàng đưa mắt cho Nhị-Anh :

- Em đem cho ta ít con rắn !

Ở cùng Mỹ-Vân tuy không lâu ngày, nhưng Nhị-Anh biết ông anh này muốn dọa tên áo hồng mà thôi. Nàng hỏi :

- Nhà nuôi nhiều rắn quá. Không biết anh muốn dùng loại nào ? Có loại không độc. Có loại kịch độc !

- Loại kịch độc.

Nhị-Anh đứng lên, nàng mang vào một giỏ rắn, tay trái bắt ra hai con bằng cái đũa :

- Đây, con rắn xanh biếc này cắn trúng ai thì chết trong một khắc. Còn con mầu vàng này cắn trúng ai, thì chết trong một giờ. Tiên sinh muốn chết trong một khắc hay một giờ?

Nhìn con mắt sáng long lanh, ngỗ nghịch của Nhị-Anh, Mỹ-Vân biết cô em này hiểu ý mình. Nàng gật đầu, tỏ ý cứ dọa nữa đi.

Nhị-Anh tung con rắn xanh vào người Đinh Hồng. Con rắn táp một miếng vào má y, rồi bò quanh cổ cắn một miếng nữa. Nó ngừng lại ngửi ngửi, thình lình nó chui vào trong áo, xuống ngực, bụng, mỗi nơi nó đều cắn một miếng, rồi chui lên. Đinh Hồng bở vía:

- Tôi khuất phục! Tôi xin khai. Quả thực tôi là Đinh Hồng. Tôi là đệ tứ bồi sứ.

- Trước hết tiên sinh cho tôi biết : Ngoài số vàng bạc do công khố Đại-Việt trao cho sứ đoàn ra, còn có bao nhiêu châu báu nữa. Châu báu đó ai trao cho ?

- Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu châu báu. Nhưng tôi biết do ba người dâng hiến. Một là của vợ của Thái-úy Đàm Thì-Phụng, hai là của vợ Thái-sư Đàm Dĩ- Mông. Ba là của Đàm hoàng hậu.

- Trong số những cống vật đóù, tiên sinh thấy có gì khác lạ không ?

- Có. Thái-úy Đàm Thì-Phụng đưa ra ba hộp sâm Cao-ly bằng bạc. Mà thực là lạ lùng, vì trên nắp hộp lại khắc hình con chim ưng quốc huy của nước Mông-cổ.

- Xin tiếp đi chứ ?

- Còn châu báu thì do Đàm hoàng hậu trao cho chúng tôi...Xin cho tôi uống thuốc giải nọc rắn rồi tôi sẽ khai hết.

Nhị-Anh cười khúc khích :

- Không vội. Nọc rắn này sau một giờ mới làm chết người. Bồi-sứ đại nhân, ngài còn tới mười khắc để khai mà. Khi ngài khai xong, tôi sẽ dâng thuốc giải. Nếu ngài khai xong trước một giờ, thì mọi sự tốt đẹp. Nếu sau một giờ, mà ngài chưa khai xong thì nọc rắn sẽ đưa ngài về hầu đức Thái-tổ Triệu Khuông-Dẫn.

Mỹ-Vân hỏi tiếp :

- Cống cho Tống là do triều đình. Thế sao vợ Đàm Thì-Phụng, Đàm Dĩ-Mông, Đàm hậu cũng phải đem tư trang trao cho sứ Đoàn ?

Thấy Trịnh Hồng trầm ngâm, Mỹ-Vân nói bâng quơ :

- Khai chậm thế này thì sẽ chết. Không biết mình nên đốt hay chôn cái xác này để phi tang đây !

Đinh Hồng bở vía :

- Đàm hoàng hậu muốn ngài chánh sứ về tâu với triều đình rằng nhà vua bị chứng điên khùng. Giòng họ Lý không còn ai. Trong khi đó công chúa Thụy-Hương muốn tôn người tình cũ là Trần Thủ-Huy lên ngôi vua. Thủ-Huy là người có tài nghiêng trời lệch đất. Nếu như y lên ngôi vua, tất cất quân tái chiếm vùng Lưỡng Quảng. Vậy Tống triều nên phong cho Đàm Thì-Phụng lên làm vua, thì Nam phương không những yên tĩnh, mà An-Nam còn chịu binh dịch, cung ứng lương thảo cho Thiên-triều.

Thủ-Độ muốn điều tra về cái chết của mẹ mình, mà không muốn cho Mỹ-Vân, Kim- Dung biết. Nó nói:

- Nhị đệ với Kim-Dung tạm lui, huynh sắp lột quần áo tên này ra để khám xét trên người chúng.

Mỹ-Vân, Kim-Dung bật cười, rồi vào nhà trong.

Thủ-Độ hỏi Đinh Hồng:

- Đinh tứ tiên sinh! Xin tiên sinh cho biết tại sao Tống triều lại ám hại công chúa Đoan-Nghi ?

- Tống triều không chủ tâm giết Đoan-Nghi, mà chỉ muốn giết Thủ-Huy.

- Tại sao ?

- Thủ-Huy với Đoan-Nghi phá vỡ đại kế biến vùng Thảo-nguyên thành phiên bang. Tiếc rằng Thủ-Huy không về, thành ra chỉ có mình Đoan-Nghi chết.

- Thế ai là người thi hành vụ bày ?

- Tống Thiên-tử ban mật chỉ cho Đàm Thì-Phụng, Đàm Dĩ-Mông làm.

- Thế người đàn bà bị công chúa cắt tai, rạch mặt. Gã đàn ông bị chặt cụt tay là ai ?

- Điều này Đàm Thì-Phụng không tâu lên Tống triều, nên Khu-mật viện không biết.

Biết không khai thác gì hơn nữa, Thủ-Độ phóng tay điểm huyệt Thính-cung, Á-môn, Tứ-bạch của Đinh Hồng, rồi gọi Kim-Dung, Mỹ-Vân :

- Tha hay giết tên này ?

- Không nên giết.

Kim-Dung đề nghị :

- Bây giờ ta tìm cách đem tên này bỏ vào nhàn giam trong phủ Thái-úy Đàm Thì- Phụng, rồi tìm cách báo cho sứ đoàn biết. Sứ đoàn ắt sai người mật dò thám, rồi giải cứu y ra. Thế là ta chia rẽ được giữa họ Đàm với Tống.

