Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Kirby

Phiên bản Dịch · 3862 chữ

Charlotte trừng mắt nhìn cậu. “Cậu đang đùa tôi đấy à? Không là không! Tôi sẽ không vì cái lợi trước mắt mà xem nhẹ cái hậu quả lâu dài. Chỉ có những tên cặn bã mới làm như thế!”

Dù Ves có cố gắng giải thích bao nhiêu lần đi nữa thì cô nàng phi công kia lòng vẫn vững như kiềng ba chân. Một lúc sau cậu mới chợt hiểu rằng đối với Charlotte, tình trạng sức khỏe của chiếc Kirby của cô còn quan trọng hơn là trả thù ả phi công địch Miranda đáng ghét kia.

“Có lẽ chúng ta đã đi sai hướng rồi. Hay thử làm thế này xem.” Ves cố gắng hạ giọng để hòa giải với cô. “Kể gì đó cho tôi biết thêm về chiếc Kirby của cô đi.”

“Tự nhiên cậu lại hỏi thế?” Charlotte nhìn cậu đầy vẻ nghi hoặc.

“Chúng ta chỉ còn có hai tiếng nữa thôi và có lẽ tôi có thể điều chỉnh thêm chỗ này chỗ kia nếu cô cho phép. Cách duy nhất tôi có thể làm được như thế chính là tìm hiểu thêm về chiếc chiến cơ này để rồi tôi có thể đề xuất một vài hiệu chỉnh phù hợp với phong cách của cô.”

Mặc dù cô ấy vẫn đang bán tín bán nghi, nhưng khi nói về chiến cơ của mình, cô sẽ dễ dàng nguôi giận hơn nếu cô thỏa sức khoe khoang về chiếc Kirby của cô. “Tôi từng giành giải nhất trong cuộc thi thiện xạ ở học viện. Họ cho tôi mượn chiếc Kirby làm giải nhất đấy. Đó là chiến cơ tốt nhất mà tôi đã từng lái từ trước tới nay. Nó* chỉ là một chiến cơ luyện tập cũ kĩ, nhưng nó lại có thông số kỹ thuật tốt nhất trong những chiến cơ hạng nặng về mặt hỏa lực đó.”

*Trans: sau một hồi nghiên cứu thì mình phát hiện ra tiếng Anh có thể sử dụng đại từ nhân xưng cho một số đồ vật, nhưng tiếng Việt mình thì không có giới tính ngữ pháp, nên từ giờ mình sẽ dịch là “Nó”, mặc dù bản Eng là “He” khi xưng với chiến cơ.

Charlotte cứ thế luyên thuyên mãi về hỏa lực bất bại của chiến cơ mình. Cô thật sự ám ảnh về khả năng điều khiển chiến cơ để biến kẻ địch thành phô mát Thụy Sĩ trước khi chúng có thể tiếp cận cô. Ves nhận ra lý do tại sao cô ấy thân thuộc với chiếc Kirby nhiều đến như vậy không phải là vì cô ấy coi chiến cơ như một con người, mà là khả năng mang theo hàng tấn đạn dược và hỏa lực khổng lồ, khác xa với tất cả các chiến cơ tầm thường khác mà cô ấy sử dụng để luyện tập. Theo góc nhìn của cô nàng, những chiến cơ hạng trung và hạng nhẹ đều chỉ là ruồi muỗi mà thôi.

“Tôi nghĩ tôi hiểu cô muốn gì rồi.” Ves gật gật đầu. “Chiến cơ luyện tập của cô là một chiến cơ yểm trợ xuất sắc, nhưng cô ả Miranda kia sẽ hạ gục cô một lần nữa bằng thanh kiếm của cổ, nếu cô cứ khăng khăng lên sân khấu với chiếc chiến cơ y như trước. Cô cần phải khắc phục điểm yếu của mình để đối mặt với các chiến cơ cận chiến nếu cô muốn có cơ hội đoạt cúp.”

“Tôi không muốn cậu phá nát chiếc Kirby của tôi.”

“Không không, tôi đang có ý tưởng khác. Tôi chỉ muốn lắp một số phụ kiện tạm thời cho chiếc Kirby thôi. Cô nghĩ sao nếu tôi lắp thêm súng vào khung của chiếc Kirby hả?”