Mỹ-Vân tiếp :

- Trong khi dùng xe chở y đi. Ta cố ý đụng vào huyệt Ngoại-quan, giải huyệt Thính-cung của Đinh Hồng để y nghe được. Rồi ta bàn bạc với nhau rằng Thì- Phụng sai chúng ta làm việc này.

Đoàn xe năm chiếc chở toàn thể đám thiếu niên đầu não của bang Lĩnh-Nam...lăn bánh. Vó ngựa khua lóc cóc, lẫn với tiếng cười nói ồn ào, tiếng bánh xe lăn, cuốn bụi bốc cao vượt qua con đường đầy cỏ xanh tươi. Trên chiếc xe dẫn đầu, Thủ-Độ, Mỹ-Vân, Kim-Dung phóng mắt nhìn về trước. Mỹ-Vân chỉ vào ngọn núi xa xa, chân núi, sườn núi, đỉnh núi ẩn hiện trong đám mây trắng những căn nhà ngói đỏ, tường trắng, nổi bật lên giữa rừng xanh ngắt:

- Kia núi Hy-cương kia!

Mỹ-Vân giảng giải:

- Đền thờ, lăng Quốc-tổ ở trên đó. Chúng ta phải vượt qua một quãng đường mười dặm nữa, sẽ có ngã rẽ. Từ ngã rẽ, vào tới đền khoảng năm dặm.

Kim-Dung hỏi:

- Này Mỹ-Vân này! Tôi nghe nói đền thờ vua Hùng ở trên núi Nghĩa-lĩnh , sao chị lại bảo là ở núi Hy-cương?

- À, núi này có nhiều tên khác nhau. Tên cổ là Hy-cương. Đến thời vua Trưng đổi là Nghĩa-lĩnh hay Nghĩa-cương. Lại có tên là Bảo Thiếu-lĩnh. Còn dân chúng thì gọi là núi Cả. Núi nằm trên thôn Cổ-tích, xã Hy-cương, thuộc Phong-châu. Khi xưa, vua Hùng tuần du khắp đất nước, cuối cùng ngài chọn khu đất linh này làm kinh đô. Chính nhờ thế đất quy tụ khí thiêng của tạo hóa, bao phủ ngôi đền, mà đất nước ta mấy nghìn năm, vẫn ngạo nghễ với Trung-quốc.

- Sư muội nói rằng thế đất linh , nghĩa là???

Mỹ-Vân chỉ tay về núi Hy-cương:

- Nước ta, cổ còn có tên là Viêm-bang. Trong văn chương, Viêm là Hỏa, thuộc phương Nam. Thì, kìa đỉnh núi, nơi có đền thờ hình như đầu rồng hướng về Nam. Lưng rồng uốn vặn làm ba khúc là Đột-ngột cao-sơn, Áp-sơn, Viễn-sơn. Phía trước có hàng chục quả đồi thấp, giống như đàn rùa bò từ ao nước lên chầu vào. Trên núi Hy-cương, có bốn đền thờ mang tên đền Thượng, Trung, Hạ và đền Giếng. Kể từ cổng lên đền Thượng có 300 bậc đá, chia làm ba khúc, mỗi khúc 100 bậc. Khúc cổng lên đền Hạ100, khúc đền Hạ lên đền Trung 100 bậc, khúc đền Trung lên đền Thượng cũng 100 bậc. Từ đền Trung lên đền Thượng cũng có 100 bậc. Cái con số 100 này căn cứ vào Quốc-tổ , Quốc-mẫu sinh ra một trăm con.

Ghi chú của thuật giả

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, cho đến đầu thế kỷ thứ 20, các bậc đá bị mất gần hết. Trong cuộc trùng tu 6 năm liền từ 1917 đến 1922, thay vì xây 300 bậc, ban kiến thiết lại xây 539 bậc. Trong đó từ cổng lên đền Thượng 496 bậc. Từ đền Hạ xuống đền Giếng 44 bậc.

Kim-Dung đứng lên trên thành xe quan sát, rồi hỏi:

- Phía sau núi Hy-cương là một khu đất bằng, có nhiều nhà dân chúng ở. Vùng đó tên là gì vậy?

- Đó là làng Hy-sơn.

Kim-Dung kêu lên:

- Khu này trông giống như hình một con phượng hai chân cắp quyển sách. Chắc vì thế, mà nước ta mới là một nước văn hiến. Phải không?

- Đúng vậy.

Xe đã tới ngã ba. Phu xe giật cương cho ngựa quẹo phải. Mỹ-Linh chỉ một bãi đất ra lệnh:

- Chúng ta ngừng lại đây, nghỉ một lát, chỉnh đốn y phục rồi hãy vào triều kiến Quốc-tổ, Quốc-mẫu.

Nàng chỉ vào ngọn đồi bên phải núi Hy-cương:

- Quả đồi kia tên Chu-hóa, có hình dạng giống con hổ phục, chầu vào. Phía bên trái là đồi Phượng-lâu, hình giống như một vị tướng quân bắn cung. Kìa, làng Cổ-tích trước mặt chúng ta, hình giống như con ngựa ghì cương. Xa xa kia là dãy đồi từ Phú-lộc đến Thậm-thình có 99 ngọn, giống như 99 con voi chầu về đền.

Nàng chỉ về hướng Đông và Tây: Khu vực chúng ta đứng đây là cố đô Phong-châu xưa, với những đồi đầy linh khí, nằm giữa hai con sông Lô và sông Thao. Hỏi còn thế đất nào tụ linh khí nhiều hơn thế đất này?

Thủ-Độ hô:

- Ta lên đường thôi!

Đoàn xe tiếp tục lên đường. Con lộ này, nếu vào ngày hội 10 tháng 3, thì đường đất được tu bổ, cỏ được làm sạch, cành cây bên đường được cắt xén. Nhưng bấy giờ là tháng tư, mưa đổ xuống núi rừng, làm nước tràn ra soi mòn con lộ đi. Năm chiếc xe phải khó khăn lắm mới vượt qua được quãng đường ngắn.

Đoàn Xe tới một bãi đất trước cổng đền.

Mỹ-Vân chỉ huy bọn Khả-hãn mang lễ vật, xếp hàng hướng cổng đi lên. Trên cổng có chữ:

Cao sơn cảnh hành.

Ngũ-Hào hỏi Mỹ-Vân:

- Bốn chữ này nghĩa là gì vậy nhị ca?

- Núi cao, đường lớn.