Trước viễn cảnh có thêm súng đạn trong tầm tay lại khiến Charlotte có phấn khích một chút, và sau khi Ves mô tả chi tiết kế hoạch của cậu dựa trên cấu trúc của chiếc Kirby và các bộ phận có sẵn khác, cô ấy đã nhiệt liệt tán thành.

Mẫu thiết kế Chiến Hỏa, qua nhiều năm, đã chứng tỏ bản thân luôn là một sản phẩm bền vững và đáng tin cậy để tung ra hỏa lực hạng nặng lên đầu kẻ địch. Nó sở hữu đôi chân lực lưỡng cho phép nó nấp đằng sau ngọn đồi hoặc các tòa nhà để khai hỏa vũ khí của nó lên trời mà không dễ dàng để lộ bản thân trước mắt địch. Khí tài chủ yếu của nó là hai khẩu đại pháo hạng nặng thay thế cho đôi tay của nó. Và chiếc Chiến Hỏa chỉ còn lại một vài cặp vũ khí lắp đặt đúng chỗ để có thể dễ dàng bắn quanh các góc hẹp và cũng có thể bắn qua các chướng ngại vật khác. Đương nhiên, nó phải hy sinh khả năng cầm nắm các loại vũ khí bên ngoài khác như súng trường và kiếm chẳng hạn.

Mặc dù phần lớn cấu trúc của chiến cơ đều được sử dụng để hỗ trợ hai khẩu đại pháo kia, nhưng nó vẫn mang theo hai bệ súng laser trên vai. Mỗi bệ súng có ba khẩu súng laser công suất hạng trung thường bắn liên thanh để chặn đứng tên lửa và các chiến cơ hạng nhẹ khác.

Mẫu thiết kế Chiến Hỏa cũng kết hợp các loại cảm biến khổng lồ và cực kì phức tạp. Chức năng nổi bật nhất của nó chính là hệ thống nhắm bắn được nâng cấp, cho phép các bệ súng laser có thể bắn trúng các mục tiêu chuyển động nhanh. Charlotte cũng thường hay dựa vào chế độ bắn tự động của súng laser trên vai để trừ khử bọn chiến cơ địch muốn đâm đầu vào cô.

Xui xẻo thay, cô ả Miranda đã biết đến chi tiết này và đối đầu với chiếc Kirby bằng một chiến cơ hiệp sĩ. Nó cầm một tấm khiên được thiết kế đặc biệt cho những cuộc giao đấu tay đôi trên đấu trường này. Ẩn mình sau tấm khiên được gia cố, Miranda có thể tránh được những phát đạn pháo hạng nặng, và dư sức né những phát bắn laser đủ lâu để tiếp cận phía sau lưng Charlotte. Bởi vì chiếc Kirby không có cách nào để xoay vũ khí của mình, nên Miranda có đầy cơ hội để làm đủ trò với chiếc chiến cơ nặng nề và ì ạch này. Ngay cả bệ súng trên vai cũng không thể quay ra sau do chúng quá dài và còn bị phần đầu to lớn của nó cản đường nữa.

Để khắc phục điểm yếu này của mẫu thiết kế Chiến Hỏa, Ves đề nghị áp dụng một sửa đổi nhỏ cho chiếc Kirby. Cậu muốn trang bị thêm một vài khẩu súng gắn ở phía sau lưng chiếc Kirby. Mặc dù cậu có kinh nghiệm tương đối mới mẻ về lĩnh vực này và cũng chỉ còn chưa đầy hai giờ để hoàn thành công việc, Ves đảm bảo rằng nó sẽ không hề đẹp mắt chút nào. Nhưng bây giờ cậu cần phải gây ấn tượng tốt với khán giả và nếu cậu chỉ đơn giản là sửa chữa nó cho xong thì quá là nhàm chán và chẳng hay ho chút nào. Chiếc Kirby xứng đáng tốt hơn thế.