Nhị-Anh cất cao giọng đọc đôi câu đối trên hai cột cổng :

Thác thủy khai cơ tứ cố sơn hà quy bản tịch.

Đăng cao vọng viễn quần phong la liệt tự nhi tôn.

Dịch:

Mở lối đắp nền bốn mặt non sông quy một mối,

Lên cao nhìn rộng nghìn trùng đồi núi tựa đàn con.

(Vũ Kim-Biên)

Ban thủ từ đã thấy đoàn ngươì của Thủ-Độ. Ông Thủ-từ hơi kinh ngạc, khi thấy đoàn hành hương toàn là các thiếu niên. Lúc năm chiếc xe tới bãi đất trước cổng, ông cho rằng đây là một đoàn người hành hương của một trấn, một huyện nào đó. Trong đoàn ắt có những vị cao niên hay các quan dẫn đầu. Bây giờ trước mắt ông, chỉ có hai thiếu niên, một thiếu nữ đi trước. Phía sau mười thiếu niên, mười thiếu nữ.

Ông cung tay:

- Các vị đây xưng hô thế nào?

Kim-Dung đáp:

- Chúng tôi là các thiếu niên ở Thăng-long.

Nàng chỉ Thủ-Độ:

- Người cầm đầu chúng tôi là vị đại ca này, có tên Đại-hãn. Chúng tôi tới đây dâng lễ, để tỏ lòng tưởng nhớ công ơn Quốc-tổ, Quốc-mẫu.

Ông thủ từ chỉ huy ban nghi lễ đỡ các mâm lễ vật, rồi đi trước dẫn đường. Tới đền Hạ, ông giảng:

- Thưa quý khách, đền Hạ là nơi mà Quốc-mẫu Âu-Cơ trở dạ sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Nên sau này con cháu xây đền để tưởng nhớ công sinh thành. Xin mời các vị vào đền lễ Quốc-mẫu.

Đường lên đền Trung phải vượt qua những bậc bằng đá dốc thẳng. Ngôi đền này xây bằng đá, lợp ngói xanh. Tấm biển trước đền có chữ:

Triệu tổ Nam bang

(Tổ muôn đời của nước Nam).

Ông Thủ-từ lại giảng:

- Thưa quý khách, nơi đây, khi xưa vua Hùng thường lên hóng mát. Có khi ngài cùng quần thần luận bàn việc nước. Cũng tại chỗ này, vua Hùng thứ sáu tuyên triệu 18 hoàng tử về, thi làm cỗ, để tìm người con nào hiếu thảo với cha mẹ, mà lại có lòng thương yêu dân, sẽ được truyền ngôi. Hoàng-tử út Lang-Tiêu vì thân dân, hiểu dân, đã làm bánh chưng, bánh dầy tượng trưng cho trời đất. Hoàng tử được nhường ngôi vua, trở thành vua Hùng thứ 7.

Bọn Thủ-Độ lễ xong, ông Thủ-từ tiếp tục dẫn lên đền Thượng. Đền xây bằng đá, mái lợp ngói đỏ. Trên nóc chái có bức hoàng phi:

Nam-Việt triệu tổ.

(Tổ muôn đời của nước Nam).

Hai cột cửa chính giữa có đôi câu đối:

Thần thánh khải Viêm-bang chí kim, địa bất cải, tịch dân bất cải tụ.

Huân lao phụng thánh miếu thị vị, mộc chi hữu bản thủy chi hữu nguyên.

Dịch:

Thần thánh mở cơ đồ, đến nay đất vẫn thế dân vẫn thế.

Công huân thờ đền miếu, đó là cây có gốc nước có nguồn.

(Vũ Kim-Biên)

Hai cột kế tiếp, một đôi nữa:

Hồng-lạc cố cơ tồn điệp chướng tầng loan quần thủy hợp.

Đế vương linh khí tại hào phong nộ vũ nhất sơn cao.

Dịch:

Cung cũ Hồng-lạc còn đây, trùng điệp núi đồi nhiều dòng sông hợp lại.

Khí thiêng Đế-vương vẫn còn đó, gào thét mưa gió một ngọn núi đứng cao.

(Vũ Kim-Biên)

Ông Thủ-từ lại giảng:

- Thưa quý khách, đây là nơi vua Hùng thờ trời ở điện Kính-thiên, cùng thờ ba ngọn núi linh là Đột-ngột cao sơn, Áp-sơn, Viễn-sơn.

Ông chỉ sang phía bên trái của sân:

- Chỗ kia là ba cái cột đá, gọi là Đá-thề. Nguyên vua Hùng thứ 88 không có con trai. Ngài nhường ngôi cho Thục-Phán tức An-dương vương. Thục-Phán thề Muôn đời bảo vệ giang sơn vua Hùng truyền cho. Thục-Phán sai dựng cột, khắc lời thề lên trên để lưu lại cho đời sau.

Ông lại chỉ sang phía phải:

- Chỗ kia là lăng vua Hùng thứ sáu. Mời các vị sang viếng lăng của ngài.

Không kiềm chế đươc cảm động, dù đang ở chốn tôn nghiêm, đám trẻ reo lên, rồi cùng sang lăng. Lăng xây theo hình vuông. Bốn bên có bốn cột, trên cao là chóp hình tháp, mặt trước có ba chữ:

Hùng vương lăng.

(Lăng vua Hùng)

Mặt sau có hai chữ:

Biểu chính

(Lăng chính).

Có đôi câu đối:

Duật duật hoàng hoàng phối thiên kỳ trạch đế nhi tổ.

Thông thông uất uất đắc địa chi linh sơn diệc hùng.

Dịch:

Đẹp đẹp tươi tươi sánh ơn lớn của trời vua còn là tổ.

Xanh xanh tốt tốt được khí thiêng của đất, núi cũng rất hùng.

(Vũ Kim-Biên)

Ghi chú của thuật giả:

Khu di tích Hùng-vương hay đền Hùng, trong suốt giòng lịch sử, quanh năm dân chúng từ các nơi tụ về dâng hương, để tỏ lòng biết ơn Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Hằng năm cứ đến ngày 10 tháng 3, lại tổ chức hội linh đình. Ngày hội gần nhất, năm Mậu-Dần (1998), số người trẩy hội lên đến nửa triệu.

Dưới đây là những thư tịch cổ chép về đền Hùng.

Sơn-tây tỉnh chí.

ĐNNTC

Đồng-Khánh địa dư chí lược.

Bắc-thành địa dư chí lược.

Sơn-tây chí.

Phú-thọ tỉnh địa dư.

Nam-Việt địa dư chí.

Sau khi lễ lăng xong, Mỹ-Vân nói lớn:

- Bây giờ chúng ta hãy quỳ gối trước cột đá thề, để làm lễ quốc thệ.

Thủ-Độ hô:

- Tất cả quỳ xuống.

Mọi người xuống gối.

- Lễ tám lễ.

Mọi người cùng lễ.

Thủ-Độ khấn:

Bọn chúng con gồm 21 người. Nam có, nữ có. Chúng con từ bốn phương tụ lại. Nay vận nước đang suy vi. Trong triều vua thì hôn ám, quan lại thì nhũng lạm tham ô. Dân chúng đói không cơm ăn, rét không áo mặc, người người gối lên nhau mà chết. Hôm nay, chúng con cùng nguyện trước anh linh Quốc-tổ, Quốc-mẫu:

- Một là, chúng con nguyện hy sinh cho sự nghiệp bốn nghìn năm của Quốc-tổ, đem hết tâm huyết ra bảo vệ giang sơn của Quốc-tổ, Quốc-mẫu để lại.

Hai là, sống chết với công nghiệp của các vị anh hùng đã dầy công xây dựng.

Ba là, xả thân cho kẻ cùng khổ, quyết quét sạch bọn vua chúa, quan lại như chồn, như cáo ngồi trên đầu dân, làm cho dân lầm than.

Bốn là, chúng con làm việc gì, cũng luôn nghĩ rằng do dân, vì dân, cho dân, thương yêu dân như ruột thịt.

Bất cứ ai trong chúng con trái lời thề, thì sẽ chết dưới muôn ngàn đao kiếm.

Thủ-Độ hô lớn:

- Đứng dậy! Chúng ta vừa thề trước Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Bây giờ ta phân chia lãnh thổ cho các em. Mỗi em về vùng trấn nhậm của mình, quy tụ bọn thiếu niên cùng khổ, vô sở bất chí lại. Trước hết giúp cho chúng thoát khỏi cơn đói. Rồi tùy theo phương tiện, dạy văn, luyện võ cho chúng. Tất cả mô phỏng theo phương cách ta đã làm ở Thăng-long. Trước hết ta là Đại-hãn, Trần-thị Kim-Dung là phó Đại-hãn. Phan Mỹ-Vân là Khả-hãn trung ương. Thăng-long do Khả-hãn Nhất-Anh. Kinh-Bắc do Khã-hãn Nhất-Hào. Hồng-châu do Khã-hãn Nhị-Anh. Đăng-châu đo Khả- hãn Nhị-Hào...

Thủ-Độ nói nhỏ:

- Ngay khi về Thăng-long, ta sẽ trao vàng, bạc cho các em, các em dùng vàng đó vào việc này.

Chợt nhớ ra một việc :

- Bốn tháng trước Cửu-hào đã trúng tuyển trong kỳ thi võ sơ tuyển của các trấn. Sau lại trúng tuyển kỳ thi tại Binh-bộ rồi phải không ? Vậy các em nhớ đến tháng tám phải về Thăng-long thi đình. Nếu như cả chín em cùng trúng tuyển Tiến-sĩ, sẽ được huấn luyện một thời gian, rồi bổ vào các chức võ quan. Như vậy, sau này chúng ta khởi sự thì đã có 9 đội quân trong tay.

Ông từ đã làm cỗ xong. Ông nói:

- Mời các vị thụ lộc đức vua.

Bọn trẻ cùng ngồi vào chiếu, tay cầm đũa:

- Nào chúng ta...ăn.

Ăn uống xong cả bọn từ biệt ban thủ từ, lên xe ra về. Khi đi vì có lễ vật, nên mỗi xe phải chở đến năm người. Bây giờ lễ vật không còn, Mỹ-Vân đi chiếc xe dẫn đầu. Còn Thủ-Độ vơí Kim-Dung đi chiếc xe cuối cùng.

Xe vừa ra khỏi khu vực đền thì có hai chiếc xe đang đi ngược chiều. Đường hẹp, nên tất cả xe đều phải chạy chậm lại. Khi hai đoàn xe giao nhau, Thủ-Độ nhận ra trên chiếc xe đi đầu có ba người, thì một người là gã Đinh Hồng.

Nó hô:

- Kẻ thù trước mặt. Cúi đầu xuống.

Nhưng đã trễ, hai đoàn xe đang giao nhau. Đinh Hồng cũng đã nhận diện được bọn Thủ-Độ. Y hơi bỡ ngỡ, chưa kịp phản ứng thì hai đoàn xe đã xa nhau hơn mười trượng. Thủ-Độ thúc phu xe:

- Chạy mau.

Bọn phu xe ra roi cho ngựa phi nước đại. Kim-Dung quay đầu nhìn lại sau, nàng la lên:

- Bọn chúng đang trở đầu xe.

Hai đoàn xe, một chạy, một đuổi rầm rập trên đường. Nhưng đoàn xe của Thủ-Độ là xe chở thuê, ngựa gầy yếu, chạy không mau. Trong khi ngựa của bọn Đinh Hồng là ngựa chiến, chạy như bay. Không đầy một khắc y đã đuổi gần kịp Thủ-Độ.

Kim-Dung hô:

- Đại ca! Dùng tên bắn ngựa của chúng.

Thủ-Độ chợt nhớ ra, nó lắp tên, dương cung. Mũi tên xé gió bay đi. Trúng giữa trán con ngựa của chiếc xe dẫn đầu. Con ngựa đau quá ngã vật xuống, làm chiếc xe lộn đi một vòng. Ba gã họ Đinh tung mình lên cao, rồi dùng khinh công đuổi theo. Cả ba cùng nắm lấy thành xe Thủ-Độ ghì chặt. Con ngựa bị sức nặng kéo mạnh, nó hí lên một tiếng rồi đứng lại. Kim-Dung, Thủ-Độ tung mình lên cao, đáp xuống bên đường. Mỹ-Vân cùng bọn Khả-hãn đã đứng sau Kim-Dung, Thủ-Độ. Phía Đinh Hồng, ba người đi trên chiếc xe thứ nhì trang phục thị vệ cũng đã xuống xe.

Gã Đinh Hồng cười gằn:

- Phen này mi có chạy đằng trời.