Quá trình lắp đặt vũ khí ở sau lưng chiến cơ là một quá trình khá là phức tạp. Vũ khí gắn lưng không thể có nòng quá dài như khẩu đại pháo bởi vì chiến cơ của địch có thể né sang một bên hoặc thậm chí là chém đứt nó. Không những thế, nó còn bị giới hạn về trọng lượng, bằng không thì nó có thể kéo trọng tâm của cỗ máy về phía sau, khiến cho chiến cơ dễ bị ngã ngửa hơn.

“Hm, súng laser là được rồi. Mình cũng thấy có một vài khẩu có sẵn đằng kia. Nhưng mà, chúng không có đủ sức công phá cho lắm.”

Thế là còn một phương án cuối cùng. Tên lửa.

Các loại vũ khí tầm xa dành cho chiến cơ bao gồm ba danh mục riêng biệt.

Vũ khí laser có độ chính xác cao, với trọng lượng tương đối nhẹ và cơ bản thì nó không cần đạn dược gì nhiều. Nhưng chúng lại có thể ngốn năng lượng như con lợn khát nước và tỏa ra nhiệt lượng đáng kể. Tuy nhiên, với khả năng gây sát thương ở tốc độ ánh sáng của chúng cùng với các loại cảm biến tối tân của chiến cơ, nó thậm chí còn có thể bắn kích nổ đạn dược ở trên không trung nữa.

Tiếp đến là vũ khí đạn đạo, bao gồm các loại đạn dược phổ biến cùng với các loại đạn nổ, thường được sử dụng chung với các loại nòng súng điện từ. Nguyên lý hoạt động của chúng cũng tiêu thụ năng lượng và tỏa nhiệt, nhưng với tỉ lệ thấp hơn nhiều so với súng laser. Nhìn chung thì chúng có hỏa lực mạnh hơn nhưng phải đánh đổi bằng độ chính xác và chiến cơ phải mang theo đạn dược bên mình.

Còn tên lửa ngày nay về cơ bản được coi là vũ khí bộc phá tự hành và tự dẫn đường. Chúng mang một lượng lớn sát thương và không cần các bệ vũ khí lớn hay phức tạp để phóng chúng đi. Những loại tên lửa đơn giản nhất thậm chí còn có thể phóng ra từ những ống tên lửa tự chế. Chúng không cần gì nhiều về nhiệt năng, trọng lượng và thể tích bên trong chiến cơ, nhưng khi nạp đạn thì khá là rắc rối bởi vì chúng chiếm khá nhiều không gian bên ngoài đến kinh ngạc.

Tuy nhiên, nhờ vào khả năng vận chuyển dễ dàng mà chúng trở thành lựa chọn thay thế phổ biến cho các vũ khí đạn đạo. Những loại tên lửa này có đến hàng trăm mẫu khác nhau. Loại chiếm ưu thế nhất là tên lửa tầm xa có thể phóng ở khoảng cách xa và tiếp cận mục tiêu với độ chính xác cao miễn là nó được lắp đặt hệ thống nhắm bắn phù hợp.

Ves đã quyết định lắp đặt một thứ gì đó khác biệt lên lưng của chiếc Kirby. Tên lửa tầm xa nghe cũng rất gì và này nọ, nhưng với sàn đấu quy mô nhỏ thế này thì nó cũng chẳng sử dụng hết nhiên liệu đẩy bên trong tên lửa. Cho nên, thay vào đó cậu chọn tên lửa tầm gần. Mặc dù chúng không mang theo đủ nhiên liệu đẩy để bay hơn một kilomét, nhưng chúng sử dụng không gian dư thừa bên trong để chứa thêm chất nổ để phát nổ mạnh hơn bình thường.

Bản chất công nghệ tương đối thấp và tự khép kín của chúng đồng nghĩa với việc lắp các ống phóng tên lửa cũng đơn giản như hàn một hộp kim loại lên áo giáp chiến cơ. Ves đã lắp đặt ba ống phóng riêng biệt hơi nghiêng một chút và sắp xếp chúng theo hình bán nguyệt trên phần lưng to lớn của chiếc Kirby. Ống tên lửa ở giữa hướng thẳng về phía trước, trong khi hai ống phóng còn lại hơi nghiêng sang trái và phải một chút, giúp loại bỏ điểm mù của chiếc Kirby. Đương nhiên, quá trình lắp đặt có chút phức tạp hơn là nói miệng, nhưng cậu vẫn có thể kết nối hệ thống phóng với hệ điều hành của chiếc Kirby.