Kim-Dung tỏ ra bình tĩnh:

- Kính chào Đinh tam tiên sinh. Thế nào? Tiên sinh vẫn mạnh chứ?

Nàng chỉ vào gã quần áo đen:

- Vị này chắc đại danh là Đinh Huyền tiên sinh, nức danh thần kiếm vùng Giang-Nam đây.

Đinh Huyền thấy một cô bé xinh đẹp mà cũng biết danh mình, y hài lòng:

- Đúng vậy.

Kim-Dung chỉ gã áo xanh:

- Còn vị này, chắc là Đinh Thanh, danh trấn Hoa-Nam, được tặng danh hiệu Trường-giang thần quyền hẳn ?

Đinh Hồng nóng nảy:

- Hôm nay thì ông nội mi sẽ bóp chết bọn mi.

Nói dứt y ra chiêu hổ trảo chụp Thủ-Độ; Thủ-Độ trầm người tránh khỏi, tay nó phát một chiêu trong Hoa-sơn đỡ. Bộp một tiếng, Thủ-Độ cảm thấy cánh tay đau buốt tới xương. Chụp hụt, Đinh Hồng phát một chiêu chưởng, chưởng chưa ra hết, mà bọn Khả-hãn đã cảm thấy ngộp thở. Thủ-Độ lại phát một chiêu Hoa-sơn chưởng mà nó học lén của Thụy-Hương... chống lại. Hai chưởng đụng nhau, binh một tiếng. Thủ-Độ bật lui liền ba bước mới đứng vững.

Đứng ngoài lược trận, Đinh Huyền ủa một tiếng, tỏ vẻ kinh ngạc. Y quát lớn:

- Ngừng tay !

Y hỏi Thủ-Độ:

- Người là đệ tử của cao nhân nào trong phái Hoa-sơn?

Vốn đã biết, giữa sứ đoàn với Thụy-Hương có sự xung đột. Vì Thụy-Hương thì muốn bảo vệ ngôi vua cho con. Trong khi sứ đoàn nhận hối lộ của họ Đàm, muốn đưa họ Đàm lên làm vua Đại-Việt. Thủ-Độ đổ dầu vào đám cháy này:

- Tôi là đệ tử của Công-chúa tiên tử Vương Thụy-Hương.

Đinh Hồng bật lên tiếng kêu đầy kinh ngạc:

- À thì ra thế.

Rồi y phát chiêu tấn công Thủ-Độ bằng tất cả bình sinh công lực. Thủ-Độ có cơ may luyện được nội công âm nhu, rồi tổng hợp âm dương, nội công nó rất cao. Nhưng về ngoại công nó chỉ có bộ Đông-a chưởng nhập môn, với bộ Hoa-sơn chưởng mà nó học trộm của Thụy-Hương. Bây giờ nó phải đối chọi với một đại cao thủ đầy kinh nghiệm, thành ra nó chỉ biết chống đỡ.

Đấu được hơn ba chục chiêu, nó đã có chút kinh nghiệm, trong năm chiêu, nó bắt đầu phản công được một chiêu. Quay lại, nó thấy Kim-Dung, Mỹ-Vân cùng bọn Khả- hãn đã bị Đinh Huyền, Đinh Thanh đánh ngã, điểm huyệt để ngồi bên đường. Trong lúc phân tâm, nó bị trúng một chưởng, ngã lăn lông lốc. Đinh Hồng điểm huyệt nó.

Đinh Huyền bảo ba tên thị vệ:

- Đây là bọn trộm bảo vật của sứ đoàn. Các người hãy trói chúng lại, rồi giải về Thăng-long cho ta.

Một viên thị vệ ngửa hai tay lên trời tỏ ý chúng không có dây. Đinh Hồng xuất một nén bạc, ra lệnh:

- Phía sau kia vài dặm có chợ. Người đến đó mua dây cho ta.

Ba viên thị vệ lên xe đi liền.

Đinh Hồng ướm tay lên đầu Thủ-Độ rồi hỏi:

- Lỏi con, nếu ta nhả nội lực, thì cái gì sẽ xẩy ra mi có biết không?

- Biết chứ! Cái đầu ta sẽ vỡ ra, dĩ nhiên ta chết.

- Vậy mi phải trả lời cho ta mấy câu hỏi.

- !?!?!?

- Mi tên gì?

- Tôi họ Đàm, tên Độ, cháu của Đàm hậu.

- Nam-thiên tiên tử vốn là người Tống. Chúng ta là sứ thần Tống. Hà cớ bà lại sai bọn mi bắt ta, tra khảo để biết tin tức?

- Sư phụ bảo : Người hiện là Thái-hậu, nhà vua là con của người. Thế mà sứ đoàn lại nhận vàng của họ Đàm để tâu lên Tống Thiên-tử cho Đàm Thì-Phụng làm vua. Nên người sai chúng tôi bắt tiên sinh, điều tra sự thực.

- Cái vụ tên Đoàn Thượng trộm vàng ngọc ở cung Triều-dương, mi có biết không?

- Có, Đoàn chỉ là Thiên-lôi mà thôi. Y làm theo lệnh của Thái-úy Đàm Thì- Phụng, chứ đạo cô không biết gì !

- Vô lý, Đàm đang nhờ cậy chúng ta, tại sao Đàm lại phản chúng ta !

Thủ-Độ làm bộ cười rộ :

- Đàm dốc túi dâng cho sứ đoàn. Nhưng y tiếc của...

- Như thế thì cái vụ con quỷ ba đầu hoành hành bấy lâu ở Thăng-long là người của Đàm à ?

- Điều này, những người thân phận nhỏ bé như tôi không được biết.

Thấy đã lâu, mà ba tên thị vệ chưa về, Đinh Huyền sốt ruột nói với Đinh Thanh:

- Sao chúng đi lâu thế. Nhị đệ thử tìm chúng xem ?

Đinh Thanh lấy xe ngựa ra đi.

Đinh Hồng hỏi Thủ-Độ về nội tình cung Ngọc-lan, nội tình Gia-thụy ngũ-anh, Lĩnh-Nam ngũ hổ. Nó cứ thực tình kể hết.

Thời gian qua khoảng hơn khắc, vẫn chưa thấy Đinh Thanh về. Đinh Huyền sốt ruột:

- Không lẽ có biến cố gì? Để ta đi xem.

Y lấy chiếc xe của bọn Thủ-Độ, ra lệnh cho phu xe lên đường. Đinh Hồng chờ hơn hai khắc cũng không thấy hai sư huynh với bọn thị vệ trở về, lòng y rối như tơ vò, đứng ngồi không yên.

Y phóng mắt nhìn về cuối đường, có một chiếc xe ngựa đang bon bon chạy tới. Người đánh xe là một thiếu niên phong lưu tiêu sái. Phía sau là một thiếu phụ và một thiếu niên khác. Thiếu phụ có nhan sắc cực kỳ diễm lệ, nhưng đôi mắt phát ra tia hàn quang oai nghiêm. Còn thiếu niên thì dáng người bệ vệ, mắt hổ, đầu rồng, toàn người tỏa ra nét quyền quý.

Mới nhìn thấy xe, Thủ-Độ đã nhận ra thiếu phụ là thân mẫu của Kim-Dung. Còn hai thiếu niên, thì người đánh xe là Trần Tự-Khánh, người ngồi sau là Trần Thừa...anh con bác của nó, mà nó đã gặp ở quán Bích-động mấy năm trước.

Chiếc xe tới chỗ bọn Thủ-Độ thì ngừng lại. Tự-Khánh tung mình xuống ngựa chỉ bọn Thủ-Độ hỏi Đinh Hồng:

- Phải chăng người điểm huyệt đám thiếu niên này?

- Đúng vậy! Ta có việc của ta, người có việc của người. Người không nên can thiệp vào việc của ta mà mang họa.

Tự-Khánh không nói, không rằng, roi ngựa vung lên nhanh không thể tưởng tượng nổi. Bọn Thủ-Độ đã được giải huyệt.

Đinh Hồng quát lên một tiếng phát chưởng tấn công Tự-Khánh. Tự-Khánh cười nhạt tung roi lên không, rồi phát chiêu đỡ. Bùng một tiếng, Đinh Hồng cảm thấy trời long đất lở, tai y phát ra tiếng vo vo không ngừng. Y phải bật lui ba bước mới giữ được thăng bằng. Tự-Khánh chĩa ngón tay phóng đến véo một tiếng. Đinh Hồng đã bị điểm huyệt.

Tự-Khánh coi như không có Đinh Hồng, chàng cầm roi chỉ vào mặt Kim-Dung:

- Con bé này! Dám bỏ Thăng-long lên đây, làm các anh phải tìm khắp nơi!

Kim-Dung chù mỏ ra :

- Ai bảo anh Thừa mắng em chi !

- Hứ ! Con lỏi tì này thì cái gì cũng có lý.

Nói rồi chàng vung roi ngựa. Chiếc roi quấn lấy Kim-Dung. Tự-Khánh chuyển động tay một cái, Kim-Dung bay lên trên không, rồi rơi xuống ghế sau chiếc xe, giống như nàng tự ngồi xuống vậy.

Thủ-Độ tiến tới trước thiếu phụ cung tay:

- Tiểu bối xin tham kiến phu nhân. Đa tạ phu nhân đã cứu mệnh cháu năm trước.

Thiếu phụ mỉm cười:

- Ta còn chưa cảm ơn cháu đã xây bến đò cho nhà ta đấy. Những việc làm của cháu, ta theo dõi rất kỹ. Ta không ngờ họ Đàm toàn những người không ra gì, mà lại sinh ra một thiếu niên chí khí bao la như cháu. Hà! Bang Lĩnh-Nam của cháu lớn quá rồi, lại có kỷ cương, người người hành động trong chủ đạo tộc Việt: Vì hy sinh cho sự nghiệp bốn nghìn năm của Quốc-tổ. Sống chết vơí công lao của anh hùng đã xây dựng đất nước. Xả thân cho kẻ cùng khổ. Thương yêu dân chúng như chân tay. Hay thực!

Bà chỉ Tự-Thừa, Tự-Khánh:

- Ta thấy việc làm của cháu như mở ra một con đường mới cho chủ đạo của tộc Việt. Vì vậy, ta nhắn với anh chị Phòng-Phong rằng ta sẽ gửi Tự-Thừa, Tự-Khánh về giúp cháu.

Nghe thiếu phụ nói, Thủ-Độ trấn động tâm tư. Nó than thầm:

- Ái dà! Bà này là Tô Phương-Lan, vợ của bác Lý ta đây. Như thế thì Kim-Dung là chị con ông bác của ta. Thực hỏng bét.

Mỹ-Vân đã đến trước thiếu phụ hành lễ:

- Đệ tử tham kiến sư bá.

Thiếu phụ nắm tay Mỹ-Vân:

- Cháu được Đàm Độ cứu thoát, ẩn thân ở Tây-hồ thủy-xá. Ta biết hết, ngầm báo cho bố cháu. Tuy vậy bố cháu cũng cứ bắt vạ Đàm hoàng hậu, cho đến nay cũng chưa thôi.

Bà bảo Thủ-Độ:

- Thôi chúng ta về Thăng-long.

Bà hất hàm ra lệnh cho Tự-Khánh. Tự-Khánh lấy dây trói hai chân Đinh Hồng, rồi treo ngược lên một cành cây.

Tự-Thừa bảo Thủ-Độ với Mỹ-Vân:

- Đàm huynh, Phan sư muội đi cùng xe với chúng ta cho vui.

Đoàn xe lên đường trở về Thăng-long.

Dọc đường bàTrần Lý vuốt tóc Thủ-Độ:

- Anh chị Phòng-Phong, cũng như anh chị Tô Trung-Từ đều nói rằng cha mẹ cháu là người của phái Đông-a. Nhưng vì một lẽ khổ tâm riêng cháu không muốn nêu tên bố mẹ cháu ra. Ta cũng không muốn cật vấn cháu làm gì. Ví dù bố mẹ cháu không phải là người phái Đông-a, thì với những việc cháu đã làm, chúng ta cũng coi cháu như đệ tử bản phái.

Thấy bà Trần Lý dịu dàng, tình cảm chân thật, Thủ-Độ định thú thực thân phận. Nhưng nó chợt nhận ra rằng nếu nó thú nhận, thì việc nó với Kim-Dung sẽ tan ra mây khói, nên nó lại thôi.

Xe đi được một quãng, Thủ-Độ thấy dân chúng tụ tập bên đường rất đông đang xem năm người bị treo lủng lẳng trên một cành cây. Đó là ba tên thị vệ, Đinh Huyền, Đinh Thanh. Bất giác Thủ-Độ đưa mắt nhìn Tự-Khánh. Tự-Khánh cười gật đầu.