“Được rồi. Đã hết giờ! Trận đầu tiên của Cúp Liên Hợp sẽ diễn ra theo kiểu đấu loại trực tiếp. Các trận đấu sẽ kéo dài tối đa hai mươi phút, sau đó mỗi chiến cơ sẽ được bảo dưỡng cho đến khi được gọi lên sàn đấu lần nữa. Các thí sinh sẽ không có quá nhiều thời gian giữa các trận đấu, cho nên hãy tận dụng thời gian của mình một cách tốt nhất và chỉ sửa chữa những thứ cần thiết nhất nhé.”

Luật thi đấu của Cúp Liên Hợp đặt ra nhiều hạn chế khắc nghiệt hơn một chút so với giải đấu chính. Trong cuộc thi YTE thông thường, việc sửa chữa chiến cơ là nhiệm vụ của một đội ngũ hậu cần chuyên nghiệp. Cúp Liên Hợp đằng này lại đặt tất cả trách nhiệm lên đầu mỗi nhà thiết kế chiến cơ. Trên thực tế, điều này có nghĩa là Ves chỉ có thể dành một chút thời gian để sửa chữa một cách hiệu quả cho chiếc Kirby trước khi Charlotte phải tham dự trận kế tiếp. Vì vậy, để lọt vào trận chung kết, Ves phải tận dụng tối đa khoảng thời gian hạn chế kia cho hợp lý, trong khi Charlotte buộc phải đánh bại đối thủ trong khi phải chịu ít thiệt hại nhất có thể.

Ves không hề coi thường đối thủ của Charlotte. Năm người trong số họ đều đạt thứ hạng cao hơn trong giải đấu chính và hiện tại tất cả đều đã biết rõ phong cách chiến đấu của nhau cho nên họ đều đã chuẩn bị phương án đối phó. Điểm lợi duy nhất về luật lệ của Cúp Liên Hợp chính là khi người dẫn chương trình hé lộ các trận đấu bắt cặp ngẫu nhiên vào cuối giai đoạn sửa chữa. Việc này đã ngăn cản đối thủ đầu tiên của Charlotte sử dụng chiến cơ chuyên dụng để tiêu diệt xạ thủ hạng nặng.

Người dẫn chương trình thông báo kết quả bắt cặp các thí sinh với nhau. Như dự đoán, ban tổ chức có lẽ đã táy máy một chút về khoản bắt cặp ngẫu nhiên này để đảm bảo đội hạng nhất và hạng nhì sẽ đối đầu nhau ở trận chung kết nếu họ thắng tất cả các trận. Ves sẽ chưa đối đầu với Edwin và cộng sự của cậu ta. Thay vào đó, trận đầu tiên của cậu lại trùng hợp với điều mà cậu vô cùng không muốn xảy ra chút nào.

“Trận đấu đầu tiên chuẩn bị bắt đầu! Xin mời cô Charlotte Hoffmeister và Miranda del Rey lên sàn đấu!”

Một chiến cơ hạng nhẹ và hạng nặng đồng thời bước vào sân đấu. Từng bước chân của chiếc Chiến Hỏa của Charlotte làm nứt bề mặt của đấu trường do trọng lượng quá cỡ mới được tăng lên của nó. Mặc dù các ống tên lửa gắn sau lưng có trọng lượng tương đối nhẹ, nhưng đó chỉ là trong trường hợp so sánh với các loại vũ khí khác. Chúng chỉ tổ biến chiếc chiến cơ của Charlotte thành bia tập bắn bự tổ chảng một khi nó cạn sạch đạn dược mà thôi.

Còn cỗ máy của Miranda là hiện thân của nét sang trọng quyền quý. Không khác mấy so với chiếc Fantasia, chiến cơ huấn luyện của Miranda trông mỏng manh và nữ tính hẳn. Với sự hiểu biết của mình với dòng Fantasia, Ves đã phát hiện ra những điểm chung khiến cậu tin rằng chiến cơ của Miranda cũng được thiết kế bởi Công ty Vũ trang Kezia. Chỉ có công ty này mới đặc biệt nhấn mạnh về vẻ ngoài nữ tính như thế này.