- Người bán thịt chó, thì treo ngược chó thui. Còn ta, ta treo ngược bọn chó Ngô cho thiên hạ xem.

Tự-Thừa đưa con mắt hiền từ nhìn Thủ-Độ:

- Độ này, Độ đã so tuổi kết anh em với Kim-Dung. Độ lại nhỏ tuổi hơn ta với Khánh. Chúng ta là người cùng môn phái, vậy thì Độ với ta có cái tình anh em thực sự. Từ nay chúng ta đối xử với nhau như tình ruột thịt.

Thủ-Độ cảm động rưng rưng nước mắt:

- Lúc nào em cũng là em của hai anh.

Thủ-Độ thấy bề ngoài thì Tự-Thừa uy nghi, ai nhìn cũng phải sợ. Thế nhưng nó thấy người anh họ này lại đầy tình cảm, nói năng cực nhu nhã.

- Em mồ côi mẹ từ nhỏ, lại xa cha, nên trong khi hành xử có rất nhiều khiếm khuyết, mong hai anh dạy dỗ cho.

- Ông bà, bố mẹ theo dõi những việc em làm, các người thấy em hành xử rất giống một người trong nhà ta...Nay người đó ở ngàn trùng cách biệt!

- Thưa anh, người đó là ai vậy?

- Là chú ruột của anh, tên Thủ-Huy.

Thủ-Độ giật bắn người lên:

- À!

Hai giọt nước mắt rơi lăn tăn trên gò má bà Trần Lý.

Kim-Dung càu nhàu:

- Cái anh Thừa này! Anh nhắc đến chú hai, làm mẹ buồn. Bắt đền anh đấy.

Bà Trần Lý lau nước mắt:

- Nghĩ cũng lạ, mẹ lớn hơn chú hai có mấy tuổi, mà không hiểu sao, mẹ có cảm tưởng như mẹ là mẹ của chú ấy vậy. Hồi chú ấy làm quan cao thực phẩm, vậy mà mẹ mắng gì chú ấy cũng không cãi. Cho nên bà nội nói rằng mẹ không phải là chị dâu, mà là mẹ của chú ấy. Hà! Không biết bao giờ chị em gặp nhau.

Bà nói với Thủ-Độ:

- Bác về Thăng-long cùng Thừa, Khánh, Dung chỉ với mục đích điều tra một việc tối quan trọng. Việc này phi cháu, không ai giúp bác được cả.

- Thưa bác việc gì ạ?

- Chú Thủ-Huy sai người về nhờ hai bác điều tra một việc: Nguyên vợ chú ấy là công chúa Đoan-Nghi với đứa con trai tên Thủ-Độ, tuân chỉ nhà vua triệu hồi, nên bỏ Mông-cổ về Đại-Việt đã 7 năm. Cho đến nay cũng không có tin tức gì. Chúng ta đã hỏi hai vương Kiến-khang, Kiến-bình thì được trả lời rằng triều đình không biết công chúa với chú hai ở đâu, thì sao có việc triệu hồi ? Ông nội đã sai cậu mợ Trung-Từ Bảo-Bảo điều tra hơn năm qua mà không ra manh mối. Hai người may mắn gặp cháu, được cháu tiết lộ cho biết mưu đồ của Tống trong việc dùng Thụy-Hương diệt các võ phái. Hiện cháu sống ở trong Hoàng-thành, may ra cháu giúp chúng ta tìm ra manh mối vụ án công chúa Đoan-Nghi.

Thủ-Độ đưa mắt nhìn bà Trần Lý, nó nghĩ thầm:

- Hôm trước Kim-Dung muốn ta đưa vào Hoàng-thành chơi, chắc cũng chỉ muốn điều tra vụ án mẹ ta. Rồi lúc thẩm vấn tên Đinh Hồng, thì Kim-Dung, Mỹ-Vân đều không có mặt. Bằng không thì tung tích ta bị lộ rồi. Bây giờ ta phải làm sao cho bà bác này ngừng điều tra, bằng không bà tìm ra tung tích ta thì hỏng bét.

Nghĩ vậy nó nói:

- Thưa bác, vụ này dù nhà vua, dù Khu-mật viện cũng không ai biết đầy đủ bằng cháu. Bác không cần điều tra nữa. Sau ngày rằm tháng tám, thi võ xong, cháu hứa sẽ trình với bác vụ này thực đầy đủ.

Chiều hôm ấy, đoàn xe về tới Thăng-long. Lập tức Thủ-Độ tổ chức buổi họp các Khả-hãn bang Lĩnh-Nam. Nó mời bàTrần Lý ngồi chủ tọa, Tự-Thừa, Tự-Khánh cùng tham dự. Nó đem vàng phân chia cho các Khả-hãn. Sau khi dặn dò chi tiết những việc phải làm, rồi ngày hôm sau chia tay.

Bà Trần Lý kinh ngạc vô cùng khi thấy nó còn nhỏ tuổi, mà điều khiển buổi họp rất nhịp nhàng, nào ban lệnh, nào phân tích nhiệm vụ, nào dặn dò phương cách đối phó mỗi khi có biến cố như một thượng thư. Bà đâu biết, nó từng ngồi bên cạnh bố, bên cạnh Thành-cát Tư-hãn xem hai người điều động tướng sĩ đã quen. Điều làm bà kinh ngạc nhất là không biết nó dạy bọn Khả-hãn từ bao giờ, mà bọn này có một kiến thức rất rộng về việc tổ chức thiếu niên thành đội ngũ, huấn luyện xung phong, hãm trận. Nay nó sai bọn Khả-hãn đi các nơi làm công việc đó. Nếu cứ trình độ này, chỉ ba tháng sau, dưới tay nó đã có hàng chục vạn thiếu niên dân dã thiện chiến.

Sau khi giảng giải cho bọn Khả-hãn xong, Thủ-Độ hỏi bà Trần Lý với Tự-Thừa, Tự-Khánh :

- Con xin nghe lời dạy dỗ của bác và các anh.

Tự-Thừa đưa mắt nhìn các Khả-hãn một lượt rồi nói bằng giọng đầm ấm :

- Anh có ba điều khuyên em.

- Em xin nghe.