“Chuẩn bị mà hôn tạm biệt chiến thắng của mày đi, bởi vì cô nương đây sẽ dạy cho mày một bài học.” Charlotte liền khích tướng đối thủ trong khi họ chờ tín hiệu sẵn sàng.

“Heh.” Miranda kiêu ngạo đáp trả, thậm chí còn không thèm dùng kênh riêng tư của cô ta nữa. “Tao đã đá đít mày một trận, và tao sẽ đá mày thêm lần nữa.”

“Úi sợ quá? Được thôi, tao có chút bất ngờ cho mày đây. Tao sẽ nghiền mày thành bã rồi gửi về cho mẹ mày nếu mày dám nhảy lên đầu tao lần nữa.”

Ves bó tay chấm com. Sao cứ như là cậu đã trở về thời trung học thế nhỉ? Trùng hợp thay, khi cậu nhìn sang Patricia, cô ấy cũng có biểu cảm tương tự. Các nhà thiết kế chiến cơ đều sở hữu tâm trí điềm tĩnh hơn nhiều. Họ phải như thế mới chịu đựng được những dòng chữ mệt óc mà họ phải đọc. Còn phi công chiến cơ mặt khác lại ưa thích sự táo bạo và hay làm theo trực giác mách bảo. Việc suy nghĩ quá nhiều sẽ dẫn đến khoảnh khắc do dự, và đó là điều mà các phi công không hề mong muốn chút nào khi đạn và tên lửa cứ bay ầm ầm trên đầu mình.

Dù sao thì, đèn hiệu chuyển sang màu xanh lá. Chiếc chiến cơ nữ tính của Miranda liền bắt đầu hành động và di chuyển nhanh chóng theo hướng zig-zag để làm Charlotte khó mà nhắm vào cô. Hệ thống Đối kháng Điện tử (ECM) cực kì tân tiến của ả liền kích hoạt. Tất cả hệ thống phụ trợ khác cũng bắt đầu hoạt động. Một bộ phận nhỏ làm biến dạng mục tiêu trước mắt thường, bằng cách tạo ra một làn khói đặc biệt gây cản trở hệ thống nhắm mục tiêu quang học và khiến chúng phải xử lí một đống dữ liệu rác.

Tuy nhiên, Charlotte cũng chứng minh cho khán giả thấy mình không phải là một chuyên gia xạ thủ hạng nặng xoàng xĩnh. Cô không cần đợi hệ thống nhắm bắn của mình xuyên thủng lớp ECM của Miranda, mà cô liền khai hỏa khẩu đại pháo và súng laser của cô theo diện rộng mà không cần tinh chỉnh mục tiêu. Một loạt các chùm tia laser và đạn pháo hỗn loạn ấy không hề bắn trúng Miranda, nhưng một số quả đạn lạc cũng suýt nữa là gây thiệt hại cho ả ở khoảng cách gần.

Miranda không vòng vo tam quốc nữa mà bắt đầu vòng về phía trước theo một góc xiên, luôn đảm bảo rằng cô ta sẽ không bao giờ đi theo một đường thẳng để dễ bị bắn trúng. Bất chấp hỏa lực dày đặc của Charlotte, cô vẫn không thể bắn trúng đối thủ một viên nào. Chỉ đến khi Miranda đi được nửa đường thì chân của chiến cơ của cô ta mới bị thiệt hại nhẹ do một quả đạn nổ phát nổ quá gần. Nó chỉ làm bong ra một vài lớp giáp nhưng không hơn không kém.

“Tao bảo rồi mà Charlotte, mày sẽ luôn ngửi khói tao thôi!”

Charlotte trông có vẻ hơi hoảng sợ và khiến cho các khẩu súng laser trên người bị quá tải. Các trang bị đó đều đã vượt qua chu kì tối đa của chúng và đã khai hỏa liên tục cho đến khi các nòng súng đã quá nhiệt. Ves nhăn mặt khi nghĩ đến việc phải sửa chữa các nòng súng đó. Sự quá tải nhiệt năng ảnh hưởng đến các loại súng laser nghiêm trọng hơn một chút so với các thành phần khác do nó có yêu cầu cao về độ bền của vũ khí. Nếu lăng kính hội tụ chỉ bị chệch hướng một chút, thì tia laser mà nóng súng bắn không phải là một chùm tia hẹp và song song mà là một chùm tia đa hướng giống như cái máy tắm nắng (tanning machine) hơn là một vũ khí chết người.