- Điều thứ nhất : Em lập ra bang Lĩnh-Nam. Lúc đầu chỉ có mấy người. Công việc không làm bao. Bây giờ bang trở thành quá lớn. Mai này lớn không thua gì một nước nhỏ. Em phải tổ chức hệ thống điều khiển lại, phân chia nhiệm vụ như một môn phái. Có như vậy em mới bớt bận rộn, tâm tư thảnh thơi, mà quyết những việc lớn.

Thủ-Độ như một người mù được mở mắt, nó hỏi ngược lại Trần Thừa:

- Theo như minh kiến của anh, thì phải tổ chức như thế nào?

- Trên cao nhất có Bang-trưởng. Phụ tá cho Bang- trưởng có Tả, Hữu hộ pháp. Tả hộ pháp coi về đối nội như thưởng phạt, bổ nhiệm, huấn luyện, kết nạp, lương thực, tài chánh. Còn Hữu hộ pháp coi về đối ngoại như giao thiệp với các môn phái, với hương đảng, với triều đình. Nhất là giúp đỡ dân như lời thề ở đền Hùng. Dưới nữa có Lục thiện nhân, mỗi người phụ trách một việc như Lục-bộ của triều đình, tạm gọi là vụ: Binh-vụ, Lại-vụ, Hộ-vụ, Hình-vụ, Công-vụ, Lễ- vụ. Về lãnh thổ thì mỗi trấn, châu, phủ, huyện có một người đảm trách như một An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ, hiện em đặt tên là Khả-hãn rồi thì cứ để nguyên..

Thủ-Độ suy nghĩ một lúc rồi quyết định:

- Em muốn mời anh Tự-Khánh làm Tả hộ pháp. Kim-Dung làm Hữu hộ pháp. Mỹ-Vân coi Hộ-vụ, Phan Thùy-Dương coi Công-vụ.

Nó nhìn Trần Thừa:

- Còn anh! Em muốn tôn anh làm Nguyên-sư của cả bang.

Bà Trần Lý nắm tay Thủ-Độ:

- Cứ tạm như vậy đi. Trong tương lai, con sẽ gặp nhiều thiếu niên có khí tiết, ta sẽ sắp xếp lại nhân sự sau.

Trần Thừa tiếp:

- Các Khả-hãn của em có cái ưu điểm bậc nhất vô nhị là xuất thân cùng khổ. Rồi được học văn, luyện võ, thấm nhuần lòng yêu nước. Nhưng chúng ta chỉ có mười tám người e không đủ cho toàn quốc ! Bây giờ em nên tìm trong bọn Tiểu- hãn, tuyển chọn lấy trăm người, đem về đây huấn luyện thêm, rồi thăng lên Khả- hãn.

Thủ-Độ chắp tay:

- Đa tạ Nguyên-sư.

Trần Thừa tiếp:

- Điều thứ nhì : Trước đây, tại các xã, thiếu niên tuổi từ mười ba trở lên được gọi là Hoàng-nam. Chúng được huấn luyện quân sự, xung phong hãm trận, dùng để giữ an ninh cho xã. Khi nước có sự, thì Hoàng-nam phụ trách giữ đất. Còn Thiên-tử binh thì lưu động đánh giặc. Khi Đạo-cô Thụy-Hương về ẩn trong Hoàng-cung, bà ta muốn phá nát hệ thống phòng thủ Đại-Việt, nên ép nhà vua ban chỉ giải tán Thiên-tử binh, Ngưu-binh, Kỵ-binh, Hoàng-Nam. Trong mỗi xã chỉ chọn hai người làm Tuần-đinh để sai khiến mà thôi. Bây giờ các Khả-hãn về địa phương ngoài việc chính là quy tụ thiếu niên nghèo khổ lại nuôi dậy, tổ chức thành đội ngũ. Ta cũng nên thu dụng các thiếu niên trong các xã rồi tổ chức đội ngũ huấn luyện họ luôn. Nghĩa là họ sẽ giúp hương đảng giữ an ninh. Nhưng họ là người của ta. Ta có thể điều động họ sang các xã khác.

Thủ-Độ lại chắp tay:

- Đa tạ Nguyên-sư.

- Điều thứ ba, ta tạm tổ chức các đoàn, đội như sau : Mười người là một thập, trăm người là một bách. Không nên, và không thể tổ chức thành nghìn người thành đơn vị. Như vậy lớn quá, bọn mặt dơi, tai chuột sẽ bàn ra, nói vào, không lợi... Trong thời gian ở đây, ta sẽ giúp em làm những việc này.

Bọn Khả-hãn lên đường được hơn tháng, thì chúng báo cáo về rằng mỗi đứa tổ chức được mười đoàn thiếu niên thôn dã, mười đoàn thiếu niên nghèo khổ. Hương đảng đều vui lòng, vì không còn nạn thiếu niên lêu lổng phá phách. Ngược lại, họ có đội thiếu niên có học, giỏi võ, giúp tuần đinh canh phòng làng xã.

Cứ như vậy, tới tháng bẩy, thì mỗi Khả-hãn đã có hơn trăm đội thiếu niên dưới tay. Bang Lĩnh-Nam trở thành một bang lớn. Thế mà triều đình không ai biết gì.

Trong thời gian ấy, thì bà Trần Lý với các con ở trên con thuyền tại bến sông. Hàng ngày bà hoặc Tự-Thừa, Tự-Khánh đến Tây-hồ thủy xá dạy võ cho Thủ-Độ, Mỹ- Vân cùng huấn luyện bọn Tiểu-hãn từ các nơi gửi về.

Thủ-Độ nhận thấy, ngay từ hôm đầu gặp nhau, Mỹ-Vân với Tự-Khánh luôn quấn quýt bên nhau. Mỗi lời nói của Tự-Khánh đối với Mỹ-Vân đều ngọt ngào. Nó biết những gì sắp xẩy ra giữa hai người. Nó luôn tìm dịp cho hai người đi chung với nhau bằng cách sai Mỹ-Vân đi kiểm tra, hướng dẫn, dạy võ các Khả-hãn tại các trấn, các huyện. Vì vậy, riết rồi các Khả-hãn coi Tự-Khánh như một Đại-hãn thứ nhì.

Một hôm Tự-Thừa bảo Thủ-Độ:

- Cứ như bác Phòng-Phong nói, em luyện được cả nội công âm nhu của Mê-linh lẫn nội cô

Bạn đang đọc Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông của Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 18

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.