Miranda cũng bắt đầu bị trúng đạn nhiều hơn không những là do tần suất bắn tăng lên mà còn do khoảng cách đang dần một rút ngắn lại. Càng đến gần cũng đồng nghĩa với việc để lộ bản thân rõ ràng hơn trước tầm nhìn nhắm mục tiêu của Charlotte. Điều này lại làm tăng cơ hội khiến cho chiến cơ hạng nặng bắn trúng chiến cơ hạng nhẹ kia.

Tuy nhiên, khi Miranda tiếp tục thu hẹp khoảng cách, tỉ lệ bắn trúng lại giảm dần kể cả khi các tia laser vẫn bắn điên cuồng về phía ả ta. Khả năng né tránh sang một bên của cỗ máy cô ta làm tăng thêm góc quay mà Charlotte phải điều chỉnh để nhắm mục tiêu một khi khoảng cách giữa hai người ngày càng rút ngắn.

Nó giống như sự khác biệt giữa việc bắn một con bồ câu bằng đất sét ở khoảng cách 5 mét và 50 mét vậy. Nếu con bồ câu được ném lên không trung ở khoảng cách xa, người bắn chỉ cần điều chỉnh vũ khí của mình nhiều nhất là vài độ để theo dõi đường bay. Còn nếu con bồ câu đất sét kia bay gần hơn, thì người bắn có thể thậm chỉ buộc phải xoay cả cơ thể hơn một trăm độ trong một giây.

Chiến cơ hạng nặng nổi tiếng là quay người cực kì chậm. Kể cả súng laser vừa lớn vừa nặng chịch gắn trên người chiếc Chiến Hỏa cũng khó mà theo kịp chiến cơ của Miranda.

“Haha, nếu mày nghĩ tao sẽ mắc cái bẫy ngu ngốc của mày, thì nghĩ cho kĩ vào! Tao và cộng sự của tao không có mù đâu!”

Chiến cơ của Miranda tấn công bằng thanh kiếm của cô ta khi ả tiếp cận ở bên hông chiếc Kirby. Ves đã e sợ điều này. Mặc dù chiếc Kirby là mối đe dọa đáng sợ ở mặt tiền và hậu, nhưng hai bên hông lại không trang bị bất kì vũ khí nào để che chắn cả. Patricia hẳn đã nhận ra Ves đã sửa đổi những gì và đã cảnh báo Miranda về mối đe dọa ở đằng sau của chiếc Kirby.

Tuy nhiên, chỉ vì Ves e ngại lựa chọn này không có nghĩa là cậu hoặc Charlotte đã đoán trước được điều này. Ves đã truyền lại một chiến thuật mà cậu đã học được từ những cuộc phiêu lưu online của người chị họ Melinda cho đồng đội của cậu, mong rằng cô ấy sẽ sử dụng nó đúng nơi đúng lúc.

Khi thanh kiếm sắp sửa chém vào cánh tay của chiếc Kirby, Charlotte liền phản pháo bằng cách ép buộc tháo dời bệ súng laser ở gần nhất. Khẩu súng quá nhiệt ấy đã chặn đứng đòn kiếm kích của Miranda, khiến cỗ máy hạng nhẹ bị đứng hình. Trong lúc đó, Charlotte tận dụng thời gian cô vừa có được để xoay cỗ máy của mình khoảng 45 độ, đủ để một trong những ống phóng tên lửa nhắm thẳng vào cái con chiến cơ nữ tính chết tiệt kia.

Ống phóng liền khạc ra toàn bộ số tên lửa của nó thẳng vào mặt kẻ thù.

Tên viết tắt:

1 ECM: Electronic Countermeasure = Hệ thống Đối kháng Điện tử

Bạn đang đọc Sắc Nét Chiến Cơ của Argenteus
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Argenteus
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 3

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.